(Xây dựng) – Hướng tới Chào mừng 25 năm tái lập huyện Dĩ An (20/8/1999 – 20/8/2024), thành Phố Dĩ An (Bình Dương) tổ chức buổi tọa đàm “Dĩ An, 1/4 thế kỷ, khát vọng xây dựng và phát triển”. Nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố Dĩ An đã chia sẽ khó khăn từ những ngày đầu tái lập tới một thành phố năng động như hiện nay. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dĩ An (Bình Dương) cho biết: Từ một huyện nông nghiệp, sau 25 năm Dĩ An đã trở thành đô thị loại II hiện đại với tỷ lệ đô thị hóa khá cao.
Khách mời tại tòa đàm “Dĩ An, 1/4 thế kỷ, khát vọng xây dựng và phát triển”. |
Khát vọng cống hiến mãnh liệt
Là thế hệ lãnh đạo từ thời kỳ đầu tái lập, bà Nguyễn Thị Điền, nguyên Chủ tịch UBND huyện Dĩ An nhớ lại: Năm 1999, huyện Dĩ An được tái lập theo Nghị định số 58/NĐ-CP ngày 23/7/1999 của Chính phủ bao gồm thị trấn Dĩ An và 5 xã: Tân Đông Hiệp, Đông Hòa, Tân Bình, Bình An, An Bình.
Bà Nguyễn Thị Điền cho biết, tên “Dĩ An” có từ chế độ cũ là quận Dĩ An thuộc tỉnh Biên Hòa từ năm 1958, sau đó sáp nhập chia tách địa giới hành chính tên Dĩ An không còn được sử dụng. Khi tái lập huyện lấy lại tên Dĩ An, cán bộ nhân dân rất phấn khởi, có nhiều cảm xúc động lại. Dĩ An là nôi cách mạnh, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở nhà máy Toa xe Dĩ An. Sau kháng chiến Dĩ An nhập vào Thuận An để phát triển nhưng tên Dĩ An bị quên lãng.
Bà Nguyễn Thị Điền nhớ lại: “Là huyện thuần nông, lao động nông nghiệp vùng gò, lao động thủ công với ngành nghề buôn bán nhỏ, nên đời sống chưa có cơ hội phát triển. Khi tái lập thì khát vọng chưa từng có để xây dựng vùng đất Dĩ An ngày càng mãnh liệt. Cán bộ, chuyên viên làm việc không ngừng nghỉ, không chỉ 8 tiếng một ngày mà 13 tiếng hoặc suốt đêm để giải quyết công việc được nhanh nhất”.
Theo bà Nguyễn Thị Điền, những định hướng nền móng ban đầu là rất khó khăn với 40 nhân sự. Nhưng bằng sự đoàn kết thống nhất vượt qua khó khăn, Dĩ An đã đề ra mục tiêu trước mắt, lâu dài, giải pháp thực hiện cụ thể rõ ràng. Trước mắt giải quyết nguồn nhân lực, thu hút nhân tài bằng cách mời gọi nhân tài từ các địa phương, trường đại học. Bên cạnh đó là mời các doanh nghiệp về Dĩ An nghe Dĩ An đang có gì, Dĩ An cần gì và nhận được sự ủng hộ tích cực từ các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đăng ký ủng hộ thực hiện cùng góp sức với Dĩ An từ trang bị trang thiết bị, phương tiện như xe rác, xe cứu thương, rồi tặng nhà tình nghĩa, làm nước sạch cho trường học, nhà vệ sinh cho trường học… Giải quyết khó khăn tiếp theo là làm đường giao thông, xóa đồng hồ tổng với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo các phong trào thi đua hăng hái trên khắp địa bàn huyện.
Một góc thành phố Dĩ An hiện nay. |
Đồng thời, kế hoạch lâu dài là hoạch định chính sách thông qua các quy hoạch nhờ đó có định hướng phát triển ổn định. Bà Nguyễn Thị Điền tâm đắc về tổ chức bộ máy với một mục tiêu duy nhất, thống nhất đoàn kết nỗ lực để hoàn thành công việc từ các ban Đảng tới các xã cùng hợp lực.
“Tôi luôn tin vào cộng sự, nếu sai sót sẵn sàng hỗ trợ bởi đội ngũ giúp việc thật thà chu đáo và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ. Điển hình là công tác giải tỏa chợ Dĩ An trong thời gian 55 ngày đêm, mà không nghĩ là sẽ làm được”, bà Nguyễn Thị Điền xúc động.
