Thứ tư 09/10/2024 19:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

Bộ Công Thương lý giải việc giá mặt hàng thép liên tục tăng "phi mã"

10:59 | 15/05/2021

Theo Bộ Công Thương, do phụ thuộc vào lượng nhập khẩu và giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm của thép các loại của Việt Nam đều thay đổi theo thị trường thế giới.

bo cong thuong ly giai viec gia mat hang thep lien tuc tang phi ma
Dây chuyền sản xuất Thép tại Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Trong thời gian qua, giá thép tăng cao gây ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất sử dụng sản phẩm thép.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết cùng với biến động của giá nguyên liệu đầu vào thì giá thành phẩm thép trên thế giới tăng mạnh đã tác động trực tiếp đến giá thành của mặt hàng này.

- Thưa ông, giá thép trên thị trường gần đây tăng cao bất thường. Dưới chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực này, xin ông cho biết nguyên nhân do đâu khiến giá thép tăng cao đột biến như vậy?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Trong thời gian vừa qua, nhất là thời điểm từ cuối năm 2020 và 4 tháng đầu năm và cho đến thời điểm hiện nay giá thép tăng cao. Phải nói là trong vòng 7-10 năm nay mới lại thấy có hiện tượng như thế này.

Có thể nói từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, thế giới lại chứng kiến sự biến động về giá nguyên liệu và thép thành phẩm mạnh mẽ như thời gian qua. Không riêng gì Việt Nam, giá thành phẩm thép cũng như nguyên liệu đầu vào của thép tăng toàn cầu.

Giá nguyên liệu sản xuất thép và giá thép đã tăng liên tục từ cuối năm 2020 và tăng với tốc độ phi mã trong quý 2/2021. Giá quặng nguyên liệu đã tăng trên 220 USD/tấn vào ngày 10/5/2021, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 USD/tấn cách đây hơn 1 thập kỷ, giá thép phế đã tăng gần gấp đôi trong vòng hơn 9 tháng qua.

Ngoài ra các nguồn nguyên liệu đầu vào khác cũng tăng từ 15 đến 20%. Giá nguyên liệu đầu vào tăng như vậy là nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá bán thép thành phẩm nói chung.

- Ông vừa cho biết là chúng ta đang phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Vậy ông có thể cho biết cụ thể chúng ta đang phải phụ thuộc vào những nguồn nguyên liệu nào cho sản xuất thép, và tỉ lệ như thế nào?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Đối với quặng sắt, Việt Nam đang phải nhập khẩu 80-85%, thậm chí có những thời điểm phải nhập tới 90%.

Trong cơ cấu sản xuất thép xây dựng, với khoảng 14 triệu tấn hiện nay, chúng ta đang dùng 60% công nghệ lò cao (sử dụng nguyên liệu chính là quặng sắt) còn công nghệ lò điện là 40% (sử dụng nguồn nguyên liệu là thép phế) cũng đang phải nhập khoảng 50-60%.

bo cong thuong ly giai viec gia mat hang thep lien tuc tang phi ma
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công Thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù than cốc cơ bản các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Formosa đã chủ động được sản xuất cốc nhưng than mỡ vẫn phải nhập khẩu; trong khi điện cực thì ta chưa có sản xuất mà phải nhập khẩu hoàn toàn 100%.

- Việt Nam là một quốc gia có nguồn tài nguyên lớn là quặng sắt, vậy vì sao chúng ta lại phải nhập khẩu nhiều như thế lượng quặng sắt cho sản xuất thép?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Về quặng sắt, Việt Nam có trữ lượng và tài nguyên dự báo khoảng 1,3 tỷ tấn. Hiện nay các mỏ có trữ lượng lớn là Mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) trữ lượng 120 triệu tấn và Mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn.

Đối với Mỏ Thạch Khê đã được cấp phép từ năm 2011, sau đó dừng lại để đánh giá, đến thời điểm này chưa khởi động lại. Đối với Mỏ Quý Xa thì hiện giờ về giấy phép khai thác cũ với công suất 3 triệu tấn/năm cũng đã hết thời hạn giấy phép, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xem xét để cấp lại.

