Thứ ba 05/11/2024 09:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bộ Xây dựng họp bàn phương án xây dựng bệnh viện dã chiến

08:49 | 10/04/2020

(Xây dựng) – Ngày 9/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã chủ trì cuộc họp về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến phòng chống đại dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ.

bo xay dung hop ban phuong an xay dung benh vien da chien
Thứ trưởng Lê Quang Hùng chủ trì cuộc họp xây dựng bệnh viện dã chiến phòng dịch COVID-19.

Kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến của Chính phủ

Ngày 4/4, Văn phòng Chính phủ có Thông báo 142/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp bàn về phương án xây dựng bệnh viện dã chiến cho tình huống khẩn cấp của dịch COVID-19.

Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã bùng phát mạnh trên toàn cầu và Việt Nam, gây ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và sức khỏe, tính mạng của người dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, cả nước đã đoàn kết, chung tay triển khai quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ để ngăn chặn lây lan dịch bệnh và bước đầu thu được nhiều kết quả tích cực. Nhưng hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và hoàn toàn có thể lây lan rộng, nếu không được kiểm soát tốt.

Chính vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn bị tốt mọi phương án ứng phó, bao gồm cả việc chuẩn bị cho công tác xây dựng bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

Để chủ động phương án xây dựng bệnh viện khi dịch bùng phát, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và các địa phương, cơ quan liên quan rà soát lại kế hoạch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về xây dựng bệnh viện dã chiến.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu đề xuất các địa điểm phù hợp để xây dựng bệnh viện dã chiến trên địa bàn nhằm đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, tập trung ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và báo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/4/2020.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế để lập thiết kế điển hình, lập dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến có quy mô, hình thức khác nhau (xây dựng mới theo hình thức lắp ghép; lều bạt hay cải tạo các công trình sẵn có như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường, cơ sở giáo dục…) và đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Bộ Xây dựng cũng phải xây dựng kế hoạch huy động các đơn vị có uy tín, kinh nghiệm nhằm đảm bảo nhân lực, phương tiện, nguyên vật liệu… để có thể triển khai nhanh chóng ngay khi có yêu cầu, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và đúng quy định.

Trong khi đó, Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng phải rà soát lại số lượng giường bệnh, các loại vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu để có phương án sản xuất, mua sắm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, tương ứng với các bệnh viện dã chiến khi được đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, các Bộ cũng cần phải phối hợp với những cơ quan liên quan xây dựng cơ chế đặc thù để triển khai nhanh các bệnh viện dã chiến được thiết lập theo kế hoạch nêu trên.

Bệnh viện dã chiến có quy mô, thiết kế như thế nào?

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Xây dựng đã giao Thứ trưởng Lê Quang Hùng họp bàn với các Cục, Vụ, Viện và các công ty thi công, tư vấn xây dựng để lập thiết kế điển hình và dự toán xây dựng bệnh viện dã chiến đáp ứng công năng theo yêu cầu của Bộ Y tế.

Sau khi tham khảo các mô hình bệnh viện dã chiến trên thế giới như Trung Quốc, Anh, Nga... và xem xét điều kiện thực tế của Việt Nam, Viện Kiến trúc quốc gia và Tổng Công ty Tư vấn Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp để xây dựng bệnh viện dã chiến.

Trong đó, các bệnh viện dã chiến phải đảm bảo một số yêu cầu chung của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Thời gian thiết kế, thi công và lắp đặt trang thiết bị tối đa 15 ngày.

bo xay dung hop ban phuong an xay dung benh vien da chien
Giải pháp thiết kế bệnh viện dã chiến tuyến Trung ương quy mô 800 – 1.000 giường bệnh của VNCC và Viện Kiến trúc quốc gia.

Mỗi bệnh viện dã chiến được thiết kế cao không quá 2 tầng. Bệnh viện tuyến Trung ương dự kiến xây dựng trên diện tích khoảng 20.000m2 và bệnh viện tuyến tỉnh không quá 12.000m2. Mỗi bệnh viện có mật độ xây dựng khoảng 30 - 40% và cách khu dân cư tối thiểu 500m.

Cơ cấu chung của bệnh viện dã chiến bao gồm 13 khu là khu điều hành, hành chính; khu tiếp đón và phân loại bệnh nhân; khu khám, chẩn đoán hình ảnh; khu lấy mẫu, xét nghiệm; khu cấp cứu, hồi sức tích cực; khu chăm sóc, điều trị bệnh nhân ở mức độ nhẹ, trung bình; khu cách ly chờ ra viện; khu dược, cấp phát thuốc, vật tư, hóa chất; khu kiểm soát nhiễm khuẩn, khu dinh dưỡng; khu nội trú, nghỉ ngơi; khu nhà xác và khu bảo vệ.

