Thứ hai 07/10/2024 19:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy

21:25 | 10/05/2023

(Xây dựng) – Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy chữa cháy, Bộ Xây dựng đã yêu cầu cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tổng hợp; lấy ý kiến các địa phương; làm việc với Bộ Công an; tổ chức đối thoại với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, truyền thông để làm rõ các khó khăn, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong đầu tư xây dựng nhà và công trình, phân tích nguyên nhân và đề xuất các giải pháp, định hướng xử lý.

Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy
QCVN 06:2022/BXD nói riêng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn cháy nói chung đã thể hiện vai trò, ý nghĩa không thể thay thế.

QCVN 06:2022/BXD đảm bảo phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam

Tại Báo cáo số 103/BC-BXD ngày 10/5/2023 về kết quả thực hiện Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 5/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC, Bộ Xây dựng cho biết: Nhìn chung, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC còn khiêm tốn nếu so với các nước khác trên thế giới. Tuy nhiên, các quy chuẩn, tiêu chuẩn cần thiết nhất cơ bản đã có, một số lĩnh vực chuyên sâu khác có thể áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài.

Về nội dung, các quy chuẩn, tiêu chuẩn thế hệ mới được ban hành trong năm 2022, 2023 đã có những điều chỉnh, bổ sung cơ bản phù hợp với tình hình hoạt động xây dựng thực tế tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh. Bộ Xây dựng và Bộ Công an đã có sự phối hợp chặt chẽ, lấy ý kiến rộng rãi, tiếp thu, hoàn thiện trong công tác biên soạn, ban hành quy chuẩn và công bố các tiêu chuẩn.

Quyết định số 390/QÐ-BXD ngày 12/05/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt Định hướng và Kế hoạch biên soạn, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng đến năm 2030 (thuộc thẩm quyền, phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng đã có kế hoạch cụ thể về việc soát xét, biên soạn mới các tiêu chuẩn ngành Xây dựng nói chung và các tiêu chuẩn về an toàn cháy cho nhà và công trình nói riêng.

Việc xây dựng, ban hành và triển khai quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06) với mục tiêu: Đảm bảo an toàn cho người (không phụ thuộc vào lứa tuổi và sức khỏe) có thể từ trong nhà thoát nạn ra ngoài trước khi xuất hiện nguy cơ đe dọa tính mạng và súc khỏe; Lực lượng và phương tiện chữa cháy có thể tiếp cận đám cháy và thực hiện các biện pháp chữa cháy, cứu người và tài sản; Ngǎn chặn cháy lan sang các nhà bên cạnh; Hạn chế các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp về vật chất, bao gồm bản thân nhà và các tài sản bên trong nhà, có xét tới tương quan kinh tế giữa giá trị thiệt hại và chi phí cho các giải pháp cùng trang thiết bị kỹ thuật PCCC. Trong đó, mục tiêu cao nhất của QCVN 06 là đảm bảo an toàn cho người.

Nội dung của QCVN 06 đã đưa ra các yêu cầu, hoặc chỉ tiêu giới hạn (tối đa/tối thiểu) đối với các cấu kiện, bộ phận, công trình, nhằm đáp ứng mục tiêu tổng quát nêu trên. QCVN 06 không quy định quy trình, giải pháp, cách thức để đạt được các chỉ tiêu, yêu cầu này. Các nội dung đó được nằm trong các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn khác do các Bộ ngành ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền.

Quy chuẩn QCVN 06 và các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác đã góp phần không nhỏ trong việc định hình hệ thống quy định kỹ thuật nền tảng về an toàn cháy cho nhà và công trình, giảm rủi ro thương vong cho con nguời.

Kể từ khi QCVN 06:2010/BXD được ban hành, cùng với một số tiêu chuẩn, quy chuẩn khác, theo các số liệu thống kê, các công trình tuân thủ quy chuẩn thường ít cháy lớn và khi có sự cố cháy lớn thường có ít người bị thương vong hơn. Chiếm tỷ trọng cao nhất cả về số lượng vụ cháy và số người thương vong thường là các đối tượng nhà nhỏ, kết hợp sản xuất kinh doanh, thường không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC và thường thuộc đối tượng không phải thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.