Như vậy, có hai mỏ lớn song hiện giờ chúng ta cũng chưa huy động được; trong đó Mỏ Thạch Khê đến thời điểm này cũng chưa quyết định việc tiếp tục hay dừng không khai thác.

Rõ ràng chúng ta thấy là nguồn nguyên liệu đầu vào (quặng sắt) trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Nếu chủ động được nguồn quặng sắt cũng sẽ chủ động được cơ bản nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các nhà máy sản xuất thép sử dụng công nghệ lò cao. Còn đối với lò điện thì lượng thép phế ra nội địa chỉ có một khối lượng nhất định nên vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Có nghĩa rằng, thế giới có biến động nguyên liệu đầu vào thì ở Việt Nam cũng có biến động tăng hay giảm, cũng phụ thuộc vào lượng nhập khẩu và giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm của thép các loại đều thay đổi theo thị trường thế giới.

Có một đặc điểm lớn là cơ bản chúng ta đã sản xuất được lượng thép cho xây dựng trong nước, chẳng hạn như với thời điểm này, theo thống kê toàn bộ công suất nhà máy của Việt Nam có thể đáp ứng được nhu cầu khoảng 14 triệu tấn/năm.

Như dự báo của Hiệp hội Thép và các nhà sản xuất, Bộ Công Thương cũng ghi nhận trong năm 2021 lượng tiêu thụ dự báo khoảng 10,5 triệu tấn đối với thép xây dựng.

Còn lại đối với mặt hàng khác là thép cán nóng, thép hợp kim để phục vụ cho các ngành cơ khí chế tạo, hiện giờ chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất được là Hòa Phát và Fomosa với tổng sản lượng năm 2020 vào khoảng 4 triệu tấn/năm.

Trong khi đó nhu cầu tại thị trường nội địa rơi vào khoảng 14-15 triệu tấn/năm, song cả nước đang phải nhập đến 70% khối lượng này (tức là khoảng 10 triệu tấn đối với thép cán nóng) và Việt Nam cũng đang hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Rõ ràng có hai mặt hàng, một là nguyên liệu nhập khẩu về sản xuất thép xây dựng và tiếp đến là nhập thép thành phẩm để gia công chế tạo, cả hai đều tăng rất cao, dẫn đến thị trường có những biến động nhất định. Có những thời điểm biến động so với cùng kỳ lên 40-45%...

- Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam cũng đã có những kiến nghị, đề nghị kiểm tra triệt để những nguyên nhân làm cho giá thép tăng đột biến. Vậy Bộ Công Thương đã có động thái cụ thể như thế nào để kiểm soát được tình hình này?

Ông Nguyễn Ngọc Thành: Việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi.

Để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép định giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, đầu tháng 2/2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và đã có Văn bản số 724/BCT-CN ngày 05/2/2021 báo cáo Chính phủ và kiến nghị chỉ đạo cơ quan liên quan một số giải pháp nhằm ổn định cung- cầu và giá thép trong nước trong năm 2021.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc bộ nghiên cứu rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; Chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng; Kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

- Nhập khẩu phế liệu sắt thép 3 tháng đầu năm 2021:

bo cong thuong ly giai viec gia mat hang thep lien tuc tang phi ma

Ngày 11/5/2021, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2612/BCT-CN gửi Hiệp hội thép Việt Nam và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước; trong đó có một số nội dung liên quan đến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về bình ổn thị trường thép.

Theo đó đề nghị các đơn vị rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh.

Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 8/5 của Văn phòng Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ cũng luôn theo sát các doanh nghiệp, theo đó doanh nghiệp có vướng mắc về chủ trương chính sách, Bộ sẽ sẵn sàng trực tiếp tháo gỡ một cách sớm nhất.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

Theo Đức Duy (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load