(Xây dựng) - Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của các Nhà trường. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu của năm học, đã ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến sự xuống cấp cơ sở hạ tầng tại các trường học trên cả nước như: Sập cổng, tường nhà trường; quạt trần rơi gây thương vong đến các em học sinh… Bên cạnh đó, theo nhiều bậc phụ huynh có phản ánh về việc hàng năm Nhà trường có yêu cầu đóng tiền phí xây dựng Nhà trường, tuy nhiên, các trường lại không công khai việc thực hiện việc tu bổ, bảo trì trường lớp.
Một góc Trường tiểu học Tây Sơn (Hà Nội). |
Trước đó, ngày 7/9, tại điểm trường Bản Phung (xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) một chiếc cổng trường đã bị sập cướp đi sinh mạng của 3 học sinh Mầm non và Tiểu học, khiến 3 học sinh khác bị thương. Đây là một trong 2 chiếc cổng trường được xây dựng với kinh phí 151 triệu đồng. Khi cổng đổ sập, người ta không thấy xi măng cốt thép bên trong.
Cũng một sự việc tương tự, sáng 11/9, một học sinh lớp 5 trường Tiểu học Nam Lộc (Nam Đàn, Nghệ An) trong giờ ra chơi đã trèo lên bức tường ngăn cách giữa trường học và nhà dân. Không may tường đổ ập xuống và em đã tử vong. Bức tường rào bị sập cao chưa đến 1m được xây dựng bằng gạch không nung và đã có dấu hiệu xuống cấp. Trước đó, tường rào này bị sập một đoạn nhưng không có biển cấm hay cảnh báo nào với học sinh hay chơi gần đó.
Sáng 10/9, tại trường Tiểu học Kim Đồng (phường Cốc Lêu, thành phố Lào Cai), một chiếc quạt trần đã rơi trúng đầu một học sinh lớp 2 khiến em bị thương khá nặng ở mũi. Nguyên nhân ban đầu khiến chiếc quạt trần bị rơi được xác định là do ốc chốt ngang giữa cần và bầu quạt bị gãy.
Liên quan đến các sự việc đáng tiếc trên, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các địa phương rất sát sao. Cụ thể, trong những ngày hè, các địa phương và các Nhà trường phải kiểm tra các công trình trường học nào xuống cấp, không đạt yêu cầu, phải sửa chữa, kiên quyết không đưa công trình xuống cấp, không đủ điều kiện, vào sử dụng. Chẳng hạn mấy năm học vừa qua, có một số trường hợp sập trường lớp, do đó Bộ chỉ đạo, để xảy ra trường hợp như vậy, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý trực tiếp ở cấp tỉnh.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát lại trang thiết bị trường học, xem cái nào thiếu, hư hỏng để mua sắm bổ sung. Hiện tại đã có quy trình đánh giá chất lượng công trình do Bộ Xây dựng ban hành và các Văn bản, Thông tư hướng dẫn liên quan khác. Trong đó, có xác định công trình như thế nào là xuống cấp, quy trình bảo trì công trình ra sao. Khi phát hiện thấy công trình xuống cấp, đơn vị đó phải báo với cơ quan quản lý trực tiếp về công trình trên địa bàn, không phải báo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo không thuộc quản lý các công trình xây dựng nên không nắm được cả nước có bao nhiêu công trình trường học xuống cấp. Ngoài ra, phí xây dựng trường mà các trường học thu đầu năm là do địa phương quản lý, Bộ không quản lý. Do vậy, khi đơn vị trường học phát hiện ra xuống cấp thì phải báo cáo địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo. Thời gian qua, một số công trình chậm xử lý dẫn đến tai nạn là do thiếu kinh phí nên việc bảo trì, bảo dưỡng còn chậm và điều này các cấp lãnh đạo địa phương cần phải biết”.
Vụ đổ sập cổng trường học tại Bản Phung, xã Khánh Yên Thượng (Văn Bàn, Lào Cai) khiến 3 học sinh tử vong, 3 học sinh khác bị thương (Nguồn: Internet). |
Đối với kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho các năm tiếp theo, ông Hùng Anh cho hay: “Ngay từ đầu năm 2000, khi thống kê cơ sở vật chất cho thấy, tình trạng lớp học tranh nứa lá, bán kiên cố, có thể gây nguy hiểm cho học sinh. Do đó, Chính phủ đều dành phần khá lớn Trái phiếu Chính phủ để xóa bỏ phòng học tạm. Đây là một trong những chủ trương rất được ủng hộ vì kết quả thấy rõ rệt. Đặc biệt, trách nhiệm về giáo dục phổ thông là ở địa phương nên địa phương phải bố trí nguồn lực để thực hiện việc này. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện hai việc: Ban hành quy chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị hiện hành. Thứ hai, Bộ tham mưu với Chính phủ và Quốc hội để hỗ trợ địa phương khó khăn và tham mưu ban hành một số chính sách khác”.
Sau khi xảy ra hàng loạt vụ việc nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản gửi các địa phương về việc rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất, trường, lớp học. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn cho học sinh.
Gia Huy
Theo