Cũng là thế hệ cán bộ trưởng thành từ những ngày đầu tái lập Dĩ An, bà Nguyễn Thị Thu Trang – nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy Dĩ An nhớ lại thời kỳ đầu khó khăn khi chia tách từ huyện Thuận An với phòng làm việc chưa tới 30m2 cho 10 người làm việc.
“Khí thế làm việc thời đấy chỉ bằng tinh thần đến khi kết thúc công việc, có khi buổi chiều còn ăn tạm bánh mỳ để tiếp tục làm việc tới 22h. Ai trống việc thì vào làm cho hết công việc chứ không nề hà là việc của ai. Động lực để cống hiến là tuổi trẻ, niềm tin, bởi khi đó tôi mới 25 tuổi với khát vọng cùng với tình yêu quê hương là công dân Dĩ An nên khắc phục khó khăn vươn lên. Đặc biệt là niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước”, bà Nguyễn Thị Thu Trang Trang nói.
Hướng tới đô thị sáng xanh sạch đẹp
Là doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, ông Lê Như Thạch, Chủ tịch HĐQT Công ty Bcons cho biết: 80% tài sản của Bcons đầu tư ở Dĩ An với 12.000 căn hộ và trường học. Sắp tới thêm khoảng 20.000 căn hộ đang tiếp tục đầu tư.
Ông Lê Như Thạch nêu lý do chọn Dĩ An để phát triển là do Dĩ An có nhiều lợi thế, như vị trí là trung tâm của Đông Nam bộ với 2 tuyến Quốc lộ 1A và 1K tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai. Bên cạnh đó Dĩ An cũng có 4.000 Tiến sỹ của trường Đại học Quốc gia ngay trên địa bàn mà không phải nơi nào có được, chưa kể hàng ngàn sinh viên ra trường mỗi năm.
Tự hào về Dĩ An là cái nôi cách mạng nên khi đầu tư lãnh đạo rất cởi mở tìm cách hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện cho đúng quy định pháp luật. Đồng thời, doanh nghiệp đầu tư tới đâu, đường giao thông mở tới đó nên doanh nghiệp rất thuận lợi trong đầu tư.
Đường giao thông được đánh giá đẹp nhất Dĩ An kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh mới được đầu tư xây dựng. |
Ông Lê Như Thạch mong muốn có trung tâm giao thương để tạo môi trường tốt thu hút nhân tài như các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại và kêu gọi “đại bàng về làm tổ” để thu hút nhân tài từ Đại học Quốc gia.
Theo ông Phạm Văn Bảy, với quyết tâm chính trị cao của đảng bộ chính quyền sự đồng hành chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp để tạo nên kỳ tích, biến huyện Dĩ An từ thuần nông còn thiếu, còn yếu về nhiều thứ để trở thành thành phố đô thị loại II văn minh hiện đại thân thiện nghĩa tình. Hướng tới đô thị loại I - Thành phố thông minh và đáng sống, ngày càng nâng cao đời sống vật chất tinh thần toàn diện của nhân dân.
“Kết quả đạt được trong suốt 25 năm qua là đáng trân trọng và tự hào. Là kết quả của sự năng động sáng tạo đầy ý chí, tâm huyết, tình cảm, tấm lòng, trí tuệ mồ hôi nước mắt, công sức của toàn Đảng, toàn dân thành phố, các bậc lãnh đạo tiền bối qua các thời kỳ. Kết quả đạt được 25 năm qua cũng là sự minh chứng cho quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng linh hoạt sáng tạo phù hợp từng thời kỳ, đặc điểm cụ thể của địa phương để có sự phát triển liên tục vững chắc rõ nét của một thành phố đô thị như hôm nay”, ông Phạm Văn Bảy nhấn mạnh.
Theo ông Phạm Văn Bảy, khát vọng Dĩ An trong tương lai là phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành cơ bản tiêu chí đô thị loại I, phát triển thương mại dịch vụ, đời sống người dân được nâng cao trọn vẹ, an toàn, nhà đầu tư an tâm an toàn.
“Cố gắng xây dựng đô thị văn minh thành phố đáng sống, thân thiện, nghĩa tình thông minh, để phát triển toàn diện, hoàn mỹ. Đến năm 2030 là đô thị sáng – xanh - sạch – đẹp, phải là nơi phục vụ tốt nhất cho đời sống người dân”, ông Phạm Văn Bảy nêu quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền thành phố.
Cao Cường
Theo