Thứ ba 15/10/2024 05:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Bộ Xây dựng họp sửa đổi Nghị định 32 và Nghị định 37 của Chính phủ

08:56 | 03/11/2018

(Xây dựng) – Ngày 2/11, tại Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo (BST) và Tổ biên tập (TBT) sửa đổi Nghị định 32 và Nghị định 37 của Chính phủ. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ, ngành liên quan, cùng đại diện Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng.


Toàn cảnh cuộc họp.

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản pháp luật và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2018, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 979/QĐ-BXD về việc thành lập BST, TBT Nghị định thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/03/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tới tổ chức xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.

Ngày 25/03/2015, Nghị định 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí xây dựng (Nghị định 32) được Chính phủ ban hành. Nghị định 32 được ban hành đã cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý chi phí trong hoạt động đầu tư xây dựng theo Luật Xây dựng năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2015). Sau hơn 3 năm thi hành, Nghị định 32 đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư xây dựng, là một yếu tố then chốt quyết định giá trị công trình, hiệu quả đầu tư dự án và hoạt động phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 (Nghị quyết 05) của Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức canh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 27/2017/NQ-CP ngày 21/02/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 05 nhằm đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới cùng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 32, nhiều quy định của Nghị định đã bộc lộ những điểm chưa phù hợp, cũng như thực tiễn nhiệm vụ của Bộ.

Trong hơn 10 năm, thực hiện Đề án đổi mới quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì triển khai thực hiện các nội dung của Đề án, trong đó có nội dung: “Xây dựng các công cụ tạo điều kiện cho việc thực hiện cơ chế đàm phán, thỏa thuận về chi phí đầu tư xây dựng công trình giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng”.

Để triển khai nội dung này, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng (Nghị định 48); Nghị định số 207/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 48 (Nghị định 207) và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng (Nghị định 37).

Kế thừa các quy định tại các Nghị định trước, Nghị định 37 đã làm rõ thêm các loại hợp đồng, phân định được quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng và các chủ thể liên quan. Nhìn chung, Nghị định này đã được các chủ thể có liên quan đánh giá đã góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng và chi phí của dự án đầu tư xây dựng công trình, góp phần chống thất thoát, lãng phí, giảm đáng kể nợ đọng vốn trong xây dựng, đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể và nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình.

Tuy nhiên, sau hơn 03 năm áp dụng, Nghị định 37 đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp với thực tiễn quản lý, gây cản trở cho công tác quản lý hợp đồng xây dựng, công tác giải ngân tại nhiều dự án đầu tư xây dựng.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến của đại diện các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Giao thông Vận tải, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... đã đóng góp để sửa đổi Nghị định 32 và Nghị định 37 của Chính phủ như quyết toán vốn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng, hồ sơ nghiệm thu, biến động và điều chỉnh giá, thanh toán vật tư vật liệu đặc thù...

Phát biểu kết thúc cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh đề nghị: “Cơ quan thường trực, TBT soạn thảo tiếp thu ý kiến từ các Bộ, ngành liên quan. Chuẩn bị dự thảo, tờ trình, báo cáo đánh giá tác động, các phụ lục ý kiến giải trình gửi cho các thành viên BST để xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hoàn thiện vào cuối tháng 11/2018 trình Chính phủ phê duyệt”.

Việt Khoa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load