Thứ ba 05/11/2024 07:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Bình Dương: Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng ngày càng tăng

11:59 | 27/04/2020

(Xây dựng) – Theo báo cáo công tác Thanh tra năm 2019 và 3 tháng đầu năm 2020 của Sở Xây dựng Bình Dương, riêng 3 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng và các địa phương đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

binh duong tinh trang vi pham trat tu xay dung ngay cang tang
Công trình xây dựng sai phép bị phạt 40 triệu đồng.

Cụ thể, lực lượng Thanh tra thường xuyên tổ chức rà soát, phối hợp thanh kiểm tra các dự án công trình trên địa bàn nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những sai phạm. Do đó, năm 2019 Thanh tra Xây dựng Bình Dương đã kiểm tra và ban hành các quyết định xử phạt đối với công trình vi phạm với tổng số tiền gần 8,5 tỷ đồng, chưa kể huyện thị và tổ Thanh tra địa bàn xử phạt khoảng 6 tỷ đồng.

Riêng 3 tháng đầu năm 2020, Sở Xây dựng và UBND huyện thị đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 10 tỷ đồng, số công trình và vụ vi phạm trật tự xây dựng đều tăng so với cùng kỳ 2019.

Kiểm tra, xử lý tiệt để

Cụ thể năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng với 174 quyết định, trong đó 38 quyết định tại các dự án khu nhà ở, khu đô thị với lỗi tổ chức thi công xây dựng không có giấy phép xây dựng (35 dự án), 1 dự án sai phép phạt 40 triệu đồng khi xây dựng tăng 9.200m2, 2 dự án vi phạm quy định về huy động vốn, số tiền phạt là 570 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các tổ Thanh tra Xây dựng phối hợp kiểm tra với UBND huyện thị gần 2.000 công trình, trong đó không phép 108 trường hợp, sai phép 64 trường hợp và các trường hợp vi phạm khác.

UBND huyện, thị cũng ban hành các quyết định xử phạt như: Phòng Quản lý đô thị Thủ Dầu Một cấp gần 3.200 giấy phép xây dựng thì kiểm tra xử lý gần 1.400 công trình với tổng số tiền phạt hơn 3 tỷ đồng. Chưa kể việc tổ chức tuần tra tình hình trật tự đô thị với gần 12,5 ngàn lượt, lập biên bản vi phạm hành chính 345 biên bản với tổng số tiền hơn 150 triệu đồng. Tại thị xã Thuận An (nay là thành phố), Phòng Quản lý đô thị cũng kiểm tra 279/535 công trình được cấp phép xây dựng thì phát hiện hơn 20 trường hợp xây dựng không phép, sai phép nên đã ban hành các quyết định xử phạt với số tiền 350 triệu đồng và buộc phá vỡ toàn bộ công trình 21 trường hợp.

Tại huyện Bắc Tân Uyên, Phòng Quản lý đô thị cũng kiểm tra 117 công trình ban hành 59 quyết định xử phạt với số tiền trên 477 triệu đồng và buộc tháo dỡ toàn bộ 34 công trình, phá dỡ một phần 21 công trình…

Ngoài các công trình nhà ở riêng lẻ trên địa bàn, thì các dự án kinh doanh bất động sản cũng gần như bị xử phạt vi phạm hành chính với lỗi cơ bản là không xin phép khi tổ chức thi công công trình hạ tầng kỹ thuật mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng. Số công trình vi phạm chiếm gần 2/3 số công trình được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Cụ thể, năm 2019 tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư cho 63 dự án thì có tới 38 dự án vi phạm xây dựng không phép và sai phép.

Đáng chú ý là 2 dự án vi phạm về kinh doanh bất động sản, vi phạm về huy động vốn với số tiền xử phạt 285 triệu đồng mỗi dự án tại Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Nam Sài Gòn đầu tư Dự án khu nhà ở Vĩnh Tân và Công ty TNHH Phát triển nhà xe lửa Dĩ An chủ đầu tư dự án khu nhà ở thương mại đường sắt giai đoạn 2.

Theo thống kê, 3 tháng đầu năm 2020, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều hướng gia tăng, cụ thể Thanh tra Sở Xây dựng đã ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, tăng 83 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, không phép 76 trường hợp (tăng 53 trường hợp so với cùng kỳ), sai phép 07 trường hợp (tăng 05 trường hợp so với cùng kỳ), vi phạm khác 35 trường hợp (tăng 29 trường hợp so với cùng kỳ). Tổng số tiền phạt là 5,6 tỷ đồng, tăng hơn 4,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, Phòng Quản lý đô thị các huyện thị cũng tiến hành kiểm tra các giấy phép được cấp cũng phát hiện nhiều công trình xây dựng sai phép, không phép như: Thủ Dầu Một kiểm tra 255/942 giấy phép chỉ có 192 công trình xây dựng đúng phép nên đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 34 vụ với tổng số tiền phạt trên 650 triệu đồng. Thuận An kiểm tra 124/270 công trình thì phát hiện 27 trường hợp không phép, 12 trường hợp sai phép nên đã ban hành 39 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong xây dựng với số tiền gần 440 triệu đồng, buộc phá dỡ một phần công trình 32 vụ…

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ 2020 của ngành Xây dựng Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu, Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng, nhất là công tác trật tự xây dựng trên địa bàn.

Tăng cường công tác phối hợp

Trước tình hình số công trình dự án, vi phạm ngày một tăng, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quy chế phối hợp, nhằm quy định về phân cấp quản lý, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính về trật tự xây dựng. Qua đó, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật được kịp thời, thống nhất và tiếp tục thực hiện quản lý chặt chẽ tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn đảm bảo phù hợp pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo tính khả thi khi triển khai áp dụng.

Theo đó, quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hiệu lực từ 1/3/2020, thay thế cho Quyết định 37/2015 của UBND tỉnh Bình Dương. Quy chế này bao gồm 4 chương với 17 điều quy định cơ chế nội dung phối hợp giữa Sở Xây dựng với UBND các huyện thị thành phố, xã phường và các Ban Quản lý khu công nghiệp trên địa bàn.

Nội dung quy chế xác định rõ, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong công tác quản lý kiểm tra xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời đảm bảo thống nhất giữa các bên trong kiểm tra xử lý một cách chặt chẽ, tránh trùng lắp về phạm vi đối tượng và nội dung, thời gian thanh kiểm tra; tránh đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Các công trình xây dựng phải được kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và triệt để theo quy định của phát luật.

Quy chế quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng, quy định trách nhiệm cụ thể của Thanh tra Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương, Ban Quản lý khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đồng thời cũng nêu rõ trách nhiệm phối hợp giữa các các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức có liên quan, quy định cơ quan chủ trì, phối hợp quản lý trật tự xây dựng, cơ chế phối hợp quản lý, kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý vi phạm, phương thức phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, cơ chế giải quyết các vướng mắc trong quá trình phối hợp quản lý trật tự xây dựng…

Ngoài ra, quy chế cũng phân quyền kiểm tra, xử lý đối với từng loại công trình cho Sở Xây dựng, UBND huyện thị thành phố và Ban Quản lý các khu công nghiệp.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load