(Xây dựng) - Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho rằng, dù chỉ là kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) truy thu hơn 408 tỷ đồng Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với TCty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (SABECO), nhưng đã gây ra những bất ổn nhất định với người dân và doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là Bộ Tài chính.
Lách luật không phải là vi phạm luật
Kết luận mới đây của KTNN về hoạt động kinh doanh của SABECO năm 2013 đã chỉ ra SABECO đã thành lập tổng số 10 Cty CP thương mại khu vực nhằm phân phối bia Sài Gòn (SABECO có vốn góp từ 90 - 94%)... Dù không nói rõ việc SABECO thành lập nhiều Cty con là để lách luật, trốn thuế, nhưng vì lý do này, KTNN đề nghị truy thu hơn 408 tỷ đồng Thuế TTĐB của SABECO.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong cơ chế kinh tế thị trường, một DN thành lập Cty con, cháu, chắt là bình thường. Pháp luật Việt Nam hiện nay cũng khuyến khích việc này. Điều này giúp DN tận dụng được tiềm năng, lợi thế của thị trường. Đồng thời, giảm thiểu rủi ro hoạt động kinh doanh của DN. Và cũng đồng nghĩa với việc, DN sẽ tận dụng được lợi thế của chính sách, kẽ hở của chính sách để giảm thiểu được việc nộp thuế, giữa lại được nhiều lợi nhuận.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc DN lách luật để trốn thuế là vấn đề hoàn toàn tự nhiên. Và, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là bảo quyền lợi lợi ích chung, phải tìm kiếm, ban hành những công cụ hạn chế mặt này của DN.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, thuế là một trong những quy định tác động trực tiếp đến tài sản và bảo vệ tài sản của DN. Lâu nay, Luật thuế quy định bởi Quốc hội, nhưng việc hành thuế lại bị chi phối bởi chủ yếu là các thông tư của Bộ Tài chính. Việc này không đảm bảo tính chắc chắn, ổn định và hiệu lực tài sản của người dân. Vì mỗi mức thuế do Luật quy định, nhưng tổng số thuế phải nộp lại không chỉ phụ thuộc vào mức thuế, mà phụ thuộc vào giá tính thuế và rất nhiều vấn đề khác. Đối với thuế, phải được quy định bằng luật của Quốc hội, không thể giải thích một cách tuỳ ý, tuỳ tiện, dẫn tới tài sản của người dân của DN sẽ bị tác động. Điều này cũng có khả năng dẫn tới sự phá sản một DN.
Bên cạnh đó, đối với kết luận và kiến nghị của KTNN, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, phải đặt vấn đề DN vi phạm luật ở điều nào, khoản nào cụ thể. Không thể nói DN lách luật là vi phạm luật.
“DN tuân thủ luật bằng một cách có lợi cho DN. Nếu không vi phạm điều nào, khoản nào trong Luật thì DN đang tuân thủ đúng pháp luật”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
DN không gánh chịu kẽ hở pháp luật
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, kẽ hở của luật pháp không thể do DN và người dân gánh chịu. Và không bao giờ có một hệ thống luật pháp nào mà không có kẽ hở.
Ông Nguyễn Đình Cung cũng như Đại biểu quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (thuộc Đoàn Đại biểu tỉnh Ninh Thuận) cùng đồng thuận, trong hệ thống luật pháp của chúng ta còn rất nhiều kẽ hở. Như vậy, không thể bắt người dân gánh chịu những kẽ hở pháp luật. Kẽ hở trong luật pháp và hoàn thiện luật pháp là tồn tại khách quan và việc hoàn thiện luật pháp và bịt kẽ hở của pháp luật là chức năng của cơ quan quản lý nhà nước. Không thể vì kẽ hở của pháp luật mà buộc DN và người dân phải gánh chịu tổn thất do kẽ hở pháp luật gây ra.
Lâu nay, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như DN đều hiểu rằng, rủi ro nhất trong nền kinh tế Việt Nam đó là tính bất định, tính không tiên lượng trước của việc áp dụng chính sách, làm cho DN rụt rè trong đầu tư dài hạn, đầu tư lớn, đầu tư một cách chính quy. SABECO là một TCty lớn của Nhà nước mới có khả năng kêu gọi sự đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước và người lao động. Còn đối với DN nhỏ hoặc người dân khi gặp trường hợp này thì không biết kêu ai?
Ông Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, trong trường hợp SABECO là DN niêm yết trên sàn chứng khoán, thì đứng trước sự việc này có nguy cơ sụt giảm tài sản. Vậy thì, ai là người chịu trách nhiệm về sự sụt giảm tài sản này? Hay nói cách khác, việc làm này có thể đẩy một DN niêm yết trên sang chứng khoán đang làm ăn rất tốt có thể lụi bại.
Như vậy, cần quay trở lại xem lại cách thức bảo vệ tài sản của DN khi luật lệ có kẽ hở. Luật có thể có kẽ hở, nhưng không vì thế mà đẩy rủi ro và chi phí của kẽ hở đó cho DN. Khi đó, phải áp dụng cách giải thích có lợi nhất, tốt nhất cho DN. Vì họ là người yếu thế nhất trong thực thi chính sách. Hành động như thế này cũng là nguyên tắc phổ biến trong nền kinh tế thị trường, để thúc đẩy phát triển DN.
Ông Nguyễn Đình Cung kết luận rằng, dù chỉ là kiến nghị của KTNN nhưng đã gây ra những bất ổn nhất định cho không chỉ với SABECO. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn là bộ Tài chính. Và có thể Bộ Tài chính sẽ không truy thu số thuế TTĐB 408 tỷ đồng của SABECO.
Lý giải của ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cũng như của SABECO cho biết, không chỉ SABECO, tất cả các DN hiện nay đang áp dụng quy định của Bộ Tài chính về Thuế TTĐB theo cách mà SABECO đã làm. Và tất nhiên, với đề xuất của KTTT họ đều rất hoang mang. Hướng dẫn của Bộ Tài chính về thực hiện luật thuế năm 2012 cũng như về giá tính thuế đã rất rõ ràng. SABECO cũng báo cáo Bộ Tài chính và có hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính về cách tính Thuế TTĐB đối với hệ thống phân phối của SABECO.
Bên cạnh đó, Thuế TTĐB là thuế đánh vào khâu sản xuất, nhà sản xuất, không phải loại thuế đánh cho khâu thương mại. Như vậy, khi DN bán cho đơn vị thương mại đầu tiên, thì giá bán đối với đơn vị này sẽ là giá tính thuế TTĐB. Căn cứ này hoàn toàn giống với cách tính Thuế TTĐB của các TCty nhà nước khác trên toàn quốc./.
Thanh Nga
Theo