(Xây dựng) - Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã tổ chức triển khai kịp thời, tăng cường công tác pháp chế và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt trong nhiệm vụ hợp tác quốc tế về pháp luật đạt được những kết quả tích cực.
Đại diện Bộ Xây dựng và đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) trong buổi hội thảo bàn giao sản phẩm Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030” được diễn ra tại Hà Nội ngày 20/4/2021 (Ảnh: Kỳ Anh). |
Chủ động hợp tác quốc tế về pháp luật
Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, định hướng hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, quán triệt sâu sắc nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. Đồng thời, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bộ Xây dựng cũng đã triển khai thực hiện công tác hợp tác quốc tế về pháp luật theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009, Kết luận số 73-KL/TW ngày 20/5/2020 của Ban Bí thư và đảm bảo tuân thủ theo các nguyên tắc đã được Chính phủ quy định tại Nghị định số 113/2014/NĐ-CP.
Theo báo cáo của Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), quá trình hợp tác với các đối tác nước ngoài luôn dựa trên cơ sở bình đẳng, thiện chí, tiến bộ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Hợp tác bảo đảm tính công khai, minh bạch và có trách nhiệm giải trình trong thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ luôn quan tâm hợp tác các nội dung để hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Xây dựng đồng bộ, khả thi và chủ động lựa chọn đối tác, nội dung, hình thức hợp tác, thực hiện nghiêm chỉnh công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ trong các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật, không để gây ảnh hưởng tới công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực xây dựng.
Bộ Xây dựng trong hợp tác với nước ngoài về pháp luật luôn thực hiện đảm bảo đúng quy định xây dựng, phê duyệt các chương trình hợp tác quốc tế về pháp luật, tuân thủ quy trình, thủ tục, báo cáo. Ngoài ra, trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật luôn bảo đảm đúng pháp luật, hiệu quả.
Những kết quả nổi bật
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã triển khai một số hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật tạo được dấu ấn quan trọng. Dự án “Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2030” đã kết thúc thành công tốt đẹp và được Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc đánh giá cao. Nhiều sáng kiến, đề xuất của Dự án đã được Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham khảo vận dụng trong việc xây dựng chính sách nhà ở xã hội như: Đề xuất về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, cải cách thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, hoàn thiện các quy định về ưu đãi và thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội…
Các đề xuất, kiến nghị cũng như những chia sẻ kinh nghiệm về hoàn thiện cơ chế chính sách trong phát triển nhà ở xã hội của các chuyên gia Hàn Quốc sẽ là tiền đề để Bộ Xây dựng làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền trong quá trình rà soát, phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, cũng như việc sửa đổi bổ sung Luật Nhà ở 2014 nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện Dự án: “Tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng công trình tại Việt Nam sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản giai đoạn 2020-2023” do Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) tài trợ với mức vốn cam kết lên đến 416 triệu Yên. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã triển khai, thực hiện theo đúng chất lượng, tiến độ và hiệu quả cam kết giữa các bên đạt được những kết quả khả quan, có được dự thảo về các sản phẩm: Phương pháp xác định định mức chi phí cơ sở; phương pháp xác định đơn giá xây dựng; phương pháp lập dự toán chi phí gián tiếp; phương pháp xác định định mức khảo sát, thiết kế, giám sát thi công; cải thiện hệ thống và quy trình lập tổng mức đầu tư và dự toán dự án đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, trong công tác hợp tác quốc tê về pháp luật Bộ Xây dựng cũng đã phối hợp với tổ chức hợp tác quốc tế Đức GIZ trao đổi về phương thức tài trợ và tuyển tư vấn để nghiên cứu xây dựng Thông tư quy định về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung.
Bà Đặng Thị Hải Yến - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: “Thông qua các hoạt động hợp tác này, Bộ Xây dựng đã trao đổi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu, quản lý, cải cách hành chính, nhằm hỗ trợ việc nghiên cứu hoàn thiện thể chế, pháp luật của ngành Xây dựng và góp phần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước”.
Đại diện Bộ Xây dựng và đại diện JICA trong buổi lễ ký kết biên bản họp về Dự án “Tăng cường năng lực trong phát triển các công cụ quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư xây dựng” diễn ra tại Hà Nội ngày 8/8/2019. |
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có các chương trình đào tạo, hợp tác nâng cao năng lực cán bộ, công chức Việt Nam về kỹ năng, trình độ trong công tác tham mưu, đề xuất, quyết định và tổ chức hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật để đáp ứng tiêu chuẩn của đối tác nước ngoài.
Theo Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), các Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao cần quan tâm chia sẻ nhu cầu hợp tác quốc tế của các Bộ chuyên ngành đến các đối tác quốc tế phù hợp, có chính sách thu hút và phân bổ hợp lý các nguồn hỗ trợ cho các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật để các Bộ chuyên ngành có điều kiện nâng cao năng lực, đổi mới tư duy quản lý, phương pháp trong xây dựng pháp luật, cải cách hành chính.
Việc tăng cường sự phối hợp liên ngành, cùng với hoàn thiện thể chế quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật, trong đó chú trọng tới quản lý, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn hỗ trợ sẽ giúp công tác quản lý nhà nước đồng bộ, thống nhất và hiệu quả.
Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 09/12/2009 và Kết luận số 73-KL/TW ngày 20/5/2020 của Ban Bí thư Trung ương có vai trò hết sức quan trọng trong việc xác định cụ thể các định hướng, nguyên tắc và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cho công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. |
Hà Khánh
Theo