Mặc dù còn tồn tại một số ý kiến đánh giá chưa thực sự tích cực về các tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC nhìn từ góc độ kinh tế, tuy nhiên, xét về góc độ an toàn đối với tính mạng con người, QCVN 06 nói riêng và các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn cháy nói chung đã thể hiện vai trò, ý nghĩa không thể thay thế.

Nhìn chung, phiên bản QCVN 06:2022/BXD đã có những cập nhật đáng kể, bổ sung, điều chỉnh các giải pháp, yêu cầu phù hợp với thực tiễn Việt Nam, giảm đáng kể chi phí đầu tư PCCC, trên nguyên tắc nền tảng là đảm bảo an toàn cho người.

Ngoài ra, QCVN 06:2022/BXD cũng làm rõ hơn nhiều quy định quan trọng đối với an toàn của con người (bảo vệ chống khói, vật liệu...). Ðây là nội dung có ý nghĩa thực tiễn, vì những quy định này thực chất đã có từ cách đây 13 nǎm (QCVN 06:2010/BXD) nhưng không được chú ý tới.

QCVN 06:2022/BXD vẫn kế thừa ổn định toàn bộ nguyên lý, cấu trúc, hệ thống các tiêu chí kỹ thuật, hệ thống phân loại kỹ thuật về cháy của các phiên bản quy chuẩn trước. Điều này cho phép phân chia các công trình rất chi tiết để áp dụng các quy định an toàn cháy tương ứng với quy mô, công nǎng, tính nguy hiểm cháy nổ của công trình cụ thể. Các điều khoản chuyển tiếp rất rõ ràng, trên nguyên tắc công trình đã áp dụng phiên bản nào từ đầu thì tiếp tục áp dụng phiên bản đó.

Theo đánh giá cúa Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) và một số địa phương, QCVN 06:2022/BXD đã có nhiều điểm tháo gỡ. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cúa QCVN 06:2022/BXD đã nhắm trực tiếp đến các khó khăn, vướng mắc phổ biến trước đó. So sánh tương quan với một số quốc gia khác, các quy định an toàn cốt lõi cúa QCVN 06:2022/BXD là không cao. Do vậy, các ý kiến trên truyền thông trong thời gian qua nói về vướng mắc, khó khăn đảm bảo các yêu cầu về PCCC cho công trình là do QCVN 06:2022/BXD có yêu cầu cao, không khả thi, không có chuyển tiếp... là chưa chính xác, nhất là các khó khăn vướng mắc hầu hết tồn tại trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực (16/1/2023).

Biên soạn tài liệu Hướng dẫn áp dụng QCVN 06:2022/BXD

Về các ý kiến góp ý QCVN 06:2022/BXD của Bộ Công an và các địa phương, cũng như các ý kiến phản hồi của xã hội, với tinh thần cầu thị, Bộ Xây dựng nghiêm túc, cẩn trọng nghiên cứu, giải trình, tiếp thu. Nhìn chung, QCVN 06:2022/BXD mới có hiệu lực hơn 3 tháng (từ 16/1/2023), cần thời gian tuyên truyền, phổ biến, thu thập thêm những phản hồi thực tiễn khách quan (nếu có). Nếu các kiến nghị là hợp lý, có cơ sở khoa học và thực tiễn, Bộ Xây dựng sẽ có kế hoạch rà soát, cập nhật quy chuẩn QCVN 06:2022/BXD.

QCVN 06 là một quy chuẩn khó, với những nội dung kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi phải có kiến thức và chuyên môn sâu để hiểu và áp dụng được. Trong khuôn khổ một quy chuẩn, không có đủ điều kiện để giải thích, hướng dẫn tất cả các nội dung đi kèm. Về các nội dung cần giải thích, làm rõ, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, phổ biến quy chuẩn, tiêu chuẩn, đồng thời xem xét, giao nhiệm vụ biên soạn tài liệu Hướng dẫn áp dụng QCVN 06:2022/BXD.