Trên cơ sở đó, Viện Kiến trúc quốc gia đề xuất 3 phương án cụ thể cho mô hình bệnh viện dã chiến tại Việt Nam. Giải pháp đầu tiên là tận dụng kho xưởng, nhà máy, hoặc nhà đã sử dụng để cải tạo thành bệnh viện dã chiến. Giải pháp thứ 2 là xây dựng bệnh viện dã chiến trên nền đất trống và cuối cùng là xây dựng bệnh viện dã chiến bằng nhà di động.

Trong thời gian cuộc họp, các chuyên gia dành nhiều thời gian để thảo luận về phương án xây dựng bệnh viện trên nền đất trống theo phương pháp tiền chế, 80% khối lượng xây dựng công trình được sản xuất thành các khối block, các phụ kiện thành phẩm từ các nhà máy, nhà xưởng... được vận chuyển đến công trường, lắp ghép lại với nhau thay vì xây dựng theo cách thông thường.

Đối với bệnh viện dã chiến tuyến Trung ương quy mô 800 – 1.000 giường, Tổng Công ty Tư vấn Việt Nam (VNCC) và Viện Kiến trúc quốc gia đề xuất tổ hợp mặt bằng theo hình răng lược (hoặc hình chữ Thập), bố trí khối Khám và Kỹ thuật nghiệp vụ làm trung tâm, các khối nội trú bố trí hình khối răng lược phát triển ra xung quanh để dễ chia module dạng block tổ hợp thành các khối khám chữa bệnh và cách ly.

Đối với bệnh viện dã chiến tuyến tỉnh quy mô 300 – 500 giường, tổ hợp mặt bằng theo hình chữ E. Trong đó, thân chữ E là khối phục vụ, làm việc của y bác sỹ, các nhánh chữ E là khối bệnh nhân theo từng mức độ nhiễm bệnh.

Trong chương trình cuộc họp, VNCC cũng trình bày đề xuất về phương án kết cấu nền móng, kết cấu phần thân, hệ thống cấp nước, thoát nước, hệ thống điện, điều hòa không khí, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống khí y tế trung tâm, vận chuyển mẫu bệnh phẩm và hệ thống phòng áp suất âm.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Lê Quang Hùng yêu cầu, VNCC và Viện Kiến trúc quốc gia cần tính toán lại sơ bộ diện tích mặt bằng tối thiểu để xây dựng các bệnh biện 300, 500, 800 và 1.000 giường bệnh. Từ đó, đề xuất xây dựng mới bệnh viện ở bãi đất trống, hay tận dụng mặt bằng ở nhà thi đấu, nhà xưởng... và chú ý hạ tầng xung quanh như giao thông, điện, nước...

Thứ trưởng cũng giao VNCC và Viện Kiến trúc quốc gia lập thiết kế điển hình cho phương án xây mới hoàn toàn và tận dụng công trình đã có, sau đó mới đi vào mặt bằng chi tiết nhằm đảm bảo thời gian thi công trong khoảng 15 ngày. Từ đó, 2 đơn vị sẽ phối hợp với Cục Kinh tế xây dựng để tính toán tổng mức đầu tư sơ bộ, sai số trong khoảng 3 – 4%. Kinh phí xây dựng bệnh viện dã chiến được trích ra từ ngân sách.

Ở nội dung thứ 3, Thứ trưởng yêu cầu Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng phối hợp với Cục Quản lý hoạt động xây dựng và các tổng công ty để lập danh mục các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng (mỗi sản phẩm khoảng 10 đơn vị) và các đơn vị thi công (khoảng 15 đơn vị) có năng lực và kinh nghiệm xây dựng bệnh viện.

Các đơn vị nên phân bổ khắp 3 miền, nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thứ trưởng cũng đề nghị mỗi bệnh viện dã chiến chỉ có một tổng thầu kiêm cả thiết kết lẫn thi công để tiết kiệm thời gian.

bo xay dung hop ban phuong an xay dung benh vien da chien
Bệnh viện dã chiến Mê Linh.

Cục Hoạt động xây dựng được giao nhiệm vụ làm việc cùng Bộ Y tế để làm rõ nội dung Quyết định cấp thẩm quyền xây dựng bệnh viện dã chiến dựa trên các văn bản pháp luật hiện hành. Trong đó, Thứ trưởng khẳng định, bệnh viện dã chiến thuộc dạng công trình khẩn cấp, vô cùng cấp bách.

Các đơn vị được yêu cầu khẩn trương làm việc để báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng và đại diện Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng trong cuộc họp diễn ra vào sáng thứ Hai, ngày 13/4.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load