Thứ năm 25/04/2024 14:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ Xây dựng: Chủ động thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

09:13 | 03/01/2022

(Xây dựng) - Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Xây dựng đã chủ động và tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về kỹ năng, nghiệp vụ trong việc triển khai thi hành và áp dụng pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

bo xay dung chu dong thi hanh phap luat ve xu ly vi pham hanh chinh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2021.

Tích cực chỉ đạo, tuyên truyền và hoàn thiện pháp luật

Ngay từ đầu năm, Bộ Xây dựng đã ban hành kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, cũng tích cực xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Theo số liệu báo cáo (tính đến ngày 30/11/2021) của Bộ Xây dựng, các đơn vị trực thuộc Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã chủ động và tích cực triển khai thực hiện các hình thức tập huấn và phổ biến, giáo dục pháp luật rất đa dạng, hiệu quả, kịp thời, cụ thể: Tổ chức 100 lớp tập huấn và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, hội thảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 15.122 lượt học viên; đối tượng chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp hoạt động xây dựng về các nội dung pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Bên cạnh đó, việc trả lời, giải đáp, làm rõ 181 kiến nghị, phản ánh vướng mắc của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng tại mục Bạn đọc hỏi – Bộ Xây dựng trả lời trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Xây dựng; trả lời trên 65 kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội có nội dung liên quan đến các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành Xây dựng.

Bà Tống Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chia sẻ: “Trong năm qua, Bộ Xây dựng cũng tích cực phổ biến pháp luật thông qua báo, tạp chí và Trang thông tin điện tử của Bộ như: Báo Xây dựng, Tạp chí Xây dựng, Tạp chí Quy hoạch xây dựng, Tạp chí Xây dựng và Đô thị... đều đã có trang mục để đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật và "Hỏi - Đáp pháp luật", chuyên mục giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng”.

Các kênh thông tin quan trọng này đã tập trung giới thiệu, phổ biến các chính sách liên quan đến lĩnh vực xây dựng, cụ thể một số bài viết trọng tâm như: “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực phát triển đô thị ở Việt Nam”; “Triển khai các chính sách liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản”; “Tăng cường công tác quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư; “Giải pháp hoàn thiện văn bản pháp lý trong hệ thống quản lý giao thông công cộng đô thị tại Việt Nam”; “Đổi mới trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng”; “Quản lý đồng bộ dự án đầu tư xây dựng”; “Chính sách mới về phát triển và quản lý nhà ở xã hội”; “Chuyển đổi số ngành xây dựng”...

Chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra

Ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1736/QĐ-BXD về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính năm 2021, trong đó trọng tâm của việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật tập trung vào những nội dung như: Việc tổ chức thực hiện Luật kiến trúc; Luật sửa đổi Luật Xây dựng và các văn bản quy định chi tiết; pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và phối hợp thực hiện việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2021 theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thành lập Đoàn công tác để kiểm tra theo thẩm quyền đối với các văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi tình hình thi hành Luật Kiến trúc; tình hình thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng và công tác chuẩn bị cho kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại tỉnh Yên Bái.

Trong năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã triển khai 03 đoàn thanh tra theo kế hoạch. Hệ thống văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng ngày càng được hoàn thiện giúp cho việc phát hiện, tham mưu xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này được kịp thời, các vụ việc vi phạm hành chính khi phát hiện đều được lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt đúng quy định của pháp luật, hình thức, mức xử phạt đều được áp dụng đúng các văn bản quy phạm pháp luật quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Một số kiến nghị, đề xuất

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng), trong quá trình xây dựng Nghị định quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực chuyên ngành cần có quy định cụ thể về sự phối hợp giữa các ngành, các cấp và cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, cũng nên bổ sung thêm biên chế cho bộ phận làm công tác Thanh tra, Pháp chế, trong đó quan tâm bố trí cán bộ, công chức có tâm huyết, năng lực tốt tham gia trực tiếp vào công tác Thanh tra, Pháp chế, đặc biệt là công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh: “Cũng cần có cơ chế ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động từ các nguồn hợp pháp khác để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn triển khai thực hiện công tác này tại các Bộ, ngành, địa phương; đề nghị đầu tư trang bị cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo cho việc triển khai thực hiện tốt công tác này”.

bo xay dung chu dong thi hanh phap luat ve xu ly vi pham hanh chinh
Hoàn thiện văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng sẽ giúp cho việc phát hiện, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này được kịp thời (Ảnh: PV Báo Xây dựng).

Trong thời gian tới, việc tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt trong việc tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành theo các chuyên đề trọng tâm về công tác theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính sẽ giúp tăng hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước.

Bộ Xây dựng luôn đồng hành cùng Chính phủ để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính nói chung và lĩnh vực xây dựng cơ bản nói riêng để từ đó có đủ các thông tin, dữ liệu tổng thể, đưa ra các chính sách, biện pháp quản lý nhà nước, quản lý xã hội phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 03 đoàn thanh tra theo kế hoạch và ban hành 17 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (đã chấp hành 16 Quyết định). Tổng số 17 vụ vi phạm, 14 đối tượng bị xử phạt và thu được 1,9 tỷ đồng thông qua thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Hà Khánh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load