Mặt khác, hiện nay theo quy định pháp luật thì quy trình, thủ tục thẩm định, ban hành quy chuẩn khá chặt chẽ, gồm nhiều khâu, nhiều bước và mới chỉ có quy định cho việc soát xét, ban hành quy chuẩn mới, chưa có các quy định, hướng dẫn cho việc chỉ soát xét, sửa đổi nhanh một vài nội dung của quy chuẩn. Trong bối cảnh thực tiễn thay đổi nhanh chóng, quy chuẩn được áp dụng sát sao, đôi khi chỉ cần điều chỉnh nhỏ một vài nội dung để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhưng cũng phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục và phải ban hành một phiên bản quy chuẩn mới. Bộ Xây dựng nhận thấy, Việt Nam nên tiếp thu kinh nghiệm các nước về cập nhật quy chuẩn theo hướng cho phép nhanh chóng cập nhật, ban hành các sửa đổi nhỏ (ví dụ về chính tả, hành văn, hoặc một vài quy định), có thống kê danh mục và nội dung các sửa đổi đăng tải lên các website chính thức của Chính phủ và Bộ ngành.

Chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn về PCCC chưa có nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC nói chung và QCVN 06 nói riêng

Qua công tác nắm bắt thực tiễn, đối thoại với hàng nghìn cơ quan, tổ chức, cá nhân, làm việc với Bộ Công an và ý kiến của các địa phương, có thể tổng hợp một số khó khǎn, vướng mắc chủ yếu về PCCC thời gian qua và nguyên nhân như sau:

Các khó khǎn, vướng mắc đối với các công trình hiện hữu: Thứ nhất, các công trình hiện hữu có vi phạm về PCCC được thi công xây dựng và khai thác sử dụng trong nhiều giai đoạn, thời điểm khác nhau (trước khi QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực), mà không được xử lý kịp thời hoặc thông báo cụ thể với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn, xử lý.

Mặc dù vậy, theo các công văn của một số địa phương, thì vẫn có việc áp dụng các quy định mới cho các công trình hiện hữu. Đây là cách hiểu không chính xác với nguyên tắc chuyển tiếp của quy chuẩn và nguyên tắc không hồi tố của vǎn bản pháp luật, dẫn đến một bộ phận người dân và Chủ đầu tư công trình hiểu sai rằng quy chuẩn mới gây khó khăn, bắt buộc phải cải tạo sửa chữa theo quy chuẩn mới, trong khi công trình đang vi phạm chính các quy định PCCC tại thời điểm được thẩm duyệt hoặc xem xét nghiệm thu.

Thứ hai, số lượng cơ sở vi phạm thuộc diện không thẩm duyệt về PCCC chiếm tỷ trọng lớn nhất (66,2%). Thông thường, khi công trình không phải thẩm duyệt về PCCC thì các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC cũng ít được quan tâm, dẫn đến những vi phạm, tồn tại về PCCC khó khắc phục. Đây là kinh nghiệm thực tiễn rất có giá trị. Bộ Xây dựng cho rằng, vấn đề này cần được lưu ý và có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư, người dân hiễu, có ý thức tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC tương ứng ngay từ khâu thiết kế, tránh để tình trạng công trình xây xong rồi khó khắc phục, sửa chữa. Nếu không, sau 05-10 năm tới, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ lại phải bàn phương án tháo gỡ cho các công trình vi phạm.

Thứ ba, các vi phạm nguyên tắc an toàn cháy cơ bản (thoát nạn cho người, ngǎn chặn cháy lan) chiếm tỷ trọng lớn nhất (63,1%). Mặt khác, theo số liệu do Bộ Công an cung cấp, kể từ 2001 đến nay thống kê rà soát được 8.114 công trình đã đưa vào sử dụng nhưng còn tồn tại về PCCC chưa được nghiệm thu. Điều này cho thấy, ý thức tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn và trang bị kiến thức an toàn cháy cơ bản của chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn còn hạn chế.

Đối với các công trình xây mới hoặc cải tạo sửa chữa mới gặp khó khăn trong vấn đề chuyển tiếp đối với các công trình đang trong giai đoạn thiết kế, góp ý hoặc thẩm duyệt về PCCC, nghiệm thu về PCCC.

Mặc dù Nghị định 136/2020/NÐ-CP và các quy chuẩn có quy định về các điều khoản chuyển tiếp và thời hạn có hiệu lực rất rõ ràng, trên nguyên tắc công trình đã được góp ý hoặc thẩm duyệt theo quy định tại thời điểm nào thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại thời điểm đó, nhưng thực tế vẫn có những trường hợp sử dụng quy chuẩn mới cho các công trình đã được thiết kế và góp ý hoặc thẩm duyệt truớc đó.

