(Xây dựng) – Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (Nghị định 16) sau khi được ban hành đã đi vào cuộc sống, giúp các địa phương, các cấp tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng.
Theo đó, thực hiện Chương trình công tác năm 2024 của Chính phủ, ngày 15/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/QĐ-TTg giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 16.
Nghị định 16 cho thấy những thay đổi rất rõ, so với các nghị định, quy định trước đây. Tuy nhiên, sau 3 năm Nghị định 16 được ban hành, thực tế, bộc lộ những hạn chế, có những bất cập từ thực tiễn cần thay đổi đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội. Do đó, cần thiết phải xem xét sửa đổi cho phù hợp thực tế.
Để triển khai nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định thay thế Nghị định 16 của Chính phủ về xử phạt VPHC về xây dựng.
Thông qua báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Xây dựng, có những bất cập trong việc áp dụng Nghị định 16 khi triển khai. Bộ Xây dựng đã tập hợp các ý kiến để triển khai xây dựng, sửa chữa.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thông qua Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 16, Bộ Xây dựng mong muốn đại diện các địa phương trao đổi, đóng góp ý kiến cụ thể với các nhóm quy định, hành vi trên cơ sở bám sát, căn cứ vào thực tế địa phương. Từ đó, tiếp tục tiếp thu đầy đủ, chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện với chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nâng cao, đảm bảo cho công tác quản lý. Sau Hội thảo này, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân trên cả nước và tổ chức 2 Hội thảo tại về nội dung này tại khu vực phía Nam. Sau đó, sẽ tiếp tục tiếp thu, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện trình Bộ Tư pháp, Chính phủ ban hành.
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Chu Hồng Uy phát biểu tại Hội thảo. |
Báo cáo tại Hội thảo, ông Chu Hồng Uy, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã giới thiệu, tóm tắt một số nội dung cơ bản, nổi bật trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 16. Dự thảo Nghị định quy định xử phạt VPHC về xây dựng gồm 88 Điều, chia thành 8 chương. Trong đó, dự thảo đã lược, sửa đổi, bãi bỏ, bổ sung nhiều hành vi liên quan đến vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản và nhà ở; thẩm quyền lập biên bản, xử phạt VPHC; biện pháp thi hành; điều khoản thi hành; quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong xây dựng...
Tại Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 16. 15/31 ý kiến của đại diện các Sở Xây dựng địa phương đã được Bộ Xây dựng ghi nhận, tiếp thu. Trong đó, các góp ý tập trung vào các nội dung, quy định như: Đề xuất tăng thêm thời hạn, thời gian để các đối tượng vi phạm hoàn thiện thủ tục hồ sơ cho phù hợp với quy định; bổ sung xử lý VPHC đối với công trình xây dựng có vi phạm theo quy mô, tổng mức đầu tư, cấp công trình, mức độ ảnh hưởng của công trình…; bổ sung, làm rõ quy định của từng hành vi vi phạm (chủ đầu tư, tư vấn quản lý dự án, tư vấn thiết kế, khảo sát, giám sát, đơn vị thi công…).
Toàn cảnh Hội thảo. |
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cảm ơn các đại biểu đã thu xếp thời gian tham dự và đóng góp nhiều ý kiến quý báu. Những ý kiến này sẽ được Ban soạn thảo, Tổ biên tập ghi nhận, tiếp thu đầy đủ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định này.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh lưu ý, vì Nghị định này có nhiều nội dung hành vi liên quan đến các lĩnh vực: Kiến trúc, quy hoạch, nhà ở kinh doanh bất động sản... Theo đó, cần nghiên cứu thấu đáo để xem xét và bố cục lại Nghị định này cho từng chương, nhóm, từng lĩnh vực. Cụ thể, chia nhỏ các hành vi để dễ dàng vận dụng, giúp các địa phương thuận lợi trong quá trình quản lý Nhà nước, xử lý các tình huống, đảm bảo các quy định pháp luật.
Phượng Nguyễn – Mai Thu
Theo