Thứ ba 30/04/2024 01:09 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối quản lý về đổi mới sáng tạo

09:00 | 11/04/2024

(Xây dựng) – Đây là nội dung mà Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang trao đổi với báo chí chiều 10/4. Theo đó, chức năng quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo được Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ từ tháng 6/2023, sau đó các hành động hiện thực hóa đã được Bộ triển khai.

Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối quản lý về đổi mới sáng tạo
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại cuộc họp báo chiều 10/4.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, trong chương trình hành động của Bộ bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đã hình thành đơn vị chức năng là Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (trước đây là Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ).

Quản lý Nhà nước về đổi mới sáng tạo là chức năng mới nên việc thống nhất với Sở Khoa học và Công nghệ 63 tỉnh, thành sẽ được Bộ phối hợp, hướng dẫn triển khai. "Một trong số đó là việc xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương đã được thực hiện, công bố ngày 12/3", Thứ trưởng Giang nói.

Ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng lý giải thêm về khái niệm "đổi mới sáng tạo" và "khởi nghiệp sáng tạo" đang bị chồng lấn gây ra lúng túng trong quản lý Nhà nước.

Luật Khoa học công nghệ (2013) nêu định nghĩa, đổi mới sáng tạo là tạo ra ứng dụng, thành tựu giải pháp kỹ thuật công nghệ, quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động, giá trị gia tăng xuất khẩu.

Theo ông Hoàng, khái niệm còn chung chung, các đối tượng chưa được nêu cụ thể. Do đó cần thống nhất cách hiểu đổi mới sáng tạo, tức quá trình chuyển đổi tri thức công nghệ thành kết quả cụ thể sản phẩm dịch vụ, quy trình, mang lại lợi ích giá trị gia tăng cho kinh tế - xã hội.

Còn "khởi nghiệp sáng tạo" hoạt động chính là gọi vốn hoặc IPO để đầu tư, tạo ra mô hình, sản phẩm mới, doanh nghiệp mới nhưng chưa có hoạt động sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường.

Mô hình "khởi nghiệp sáng tạo" khác với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) ở chỗ mục tiêu hỗ trợ, tuy giao thoa nhưng có đối tượng và hoạt động khác nhau. Trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa đã ổn định mô hình kinh doanh, mở rộng kinh doanh thị trường. Khởi nghiệp sáng tạo không có thế chấp, không có tài sản chủ yếu dựa trên tinh thần khởi nghiệp, có tính rủi ro cao.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng kiến nghị ban hành Nghị định của Chính phủ để có cơ sở pháp lý hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, từ đó có cơ sở xây dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy hoạt động này.

Kim Oanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load