Thứ sáu 27/12/2024 04:58 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu

13:49 | 08/09/2023

(Xây dựng) – Sáng 8/9, tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023 với chủ đề “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng” chính thức được khai mạc. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tham dự sự kiện.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu chỉ đạo tại Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023.

EXPO Kiến trúc 2023 do Bộ Xây dựng phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam và UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức, trong các ngày 8 - 10/9 nhằm giới thiệu những thành tựu về kiến trúc quốc gia trong thời gian qua. Đây là lần đầu tiên Triển lãm EXPO Kiến trúc được tổ chức tại Việt Nam và là một trong những sự kiện hưởng ứng chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm ngành Xây dựng Việt Nam.

Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023 gồm 1 phiên toàn thể và tọa đàm với chủ đề “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng"; 2 hội thảo chuyên đề; 1 triển lãm kiến trúc; chương trình tham quan thực tế dự án tiêu biểu áp dụng công trình kiến trúc xanh, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường tại Kiên Giang…

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Trong tiến trình phát triển của nhân loại, kiến trúc là một loại hình nghệ thuật – khoa học, kỹ thuật có tính đặc thù cao và gắn bó hữu cơ với sự phát triển của lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kinh tế - xã hội; tổ chức không gian, tạo lập môi trường sống bền vững cho con người và xã hội. Qua sự đóng góp ở nhiều mức độ, kiến trúc thể hiện các giá trị tư tưởng, bản sắc văn hóa và trình độ phát triển của mỗi quốc gia.

Trong tiến trình chung đó và gắn liền với lịch sử dân tộc, nền kiến trúc Việt Nam đã hình thành và từng bước phát triển phù hợp với đặc điểm của từng giai đoạn lịch sử, đạt được nhiều thành tựu to lớn, tự hào.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cắt băng khai mạc Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023.

Bộ trưởng cho biết: Xác định vai trò quan trọng của kiến trúc, Đảng, Nhà nước ta đã luôn coi trọng và có nhiều chủ trương, định hướng chính sách về phát triển nền kiến trúc Việt Nam có bản sắc, tiên tiến và hội nhập quốc tế. Gần đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Kiến trúc năm 2019, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh hoạt động của kiến trúc Việt Nam.

Với nền tảng cơ sở quan trọng này, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân, đặc biệt là của đội ngũ kiến trúc sư tâm huyết và tài năng, kiến trúc Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về tư duy, lý luận, đào tạo và sáng tác; đóng góp lớn cho tiến trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho diện mạo đất nước ngày càng đẹp, văn minh và giữ gìn bản sắc dân tộc, cuộc sống của người dân ngày càng hạnh phúc, tốt đẹp hơn.

Khắp cả nước đã hình thành hệ thống 889 đô thị, hàng nghìn khu đô thị mới với hạ tầng được cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới. Hàng vạn công trình, cụm công trình đa dạng, phức hợp về công năng, thẩm mỹ kết hợp khá nhuần nhuyễn tính dân tộc và hiện đại, được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến, vật liệu mới đã và đang tạo lập lên những đô thị có diện mạo văn minh, hiện đại với nhiều không gian sống và làm việc có chất lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và các đại biểu ghé thăm Dự án xây dựng trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng (Viện KICT Hàn Quốc).

Kiến trúc của nhiều vùng nông thôn đã thể hiện được tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. “Chúng ta phát triển kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững, thân thiện với môi trường thiên nhiên và con người để thích ứng với biến đổi khí hậu. Chúng ta đã nỗ lực phát triển đô thị thông minh để phù hợp với xu thế mới, phục vụ, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Giới kiến trúc sư Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, ngày càng nhiều tác phẩm kiến trúc đạt giải thưởng quốc gia và quốc tế, trong đó gần nhất là 02 giải thưởng của các kiến trúc sư Việt Nam do Đại hội Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) bình chọn vừa qua…

“Với những kết quả đáng trân trọng đó, kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu” – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định.

Bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, kiến trúc Việt Nam vẫn còn những tồn tại, bất cập phải tiếp tục khắc phục trong thời gian tới. Nhiều đô thị phát triển không đồng bộ, chắp vá, còn bất cập giữa bảo tồn và phát triển. Đô thị thiếu các không gian xanh, không gian công cộng, không gian mặt nước… Kiến trúc đô thị phát triển nhanh, đa dạng nhưng còn xa lạ với văn hóa dân tộc, sao chép và chưa thực sự có bản sắc riêng. Các khu phố hiện hữu có kiến trúc chắp vá, lai tạp, lấn chiếm không gian chung và không có các điểm nhấn đô thị.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu
Gian hàng của Tập đoàn EUTY - Bỉ gây chú ý với dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại 37 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Kiến trúc nông thôn có xu hướng bê tông hóa, rập khuôn. Việc quản lý, bảo tồn, phát huy các kiến trúc đặc trưng, truyền thống, các giá trị về tự nhiên, cảnh quan, không gian và văn hoá bản địa riêng có của địa phương trong phát triển kiến trúc nông thôn chưa thực sự hiệu quả hoặc chưa được coi trọng đúng mức. Công tác nghiên cứu, lý luận, đào tạo về kiến trúc cần phải tăng cường, đổi mới.

Bộ trưởng nhận định: Kiến trúc Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước - giai đoạn phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng của đất nước với các thách thức truyền thống và phi truyền thống. Do đó, yêu cầu bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống cùng với xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cần được nghiên cứu kỹ và được cụ thể hóa hơn nữa với việc tiếp thu chọn lọc, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng vật liệu mới, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên, năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Cơ hội, yêu cầu mới đòi hỏi đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các chủ đầu tư và công tác quản lý Nhà nước về kiến trúc cần phải có những quan tâm nỗ lực, tiếp cận mới, có định hướng, giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Thông qua Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023, Ban tổ chức mong muốn ghi nhận sự cống hiến và các thành tựu, đóng góp to lớn của kiến trúc Việt Nam và các kiến trúc sư Việt Nam cũng như tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các định hướng mới, giải pháp mới trên cả phương diện lý luận, sáng tác, đào tạo và quản lý cho sự phát triển của Kiến trúc Việt Nam để tận dụng cơ hội, giải quyết các thách thức thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, phục vụ sự phát triển bền vững của đất nước.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao những đổi mới của HUD trong đầu tư xây dựng, phát triển các công trình xanh.

Cũng tại phiên toàn thể, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đã có bài phát biểu về tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế du lịch của tỉnh Kiên Giang nói chung, thành phố Phú Quốc nói riêng; Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS. Hoàng Thúc Hào tham luận về hệ gene và kiến trúc hạnh phúc trong tạo lập môi trường bền vững cho cộng đồng; Giám đốc toàn cầu, Công ty Aedas Singapore và Văn phòng Đông Nam Á, ông Kevin Jose tham luận về thiết kế cho tương lai với chuyên môn toàn cầu và hiểu biết châu Á; Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã tham luận về kiến trúc thành phố với tiến trình phát triển và hội nhập; Giám đốc RSHP Châu Á, ông Benjamin Warner chia sẻ về mối liên hệ giữa kiến trúc với văn hóa châu Á.

Đặc biệt, phiên toàn thể diễn ra tọa đàm với chủ đề “Kiến trúc - Tạo lập không gian bền vững cho cộng đồng”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu
Các đại biểu thăm quan tại Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023.

Kiến trúc phản ánh rõ sự phát triển kinh tế - xã hội và nét đặc trưng văn hóa của địa phương

Phát biểu tại phiên toàn thể, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình đánh giá cao sự kiện Expo Kiến trúc 2023 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô quốc gia và quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết: Kiên Giang là 01 trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, có diện tích lớn nhất và dân số đứng thứ 2 toàn vùng; với 12 huyện và 03 thành phố. Trong đó, thành phố Phú Quốc là thành phố biển, đảo đầu tiên của Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho rằng, kiến trúc thật sự là hạt nhân của hoạt động tổng thể, phản ánh rõ sự phát triển kinh tế - xã hội và nét đặc trưng văn hóa của địa phương.

