Thứ bảy 28/12/2024 00:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Bình Dương: Mua đất thế chấp ngân hàng, nguyên Bí thư Thị uỷ vướng vòng lao lý

22:53 | 08/12/2019

(Xây dựng) - Sau ngày đầu mở phiên xét xử sơ thẩm ông Nguyễn Hồng Khanh – nguyên Bí thư thị xã Bến Cát về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, cáo trạng cho thấy còn nhiều bất cập…

binh duong mua dat the chap ngan hang nguyen bi thu thi uy vuong vong lao ly
Ông Nguyễn Hồng Khanh tại toà.

Mua đất hợp pháp…

Năm 2012, ông Nguyễn Hồng Khanh (nguyên Bí thư Thị uỷ thị xã Bến Cát) có nhu cầu mua đất để canh tác, thông qua người môi giới, ông Khanh biết bà Hồ Thị Hiệp (sinh năm 1945) đang có nhu cầu bán đất. Ông được người môi giới dẫn đến gặp bà Hiệp để tìm hiểu, thống nhất giá cả. Biết được khu đất bà Hiệp rao bán đang là tài sản được thế chấp tại ngân hàng, ông Khanh chỉ đồng ý mua với điều kiện phải có xác nhận của ngân hàng đồng ý cho bà Hiệp bán.

Trước yêu cầu trên, bà Hiệp đã soạn thảo công văn, tường trình đến Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn gặp ông Nguyễn Huy Hùng (Giám đốc Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Sài Gòn) và ông Nguyễn Quang Lộc (Phó Trưởng phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp 1) xin xác nhận cho phép bà Hiệp bán tài sản đang thế chấp tại ngân hàng để thanh toán nợ và được hai người này đồng ý xác nhận. Đồng thời, bà Hiệp soạn thảo sẵn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (03 bên) gồm bà Hiệp, ông Khanh cùng Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn để chuẩn bị tiến hành thủ tục mua bán tài sản thế chấp.

Sau khi hoàn tất các yêu cầu, thống nhất giá cả và được ngân hàng đồng ý cho bán, bà Hiệp và ông Khanh thực hiện giao dịch mua bán tài sản thế chấp ngân hàng.

Việc mua bán này được diễn ra bốn lần từ 2012 - 2015, tại mỗi thời điểm mua bán đều có sự thỏa thuận đồng ý của 3 bên. Hình thức chuyển và nhận tiền theo cách, 1 phần sẽ chuyển vào tài khoản của bà Hiệp để bà Hiệp trả nợ ngân hàng và giá trị này sẽ được thể hiện trên hợp đồng mua bán, phần còn lại bà Hiệp sẽ nhận bằng tiền mặt.

Trước đó, từ 2005 - 2008, bà Hồ Thị Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH An Tây và Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp) thế chấp tổng diện tích 235.078m2 đất (trong đó có 10.298 m2 diện tích nhà xưởng) do bà Hiệp và bà Nguyễn Hiệp Hảo (con gái bà Hiệp) đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và diện tích nhà xưởng, máy móc thiết bị cùng phương tiện vận chuyển của Công ty An Tây cho Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn bằng 6 hợp đồng tín dụng để vay 72.110.000.000 đồng.

Tổng trị giá tài sản đảm bảo được ngân hàng định giá là 80.851.027.950, trong đó Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có trị giá 71.246.000.000 đồng gồm Giấy chứng nhận số T313553 diện tích 20.000m2 đất phi nông nghiệp, Giấy chứng nhận số T313552 diện tích 20.000m2 đất phi nông nghiệp, số Đ274108 diện tích 40.443 m2 đất nông nghiệp, số K770787 diện tích 77.161,7m2 đất nông nghiệp, số K770786 diện tích 76.704,4m2 đất nông nghiệp và máy móc là 9.605.027.950 đồng.

Đến 2008, hai công ty này mất khả năng chi trả khoản vay trên nên ngân hàng đưa vào danh sách nợ xấu và tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Ông Nguyễn Huy Hùng đã chỉ đạo ông Nguyễn Quang Lộc phụ trách thực hiện xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ (thời điểm tiến hành xử lý từ 2012 - 2015). Với phương thức xử lý là giao toàn bộ tài sản thế chấp cho bà Hiệp tự bán, có sự giám sát và đồng ý của ngân hàng.