Ðối với các tiêu chuẩn về PCCC (bắt buộc áp dụng) thì không có điều khoản chuyển tiếp và có hiệu lực ngay khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành (theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật số 68/QH11/2006 và các nghị định, thông tư hướng dẫn có liên quan). Quy định này cũng tạo ra những vướng mắc, khó khǎn nhất định trong việc chuyến tiếp của các công trình, dự án. Về lâu dài, cần điều chỉnh các quy định pháp luật theo hướng không bắt buộc áp dụng các tiêu chuẩn về PCCC theo Luật PCCC 2001 và Luật PCCC sửa đổi 2013 và cho phép các tiêu chuẩn cũng có điều khoản chuyển tiếp, có thời hạn có hiệu lực. Các vấn đề chuyển tiếp này đã được hướng dẫn rõ trong Công vǎn số 1091/C07-P3,P4,P7 của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ và Công vǎn số 1397/BXD-KHCN ngày 11/4/2023 của Bộ Xây dựng.

Qua các phương tiện truyền thông, các văn bản của các địa phương, một số công văn gửi Bộ Xây dựng đề nghị làm rõ về Quy chuẩn 06, có thể tổng hợp một số vấn đề chủ yếu sau: Sơn chống cháy; Giới hạn chịu lửa của bộ phận lợp mái; Vật liệu hoàn thiện; Cải tạo sửa chữa; Yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quá cao.

Về sơn chống cháy, QCVN 06:2022/BXD và tất cả các phiên bản quy chuẩn 06 khác đều không quy định về sơn chống cháy, nhưng một số ý kiến lại cho rằng do quy chuẩn mới quy định quá cao. Sơn chống cháy chỉ là một trong những giải pháp trong thực tiễn để bảo vệ kết cấu, còn rất nhiều giải pháp khác như sử dụng bê tông, vữa trát, gạch xây, vữa phun, bọc bằng các vật liệu cách nhiệt (trong trường hợp cần bảo vệ kết cấu). Nếu sử dụng sơn chống cháy, xét trên cùng một công trình nhà xưởng, thì lượng sơn tiêu tốn ở Việt Nam so vói thếgiới ở mức trung bình thấp, do các yêu cầu về bảo vệ chịu lửa kết cấu của Việt Nam ở mức trung bình thấp.

Thông tin cho rằng chỉ có 1, 2 nhãn hiệu sơn chống cháy ở Việt Nam cũng chưa chính xác. Hiện nay ở Việt Nam đã có hàng chục nhãn hiệu sơn chống cháy khác nhau đã được cấp giấy chứng nhân kiếm định theo Nghị định số 79/2014/NÐ-CP và khoảng 10 nhãn hiệu sơn theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Về các yêu cầu giới hạn chịu lửa của bộ phận lợp mái: Trước hết đây là yêu cầu cần thiết, để đảm bảo ngăn cháy lan bên trong công trình do cháy lan mặt trong hoặc mặt ngoài mái, tránh sập đổ sớm phần mái. Các nước trên thế giới đều có những quy định tương tự hoặc cao hơn Việt Nam. Thực nghiệm tại Việt Nam cho cụm mái với cấu tạo thông thường hoàn toàn đảm bảo yêu cầu quy chuẩn, cho thấy tính thực tiễn của quy định.

Các quy định này đã có từ phiên bản QCVN 06:2010/BXD, cách đây đã 13 năm nhưng đến giờ mới được lưu ý. QCVN 06:2022/BXD đã cho phép hàng loạt trường hợp không yêu cầu giới hạn chịu lửa của xà gồ, mái tôn: Tất cả các công trình dân dụng (trừ các trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm hội nghị, nhà hàng là những nơi tập trung rất đông người); và tất cả các nhà xưởng công nghiệp (trừ các nhà có hạng nguy hiểm cháy nổ cao A,B,C). Công văn số 1397/BXD-KHCN ngày 11/4/2023 của Bô Xây dựng cũng hướng dẫn rõ các trường hợp không yêu cầu giới hạn chịu lửa của bộ phận lợp mái.