Với tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế biển, đảo, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình cho biết: Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng kinh tế biển chiếm 80% GRDP của tỉnh, trong đó xuất khẩu nông, thủy sản tăng trưởng gần 12%/năm và đóng góp khoảng 20%; tăng trưởng ngành Du lịch gần 16%/năm. Lượng khách du lịch đến Kiên Giang chiếm khoảng 20% lượng khách du lịch của vùng, doanh thu từ ngành Du lịch của Kiên Giang tăng bình quân 35%/năm và đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Theo Bí thư, tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ, định hướng phát triển của Kiên Giang trong phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; Tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới…

Hình thái đô thị Phú Quốc hôm nay với nhiều công trình kiến trúc hiện đại. Đặc trưng của Trung tâm dịch vụ, du lịch biển đảo đã thể hiện rõ. Kiến trúc thật sự là hạt nhân của hoạt động tổng thể, phản ánh rõ sự phát triển kinh tế - xã hội và nét đặc trưng văn hóa của địa phương.

Bí thư tin tưởng bằng các cơ sở khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như các kiến thức chuyên môn sâu của các doanh nghiệp, Hiệp hội, giới kiến trúc sư thông qua các mô hình triễn lãm; các tham luận, báo cáo nghiên cứu được trình bày tại các hội thảo, tọa đàm sẽ mang lại cho Kiên Giang, Phú Quốc nhiều giải pháp, kinh nghiệm trong quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch; Định hướng phát triển kiến trúc đô thị, nông thôn và nhất là kiến trúc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đảo ngọc Phú Quốc, để Phú Quốc thật sự trở thành “Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế” theo yêu cầu của Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị…

Đề cao tính khả thi trong phát triển kiến trúc hạnh phúc

Tham luận tại phiên toàn thể, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS Hoàng Thúc Hào đã chia sẻ về tuyên ngôn 10 điểm của Đại hội Kiến trúc sư Thế giới (UIA) - một sự kiện quan trọng hàng đầu của giới kiến trúc toàn cầu - được tổ chức tại Copenhagene tháng 07/2023 với chủ đề “Tương lai bền vững - Không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu
KTS Hoàng Thúc Hào cho rằng, quá trình tạo lập môi trường sống bền vững là trách nhiệm chung, cấp bách của ngành Kiến trúc xây dựng.

KTS Hoàng Thúc Hào nhận định: Phát triển bền vững không là khẩu hiệu mà trở thành trọng tâm của mọi chính sách và chương trình, được cụ thể hóa thành hệ thống giải pháp, áp dụng đồng bộ, khẩn trương và quyết liệt.

Một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành Xây dựng, lĩnh vực tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và phát thải thuộc hàng cao nhất, là tạo lập môi trường bền vững, với những mục tiêu và cam kết cụ thể như đô thị không phát thải carbon, giao thông xanh, khu ở sinh thái, công trình trung hòa năng lượng…

Tuy vậy, vấn đề đặt ra không chỉ thuần túy kỹ thuật, giới chuyên môn sẽ phải cân nhắc và giải quyết nhiều bài toán kinh tế - xã hội liên quan. Đó thực sự là những vấn đề gai góc trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chuyển đổi phương thức quản lý - vận hành dự án, song cũng đầy hấp dẫn, thú vị ở hành trình tìm kiếm, đề xuất mô hình mới.

Dấn thân vào phạm vi nghiên cứu – thử nghiệm trên, các chuyên gia cần chuẩn bị tư duy toàn diện, thấu đáo, những công cụ hỗ trợ mạnh và hơn hết là xây dựng một triết lý thiết kế tổng hòa, xem xét nhiều nhân tố để tạo sức mạnh cộng hưởng.

Đề cập đến những đóng góp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong các chương trình hành động hiệu quả, thiết thực vì cộng đồng, góp phần tạo lập môi trường sống có chất lượng, phù hợp với lối sống và điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của mỗi vùng miền, KTS Hoàng Thúc Hào nhận định: Quá trình tạo lập môi trường sống bền vững là trách nhiệm chung, cấp bách của ngành Kiến trúc xây dựng. Và một trong những công cụ chính xác lập không gian sống cụ thể là hệ thống bản vẽ, tư duy của kiến trúc sư. Kiến trúc sư đóng vai trò hạt nhân của quá trình này, do đó rất cần xây dựng những khung lý thuyết, trách nhiệm, khái niệm… soi sáng, đảm bảo cho sự phối hợp liên ngành hiệu quả, đồng bộ trong dài hạn.