Từ việc mất khả năng chi trả nợ vay cho ngân hàng đã dẫn đến việc mua bán tài sản thế chấp giữa bà Hiệp và ông Khanh. Việc mua bán này có sự đồng ý của đại diện Ngân hàng BIDV – Chi nhánh Tây Sài Gòn.

binh duong mua dat the chap ngan hang nguyen bi thu thi uy vuong vong lao ly
Sơ đồ ranh khu đất màu xanh ông Nguyễn Hồng Khanh mua.

Ra tòa lãnh án!

Từ nhu cầu mua đất canh tác, ông Nguyễn Hồng Khanh đã được môi giới giới thiệu mua đất là tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng của bà Hồ Thị Hiệp. Sau đó, ông Khanh bị bắt giam và đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương vào ngày 04/11 vừa qua. Tại phiên tòa, tội danh của ông Nguyễn Hồng Khanh được xác định là “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tội danh trên xuất phát từ việc mua đất thế chấp tại ngân hàng.

Việc xác định tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” khiến Luật sư phía ông Khanh cho rằng không đúng, vì đất mua hợp pháp và khi mua là thông qua môi giới và cả 3 bên trước khi giao dịch đều không quen biết nhau.

Trong giao dịch mua bán này, bà Hiệp là người chủ động rao bán tài sản đang thế chấp để trả nợ ngân hàng, ngân hàng là cơ quan quản lý tài sản thế chấp đồng ý cho bán tài sản để thu hồi nợ và ông Khanh là người đang có nhu cầu mua đất canh tác là tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng.

Việc mua bán tài sản thế chấp ngân hàng có sự đồng ý, thỏa thuận của đôi bên và đại diện ngân hàng, đơn vị quản lý tài sản thế chấp cho phép. Đồng thời, khi bà Hiệp chuyển nhượng tài sản là quyền sử dụng đất cho ông Khanh đều có văn bản, hợp đồng chuyển nhượng có công chứng theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư phía ông Khanh cho rằng trong kết luận điều tra và cáo trạng của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, tổng số tiền Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Tây Sài Gòn “bị thất thoát” khi xử lý tài sản thế chấp là 35.418.665.442 đồng để truy tố Nguyễn Hồng Khanh, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Quang Lộc về tội danh đã nêu là không đúng. Do việc thỏa thuận mua bán giữa bà Hiệp và ông Khanh là thỏa thuận tự nguyện, hành vi giao dịch dân sự đúng quy định, đồng thời có văn bản đồng ý của ngân hàng, nơi quản lý tài sản thế chấp. Cũng theo quan điểm của Luật sư, căn cứ điều 1, Nghị định 14, điều 3, Luật Quản lý tài sản công 2017, số tiền mà cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương cho rằng thất thoát cũng không phải tài sản Nhà nước.

“Hành vi của ông Nguyễn Hồng Khanh không phải là hành vi tội phạm mà chỉ là hành vi mua bán dân sự thông thường… hành vi thanh toán theo thỏa thuận của người mua và người bán là hành vi hợp pháp. Việc thanh toán tiền mặt hay qua tài khoản không thể là yếu tố cấu thành tội phạm. Việc ngân hàng bán tài sản để thu hồi nợ là việc giữa bà Hiệp và ngân hàng. Hành vi thỏa thuận giữa bà Hiệp với cán bộ ngân hàng cho phép bà Hiệp giữ lại một phần tài sản, ông Khanh không biết và không có nghĩa vụ liên quan”, Luật sư phía ông Khanh cho biết thêm.

binh duong mua dat the chap ngan hang nguyen bi thu thi uy vuong vong lao ly

Ngày đầu đưa ra xét xử, phiên tòa tạm hoãn vì phía Luật sư của ông Nguyễn Hồng Khanh đưa ra một số đề xuất như dịch bản Ủy thác pháp lý bằng tiếng Anh của bà Nguyễn Hiệp Hảo (đang sinh sống tại Mỹ), triệu tập thêm đại diện Công ty thẩm định giá và đại diện văn phòng công chứng để đảm bảo tính khách quan.

Phiên tòa mở lại ngày 9/12/2019.

Tâm Bút

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load