Về các yêu cầu đối với đặc tính kỹ thuật cháy của vật liệu hoàn thiện, trước hết, đây là một trong những yêu cầu an toàn cháy cốt lõi. Trong nhiều vụ cháy, việc cháy lan, sinh khói, sinh độc gây nguy hiểm cho con người đều do cháy vật liệu hoàn thiện (điển hình là vụ cháy Karaoke An Phú – Bình Dương nǎm 2022). Quy định về tính cháy của vật liệu hoàn thiện là yêu cầu bắt buộc trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn cháy trên thế giói. Một số nước còn yêu cầu giới hạn tính cháy đối với cả nội thất trong nhà (Mỹ, Hongkong...).

Các yêu cầu đặc tính kỹ thuật về cháy của vật liệu hoàn thiện có từ QCVN 06:2010/BXD. QCVN 06:2022/BXD đã phân chia chi tiết hơn các yêu cầu vật liệu gắn với quy mô, công năng của công trình và các vị trí cần áp dụng (đường thoát nạn, sảnh chung và các gian phòng chung tập trung đông người). Ðến nay, một số địa phương mới quan tâm và đề nghị được cung cấp thông tin đối với đặc tính kỹ thuật về cháy của các vật liệu hoàn thiện.

Cải tạo sửa chữa: So với các phiên bản quy chuẩn trước đây, QCVN 06:2022/BXD đã làm rõ các nội dung cải tạo sửa chữa cần tuân thủ quy chuẩn và thu hẹp đáng kể phạm vi áp dụng. Điều 1.1.4 của quy chuẩn quy định rõ, chỉ được áp dụng quy chuẩn trong phạm vi cải tạo sửa chữa đó và chỉ trong trường hợp cải tạo sửa chữa này làm tǎng nguy cơ cháy của công trình. Không được áp dụng quy chuẩn ra ngoài phạm vi cải tạo sửa chữa. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những trường hợp hiểu sai, cho rằng phải áp dụng quy chuẩn mới cho toàn bộ công trình, hoặc một phần công trình có liên quan đến hạng mục cải tạo sửa chữa. Nội dung này sẽ được Bộ Xây dung xem xét đưa vào trong tài liệu Hướng dẫn áp dụng QCVN 06:2022/BXD.

Yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn cao: Thực tế nhiều đơn vị tư vấn thiết kế về PCCC đã lựa chọn các giải pháp không phù hợp, cao hơn quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn để thẩm duyệt thuận lợi hơn, sau đó vướng mắc trong thi công và nghiệm thu PCCC và đổ lỗi cho quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc cơ quan cảnh sát PCCC.

Phân tích các khó khăn, vướng mắc nêu trên cho thấy, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn về PCCC chưa có nhận thức đúng đắn về quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC nói chung và QCVN 06:2022/BXD nói riêng. Tồn tại nhiều nội dung bị hiểu sai, áp dụng sai. Và có những nội dung dù đã được quy định từ lâu, nhưng không được quan tâm, đến nay khi tăng cường quản lý về PCCC mới nhận thức được, cho thấy còn hạn chế nhất định về sự nắm bắt và tuân thủ các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Tuyên truyền, phổ biến để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ nghiêm túc các quy định, kỹ năng về PCCC.

Các bộ ngành cần cùng nhau triển khai hệ thống các giải pháp đồng bộ

Qua tổng hợp các khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng công trình, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân, rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan, để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế đồng thời đảm bảo an toàn cháy cho con người, nhà và công trình, Bộ Xây dựng có một số đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo:

Về tổng thể, Bộ Xây dựng cho rằng cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ: Sửa đổi về cơ chế chính sách, quy định pháp luật, tập trung một đầu mối để thực hiện pháp luật về PCCC; rà soát sửa đổi, biên soạn mới tiêu chuẩn, quy chuẩn; đào tạo và nâng cao nǎng lực; tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục thẩm duyệt và nghiệm thu.

Thống nhất nguyên tắc áp dụng các quy định pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực PCCC là không hồi tố, không bắt buộc tuân thủ các quy định hiện hành đối với các công trình trước đó, để đảm bảo sự chuyến tiếp ổn định, thống nhất trên cả nước.

Nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC. Đề nghị các cơ quan truyền thông tiếp tục ghi nhận, phản ánh các vấn đề thực tiễn trên cơ sở thông tin khách quan, chính xác, nhiều chiều.

Bộ Công an chủ trì, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành, địa phương phối hợp: Rà soát, phân loại các công trình có tồn tại về PCCC theo thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu; loại và quy mô công trình; các tồn tại, vi phạm về PCCC; Phối hợp Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng các nhóm giải pháp tǎng cường, bổ sung về PCCC cho các công trình hiện hữu trên nguyên tắc có đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, nguồn lực thực hiện và tác động xã hội đối với các nhóm giải pháp tǎng cường, bổ sung với từng loại công trình nêu trên; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vấn đề trước mắt và cơ chế chính sách phù hợp cho đối tượng này trong lâu dài đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trên cơ sở đó, chỉ đạo công an các địa phương hướng dẫn các cơ sở có tồn tại về PCCC (theo quy định tại thời điểm cơ sở được góp ý hoặc thẩm duyệt về PCCC) thực hiện giải pháp tăng cường, bổ sung căn cứ trên điều kiện, tình huống cụ thể của cơ sở đó, đồng thời hướng dẫn các cơ sở và cơ quan quản lý về PCCC theo phân quyền thực hiện các giải pháp tǎng cường kiểm tra, giám sát về PCCC để các cơ sở sớm được khai thác sử dụng trở lại (vận hành có điều kiện).

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Phòng cháy chữa cháy và các quy định pháp luật liên quan theo hướng chuyển đổi dần từ việc bắt buộc áp dụng các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC (thiết kế tiền định) sang khuyến khích công tác tư vấn chuyên sâu cho lĩnh vực an toàn cháy, thiết kế theo công năng và điều kiện cụ thể của dự án, công trình, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn thay đổi nhanh chóng và sự phong phú, đa dạng, khác biệt của các dự án, công trình.

Nghiên cứu đề xuất sửa đổi Nghị định 136/2020/NÐ-CP theo hướng tǎng cường vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền của Chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công. Cơ quan cảnh sát PCCC thực hiện thẩm duyệt và nghiệm thu trên cơ sở các hồ sơ, báo cáo của các đơn vị liên quan; có hậu kiểm và chế tài phù hợp với các vi phạm (nếu có). Có giải pháp tǎng cường đánh giá nǎng lực của các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công về PCCC.

Bộ Xây dựng chủ trì, Bộ Công an và các Bộ ngành, địa phương phối hợp: Tiếp tục rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực an toàn cháy cho nhà và công trình, có phân công và kế hoạc sửa đổi, biên soạn mới cụ thể, định kỳ; Kịp thời sửa đổi theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khǎn do quy chuẩn, tiêu chuẩn; Xây dựng, ban hành các hướng dẫn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì: Ðề xuất sửa đổi quy định về hiệu lực của các tiêu chuẩn theo hướng tiêu chuẩn mới thay thế tiêu chuẩn cũ (không hủy bỏ tiêu chuẩn cũ), có điều khoản chuyển tiếp cũng như thời hạn có hiệu lực; Có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc cập nhật, sửa đổi quy chuẩn theo hướng cho phép chỉ sửa đổi một số nội dung mà không phải ban hành phiên bản quy chuẩn mới, để kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Bộ Xây dựng và Bộ Công an phối hợp: Nghiên cứu xây dựng chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về an toàn cháy cho nhà và công trình trong các trường Ðai học, Cao đẳng về xây dựng, kiến trúc và PCCC.

Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các địa phương: Theo thẩm quyền thường xuyên, định kỳ tập huấn, phổ biến, hướng dẫn về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn; quy trình, thủ tục, nội dung các công tác góp ý, thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tiếp tục tích cực nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và hướng dẫn các giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Thường xuyên đối thoại với các cơ quan, tổ chức, cá nhân với tinh thần cầu thị; Tuyên truyền, phổ biến để các cơ quan, tổ chức, cá nhân có ý thức tuân thủ nghiêm túc các quy định về an toàn cháy ngay từ khâu thiết kế, lựa chọn đơn vị tư vấn và thi công có đủ nǎng lực và kinh nghiệm.

Khánh Hòa

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load