KTS Hoàng Thúc Hào cũng đề cập đến tính khả thi trong phát triển kiến trúc hạnh phúc và cho rằng hệ gene kiến trúc cũng chính là nền tảng của kiến trúc hạnh phúc.

Cốt lõi của thiết kế kiến trúc là tạo ra một cộng đồng sống và làm việc bền vững

Chia sẻ nguyên tắc cốt lõi của thiết kế kiến trúc là tạo ra một cộng đồng sống và làm việc bền vững, Giám đốc RSHP châu Á, ông Benjamin Warner cho rằng cần thiết tích hợp yếu tố cộng đồng, giao thông và sinh thái địa phương.

Cần phải tìm cách giải mã các khái niệm truyền thống về quy hoạch khu vực theo hướng có lợi cho các thành phố, thông qua việc tích hợp cơ sở hạ tầng với hệ sinh thái địa phương và đời sống cộng đồng. Những khu vực mới trong thành phố phải thuận tiện cho việc đi bộ và được phục vụ bởi hệ thống giao thông dễ dàng tiếp cận.

Một thành phố dạng nhỏ gọn đa trung tâm dựa trên các nút giao thông, cửa ngõ và bến cảng thành phố. Đây là nơi hình thức đô thị thể hiện rõ ràng các chức năng của không gian có quy mô từ nhỏ nhất - đường phố cho đến khu dân cư, quận và sau đó đến thực thể lớn nhất – chính là Thành phố.

Theo ông Benjamin Warner, các nước đang hướng đến xây dựng một thành phố xanh hòa nhập các yếu tố con người, thành phố và công nghiệp. Thiết kế đô thị tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thực tế liên quan đến người dân sống trong các cụm đô thị. Khi các trung tâm đô thị trở nên lớn hơn, mục tiêu hàng đầu của chính quyền chính là tạo ra các cộng đồng lành mạnh và sôi động xung quanh nơi hoạt động của con người. Điều này đòi hỏi các bên phải phân định rõ ràng về địa lý đô thị.

Bên cạnh đó, những thách thức môi trường cũng là vấn đề đáng quan tâm. Thế giới đang phải đối mặt với hậu quả của sự bùng nổ kinh tế nhiên liệu carbon, nhiên liệu vốn đã thúc đẩy tăng trưởng, phát triển trong 50 năm qua; thiên tai, ngập lụt, nhiệt độ tăng cao, băng tan...

“Đây là vấn đề mà các nhà lãnh đạo quốc tế cần phải có trách nhiệm trong việc thúc đẩy sự thay đổi, đặc biệt là trong ngành Xây dựng - ngành đóng góp đáng kể vào lượng khí thải carbon. Những đối tượng có liên quan và cả chính cộng đồng cũng cần phải thể hiện thái độ tích cực, có giải pháp ứng phó với những thách thức phía trước” – Ông Benjamin Warner cho biết.

Kiến trúc góp phần đưa Hồ Chí Minh phát triển theo hướng văn minh hiện đại, kế thừa bản sắc văn hóa

Phát biểu tham luận tại Triển lãm, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trải qua hơn 300 năm lịch sử, Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là trung tâm kinh tế năng động, là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa đa dạng nhiều màu sắc, mà còn có sự hiện diện của những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng qua các thời kỳ lịch sử.

Về dấu ấn kiến trúc Thành phố qua các thời kỳ, ông Nguyễn Thanh Nhã cho biết: Sự tiếp biến giữa thời đại cũ và mới, sự hòa hợp của nhiều dòng chảy văn hoá, sự giao thoa giữa Đông và Tây, với các trường phái, hình thái, phong cách kiến trúc khác nhau tạo nên những nét riêng, rất đặc trưng nhưng vẫn dung hòa, tôn vinh lẫn nhau và cùng toả sáng trong lòng thành phố trẻ trung, năng động, đầy màu sắc và đã hình thành nên “Sài Gòn phương Tây”, “Sài Gòn phương Đông”, “Sài Gòn Quốc tế”, “Sài Gòn đương đại” và “Sài Gòn bản địa”.

