(Xây dựng) - Sau khi Luật Xây dựng năm 2014 và Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 được ban hành, Bộ Xây dựng xác định nhiệm vụ trọng tâm phải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng theo hướng chủ động ngăn ngừa các rủi ro, sự cố gây mất an toàn lao động.
Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động giúp giảm thiểu tai nạn lao động trên các công trường xây dựng. |
Thực trạng mất an toàn lao động trong xây dựng
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề tai nạn lao động, sự cố mất an toàn lao động trong thi công xây dựng còn ở mức cao so với các ngành nghề khác, giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ tai nạn lao động gây thiệt hại về người trung bình trong lĩnh vực xây dựng chiếm gần 20% tổng số vụ tai nạn lao động gây thiệt hại về người của tất cả các ngành nghề khác. Nhiều chủ đầu tư, nhà thầu chưa thực sự quan tâm đến công tác an toàn lao động, đặc biệt là các công trình có quy mô vừa và nhỏ; mức độ vi phạm còn nhiều, chủ yếu ở các vấn đề: Tổ chức thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; vi phạm quy định về quản lý, vận hành máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Việc huấn luyện an toàn lao động không tuân thủ theo quy định, chất lượng chưa đạt yêu cầu...
Theo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định), thực tế hiện nay cho thấy công tác đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động chưa được người sử dụng lao động thực hiện nghiêm túc, còn lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, chi phí cho việc tổ chức, thực hiện công tác này chưa được quy định rõ ràng và tỷ lệ còn thấp nên hiệu quả thực hiện của các nhà thầu chưa cao. Mặt khác, nguồn nhân lực lao động ngành xây dựng đa số là lao động phổ thông, lao động thời vụ, tỷ lệ về số lượng đã được đào tạo nghề thấp, công tác đào tạo nghề cho công nhân thi công xây dựng hiện nay chưa được đề cao và đáp ứng với yêu cầu của thực tế về công nghệ tổ chức thi công xây dựng.
Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, mức xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động hiện tại còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực không có chức năng xử lý vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý, khi phát hiện vi phạm phải phối hợp với cơ quan thanh tra về lao động để xử lý, dẫn đến không kịp thời ngăn ngừa các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn lao động.
Chủ động hoàn thiện, xây dựng văn bản pháp luật
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng chia sẻ: “Đến nay, Bộ đã chủ trì soạn thảo và ban hành theo thẩm quyền 01 Nghị định và 06 Thông tư quy định về an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng. Đồng thời, cũng tổ chức rà soát các quy chuẩn kỹ thuật (QCVN), tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về xây dựng có nội dung liên quan đến an toàn lao động để sửa đổi, bổ sung, cụ thể: Có 10 QCVN và khoảng 1.500 TCVN về xây dựng, bao quát đầy đủ và toàn diện theo công nghệ, lĩnh vực và quá trình xây dựng. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn này là tài liệu kỹ thuật quan trọng để các chủ thể áp dụng thực hiện hiệu quả các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng thời gian qua”.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng là công cụ chính dùng để quản lý và tổ chức thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng. Trong năm 2021, Bộ Xây dựng vừa ban hành QCVN 18:2021/BXD mới (có hiệu lực từ ngày 20/6/2022) về An toàn trong thi công xây dựng có nhiều điểm mới liên quan đến các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của người lao động trên công trường. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn này đã góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong các hoạt động xây dựng, đảm bảo mục tiêu an toàn cho con người và tài sản.
Tích cực tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật
Hằng năm, Bộ Xây dựng đều ban hành văn bản hướng dẫn gửi UBND các tỉnh, thành phố, các Sở, ban, ngành có liên quan về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động. Kết quả giai đoạn này có trên 60% các địa phương đã triển khai tích cực các biện pháp tăng cường quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng; tổ chức kiểm tra an toàn lao động lồng ghép trong công tác kiểm tra nghiệm thu công trình; 30% các địa phương đã ban hành các Quy định phân cấp về quản lý Nhà nước trong thi công xây dựng trên địa bàn quản lý”.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Cục Giám định phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ, ngành có liên quan, Công đoàn Xây dựng Việt Nam, các tổ chức Quốc tế (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Tổ chức lao động quốc tế ILO), các trường Đại học Kiến trúc, Xây dựng và các doanh nghiệp hoạt động xây dựng tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải pháp kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động trong thi công xây dựng, như: Tổ chức gần 15 cuộc Hội thảo liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động về lĩnh vực xây dựng tại: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai, Cần Thơ…
Đồng thời, lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động ngành Xây dựng tổ chức nhiều năm qua với các hoạt động, nội dung phong phú được các địa phương hưởng ứng nhiệt tình và tuyên truyền, phổ biến rộng rãi. Mặt khác, Bộ Xây dựng phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) biên soạn, ban hành 02 cuốn tài liệu “Kế hoạch chuẩn về quản lý an toàn trong xây dựng” và “Hướng dẫn kiểm tra an toàn và môi trường trong thi công xây dựng”; đã tổ chức phổ biến, cấp phát tài liệu cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xây dựng tại 04 khu vực trên toàn quốc. Hơn 5.000 cuốn tài liệu về an toàn lao động được tuyên truyền đến các cơ quan, chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong các hoạt động xây dựng. |
Cần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật
Theo ông Ngô Lâm - Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng: Pháp luật về an toàn lao động cần bổ sung, sửa đổi để phù hợp với sự phát triển của ngành Xây dựng hiện nay, cụ thể: Về trách nhiệm quản lý Nhà nước cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với quy định của các Luật chuyên ngành. Đồng thời sẽ hạn chế sự chồng chéo giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với các Bộ quản lý chuyên ngành khác.
Đồng thời cũng cần bổ sung thêm các quy định riêng về trách nhiệm và điều kiện sản xuất an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như khai thác khoáng sản, thi công xây dựng, sản xuất chất hóa học nguy hiểm, vận chuyển hàng nguy hiểm…
Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đảm bảo các chi phí để tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất như: Chi phí thực hiện các giải pháp kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị để đảm bảo an toàn lao động, chi phí đánh giá nguy cơ rủi ro, chí phí khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp...
Về công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần bổ sung quy định, chức năng về thanh tra chuyên ngành lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động theo quy định tại Điều 30 Luật Thanh tra năm 2010 để kịp thời xử lý các hành vi hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, bảo đảm hiệu quả của công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động trong từng lĩnh, góp phần ngăn ngừa các nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố gây mất an toàn lao động.
Bộ Xây dựng luôn xác định công tác hoàn thiện pháp luật về an toàn lao động là nhiệm vụ trọng tâm. Luôn tích cực, chủ động trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động nhằm giảm thiểu sự cố gây mất an toàn, tai nạn lao động trên các công trường xây dựng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ tai nạn lao động gây thiệt hại về người trong lĩnh vực xây dựng (so với tổng số vụ tai nạn lao động gây thiệt hại về người của các ngành nghề khác) như sau: Trung bình giai đoạn 2011-2015 chiếm tỷ lệ 28,46%. Trung bình giai đoạn 2016-2020 chiếm tỷ lệ 18,75%. Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ tai nạn lao động trung bình trong lĩnh vực xây dựng gây thiệt hại về người giai đoạn 2016-2020 có giảm so với giai đoạn 2011-2015. |
Hà Khánh
Theo