(Xây dựng) – Sáng 9/5/2020, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cùng các lãnh đạo chủ chốt của các Cục, Vụ, cơ quan thuộc Bộ tham dự trực tuyến Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cùng nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế.
Bộ Xây dựng tham dự trực tuyến Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp. |
Không “quyền anh, quyền tôi”
Với việc tham dự Hội nghị trực tuyến này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kỳ vọng lãnh đạo các Cục, Vụ, cơ quan thuộc Bộ nắm bắt kịp thời tình hình, diễn biến của kinh tế - xã hội cũng như những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp… Từ đó có quyết tâm mạnh mẽ, chủ động, nhạy bén, linh hoạt trong hình thành các quyết sách của ngành Xây dựng góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành nhanh chóng vượt qua thách thức, nền kinh tế phục hồi.
Tại Hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói, chúng ta đang ở vào thời khắc mang tính bước ngoặt mới, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với nhiều quốc gia trên thế giới do đại dịch Covis-19 gây ra. Việt Nam đã theo đuổi chiến lược, mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu cùng với cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế để duy trì ngọn lửa tăng trưởng luôn cháy và sớm bùng trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kỳ vọng lãnh đạo các Cục, Vụ, cơ quan thuộc Bộ nắm bắt kịp thời tình hình, diễn biến của kinh tế - xã hội cũng như những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp… |
Sự thành công trong chống dịch Covid-19 của Việt Nam được nhiều nước, các tổ chức quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao do dân tộc Việt Nam có sẵn sức đề kháng là tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật và tuân thủ của mọi người dân, sự chấp nhận hi sinh một phần nhỏ lợi ích của các nhân để cả xã hội được hưởng lợi. Có những doanh nghiệp vẫn duy trì tính phát triển bền vững, thậm chí tăng trưởng cao nhờ hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi, hướng tới các giá trị đích thực vì lợi ích của con người, lấy con người là trung tâm.
Thủ tướng nhấn mạnh, các lệnh giãn cách đã nới lỏng, dịch bệnh dần đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nên kinh tế như chiếc lò xo bị nén lại đã đến lúc sẵn sàng bung ra. Do đó, cả nước cần tập trung hơn nữa khởi động lại nền kinh tế, phấn đấu GDP đạt tăng trưởng trên 5%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Để đạt được điều này, cần tập trung vào “5 mũi giáp công”: Thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong nước, đặc biệt là tư nhân, thu hút FDI, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành phải xắn tay vào cuộc, địa phương phải tháo gỡ khó khăn trực tiếp cho doanh nghiệp với tinh thần cải cách, đổi mới, thúc đẩy phát triển. Đặc biệt trong giải quyết công việc không thể “quyền anh, quyền tôi” mà phải vì đất nước, vì dân tộc, vì gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Kiến nghị trong lĩnh vực Xây dựng
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, qua khảo sát của VCCI, khoảng 30% doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động được từ 1-3 tháng, 50% duy trì hoạt động không quá 6 tháng, 20% duy trì hoạt động không quá 12 tháng, đồng nghĩa 80% doanh nghiệp sẽ ngừng hoạt động sau 1 năm nếu dịch bệnh kéo dài như hiện nay.
Trong khi đó, các bộ ngành, địa phương triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khá chậm, chưa kịp thời theo tinh thần chỉ đạo của các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là “chống dịch như chống giặc”. Nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được với các cơ chế, chính sách từ các cơ quan có trách nhiệm.
VCCI đã tập hợp mới các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp đến Thủ tướng Chính phủ, trong đó đối với lĩnh vực bất động sản, đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn; Xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Về ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án nhà ở, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm túc Khoản 1.c, Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định không bắt buộc ký quỹ (từ 1-3% tổng vốn đầu tư) đối với dự án mà nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Khoản 1.c, Điều 27 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định không bắt buộc ký quỹ (từ 1-3% tổng vốn đầu tư) đối với dự án mà nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Thực tế hiện nay, một số địa phương lại buộc tất cả các dự án này đều phải nộp tiền ký quỹ.
Về hỗ trợ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đề xuất miễn tiền thuê đất 6 tháng đầu năm 2020 cho tất cả các trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm do ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch. Hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 6 tháng cuối năm 2020 và trong năm 2021, đồng thời hoãn nộp tiền thuê đất (miễn lãi suất) sang đầu năm 2021. Đối với việc nộp tiền sử dụng đất, tiền trúng đấu giá, tiền ký quỹ đầu tư, đề xuất cho phép doanh nghiệ được gia hạn (nộp chậm) tối thiểu 12 tháng kể từ ngày có thông báo nộp tiền.
Về kích cầu từ bất động sản, đề nghị đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội ngay từ năm 2020. Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo cân đối thêm 3.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, trong đó, 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 2.000 tỷ đồng cho 04 Ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển nhà ở xã hội đảm bảo an sinh xã hội sau đại dịch Covid-19, để tạo cú huých phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, đáp ứng nhu cầu nhà ở thực của cán bộ, công chức viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân, lao động, người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, người nhập cư...
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ, bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) kiến nghị thúc đẩy thanh toán, giải quyết nợ đọng đầu tư xây dựng kịp thời cho các doanh nghiệp tư vấn xây dựng, doanh nghiệp xây dựng dự án đầu tư công, tháo gỡ các thủ tục đầu tư xây dựng để có thể triển khai nhanh các dự án đầu tư xây dựng mới.
Thanh Nga
Theo