“Sài Gòn phương Tây” với sự tồn tại của nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, mang phong cách kiến trúc truyền thống thuộc địa của người Pháp tại Đông Dương. “Sài Gòn phương Đông” với sắc màu kiến trúc rộn rã theo lối “phố thị” sầm uất tại trung tâm Chợ Lớn, cùng những công trình mang đậm dấu ấn Á Đông, kiến trúc đền mang sắc thái kiến trúc Hindu giáo-Ấn Độ. Ngoài ra, tiếp nối, kế thừa nền kiến trúc văn hóa Á Đông, kiến trúc truyền thống bản địa, có sự kết hợp, giao thoa với yếu tố kiến trúc Pháp tạo ra sự pha trộn độc đáo và đặc trưng mang “phong cách Đông – Tây”, và “phong cách Đông Dương – Indochine”, ông Nguyễn Thanh Nhã cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Nhã, “Sài Gòn quốc tế” trong thời kỳ mới, với sự dẫn dắt của các kiến trúc sư người Việt được đào tạo từ nước ngoài (chủ yếu là Pháp và Mỹ); đã có công lớn kiến tạo nên phong cách kiến trúc hiện đại, nhưng mang đặc thù riêng của khí hậu địa phương, giúp cho diện mạo kiến trúc Thành phố trở nên sôi động hơn.

“Sài Gòn đương đại” khi thành phố bước vào thời kỳ phát triển kinh tế năng động, hội nhập với các tư tưởng, triết lý quy hoạch tiến bộ mới được lồng ghép vào đồ án Quy hoạch chung năm 1993, điều chỉnh năm 1998 và năm 2010, đã mở ra không gian môi trường sống mới. Với sự đổi thay dễ nhận thấy nhất chính là công trình kiến trúc phát triển theo chiều thẳng đứng, hàng loạt nhà cao tầng mọc lên, các khu đô thị được đầu tư xây dựng mới khang trang hiện đại, chức năng tiện ích đô thị hoàn chỉnh với một cộng đồng dân cư hiện đại. Giúp cho diện mạo kiến trúc Thành phố dần trở nên rõ nét, không gian kiến trúc hiện đại văn minh, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của người dân ngày một tốt hơn. Bên cạnh các công trình do kiến trúc sư trong nước thiết kế, còn có các dự án do kiến trúc sư nước ngoài thiết kế đã chuyển hóa tài tình những tư tưởng, văn hóa Việt vào ý tưởng thiết kế.

Ông Nhã cũng phân tích về vị thế kiến trúc truyền thống địa phương “Sài Gòn bản địa”. Theo đó, trong hành trình Nam tiến, quá trình hiện đại hóa, kiến trúc truyền thống vẫn được tồn tại, đổi mới trên nhiều phương diện, vẫn luôn nỗ lực tìm kiếm hướng đi mới và đã gặt hái không ít thành công.

Nhưng nhìn chung diện mạo kiến trúc Thành phố đương đại vẫn chịu sự tác động, ảnh hưởng mạnh bởi thiên hướng “toàn cầu hóa” hơn là kiến trúc truyền thống mang đặc trưng bản sắc địa phương. Xu thế kiến trúc “truyền thống” và kiến trúc “đương đại” sẽ phải cạnh tranh, giao thoa và cùng nhau tạo nên những nét kiến trúc mới cho Thành phố.

Trong tương lai, với sự thay đổi như vũ bão về khoa học công nghệ mới, thách thức nhiều vấn đề xã hội, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu..., và với sức sáng tạo, dám thay đổi tư duy trong thiết kế của kiến trúc sư thì xu hướng thiết kế sẽ dự báo theo 7 mô hình khác nhau.

Về khó khăn, thách thức, theo ông Nguyễn Thanh Nhã, chính sách pháp luật, hay công cụ quản lý Nhà nước về quy hoạch - kiến trúc khi được ban hành cứng nhắc, sẽ khó cho cơ quan quản lý địa phương phê duyệt thẩm định phương án thiết kế mới, sáng tạo hiện đại... nên cần phải thay đổi cách tiếp cận mới cho phù hợp với xu thế mới.

“Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu của nền kinh tế, trung tâm văn hóa-khoa học kỹ thuật, nơi hội tụ giá trị thẩm mỹ và tinh hoa của dân tộc, với những giá trị tiên tiến, hiện đại nhất đều được ươm mầm phát triển tại đây. Cùng với phẩm chất năng động, sáng tạo tư duy thiết kế của giới kiến trúc sư, kỳ vọng sẽ góp phần phát triển không chỉ cho thành phố, ngày càng văn minh hiện đại, đầy hoa lệ và mãi xứng danh “Thành phố mang tên Bác”, mà còn xứng với truyền thống anh hùng của dân tộc Việt Nam.

Thiết kế kiến trúc hiện nay không chỉ còn đơn thuần là đẹp, là đường nét thẩm mỹ, là những công trình, mà còn là quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch -thiết kế môi trường nông thôn xanh, các hệ sinh thái lao động, sản xuất của cải vật chất, sinh hoạt, giải trí, giáo dục, sức khoẻ... Tất cả cần phải giải quyết được nhu cầu phát triển cuộc sống con người một cách bền vững và đó phải dựa vào một nền kiến trúc tương lai, vào người kiến trúc sư sẵn sàng đột phá vào tương lai và lẽ dĩ nhiên là 1 hệ thống lãnh đạo, điều hành, quản lý phải sẵn sàng cho tương lai”, ông Nguyễn Thanh Nhã nhấn mạnh.

Tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc

Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn tại buổi bế mạc Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận định: Các bài tham luận và ý kiến trao đổi tại hội thảo cho thấy kiến trúc đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững của văn hóa - kinh tế - xã hội – môi trường.

Theo Thứ trưởng, yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước đã đặt ra cho kiến trúc Việt Nam những yêu cầu mới, như tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, gắn với bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Theo đó, kiến trúc thể hiện rõ yếu tố bản sắc văn hoá, kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống và tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới để bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng của sáng tác kiến trúc; Bồi đắp, làm rõ thêm và khẳng định những đặc trưng của kiến trúc Việt Nam; Đáp ứng các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng, biến đổi khí hậu, bảo vệ và hoà nhập môi trường sinh thái trong xây dựng.

Thứ trưởng cho rằng các ý kiến thiết thực và hiệu quả, gợi mở tại hội thảo sẽ góp phần phát huy các thành quả đạt được đồng thời tháo gỡ những bất cập hạn chế trong phát triển kiến trúc, tạo cơ sở, căn cứ để nghiên cứu ban hành, hoàn thiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển kiến trúc Việt Nam bền vững.

Các nội dung trao đổi, thảo luận tại hội thảo cũng sẽ hỗ trợ chính quyền Trung ương và các địa phương trong định hướng, đề xuất triển khai các chương trình hành động trước những thời cơ, cơ hội, cũng như thách thức, khó khăn hiện nay và từng bước thực hiện thành công các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Luật Kiến trúc; Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 07/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc Định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.

Thứ trưởng kỳ vọng: Sự kiện lần này đem lại những điều bổ ích cho các hoạt động kiến trúc của các nhà quản lý Trung ương và địa phương, các kiến trúc sư trong và ngoài nước, phục vụ tốt cho xã hội, cho các hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển sản phẩm, những công nghệ kiến trúc, kiến trúc với công nghệ số, công nghệ xây dựng mới và tiên tiến, hiệu quả cao, đáp ứng được phần lớn các nhu cầu cơ bản để phát triển kiến trúc và quy hoạch Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu bế mạc Triển lãm EXPO Kiến trúc 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng của Viglacera tại Triển lãm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị ghé thăm gian hàng của Viện Kiến trúc Quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Kiến trúc Việt Nam đã và đang trở thành một địa chỉ sáng trong bản đồ kiến trúc toàn cầu

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn tại gian hàng của Viện Kiến trúc Quốc gia.

Nhóm phóng viên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load