(Xây dựng) – Ngày 24/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã có buổi tiếp và làm việc với Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) về việc mở rộng quan hệ hợp tác giữa các bên.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, bà Barbara Buser – Giám đốc Ban Quản lý các dự án hạ tầng, Vụ Tài chính hạ tầng, SECO tại Thụy Sỹ bày tỏ vui mừng khi cùng đoàn đến thăm và làm việc tại Bộ Xây dựng, đồng thời nhấn mạnh sự quan tâm, mong muốn mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa SECO và Bộ Xây dựng trong thời gian tới, đặc biệt là những hợp tác trong phát triển hạ tầng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Cùng chung mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Bộ Xây dựng, ông Oemar Idoe – Điều phối viên nhóm các Dự án về Môi trường, Biến đổi khí hậu và Nông nghiệp, Tổ chức GIZ tại Việt Nam cho biết, GIZ mong muốn hợp tác, cải thiện khả năng điều phối của các bộ phận chức năng thuộc các Bộ ngành Trung ương, địa phương theo cả chiều ngang và chiều dọc, trong đó làm tốt hơn nữa công tác điều phối ở ĐBSCL nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống của người dân trong vùng.
Đánh giá cao sự quan tâm của SECO và GIZ trong việc hỗ trợ, hợp tác với Bộ Xây dựng trong những năm qua, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của ĐBSCL trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm không chỉ cho Việt Nam mà cho cả thế giới. Đây cũng là vùng kinh tế trọng điểm quốc gia, có giá trị đa dạng sinh học cao với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và hệ thống rừng ngập mặn phong phú…
Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL lại đang phải đối mặt với thách thức do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn…
Do đó, Thứ trưởng Bùi Hồng Minh cho rằng, SECO và GIZ cần xây dựng kế hoạch làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, từ đó xác định những nội dung hợp tác cụ thể, tập trung vào những hợp tác trong lĩnh vực đô thị, nông thôn, phát triển cơ sở hạ tầng. Những hợp tác này cần sớm được triển khai thực hiện để sớm mang lại lợi ích cho người dân trong vùng.
Cũng tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng và Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Mai Thị Liên Hương đã nêu lên một số nội dung trọng tâm Bộ Xây dựng dự kiến tăng cường hợp tác với SECO, GIZ trong thời gian tới.
Trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bao gồm: Rà soát, đánh giá việc thực hiện Định hướng quy hoạch tổng thể Hệ thống đô thị quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009) để thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ, khu vực bị sạt lở; rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch đô thị phân bố hợp lý tại các vùng đô thị dọc theo các hành lang phát triển chính của vùng; rà soát, đánh giá tiềm năng phát triển đô thị đảo khu vực ĐBSCL làm cơ sở xây dựng và phát triển đô thị bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học biển, hải đảo và đảm bảo quốc phòng an ninh; nghiên cứu các nội dung theo các chuyên đề làm cơ sở xây dựng chính sách trong Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Cấp thoát nước; Luật Quản lý phát triển đô thị…
Bộ Xây dựng sẽ tập trung xây dựng lại kế hoạch hợp tác đối với SECO và GIZ, đi sâu vào thực tiễn hơn dựa trên những kết quả đã đạt được trước đó để đưa ra những kế hoạch hành động nhằm gắn kết, tăng cường thêm giá trị nhân rộng của kết quả trước với thực hiện trong tương lai…
Đan Linh
Theo