(Xây dựng) – Với mục tiêu hoàn thành sớm tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông hàng trăm sỹ quan, kỹ sư, công nhân của Binh đoàn 12 – Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đang ngày đêm bám công trường, cả khi Tết đang gõ cửa rất gần.
Binh đoàn 12 thi công trên cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang. |
Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng, giai đoạn 1, dài hơn 188km, có tổng mức đầu tư trên 44.600 tỷ đồng. Mặc dù khó khăn liên quan đến công tác GPMB, cấp mỏ vật liệu... song, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đang nỗ lực tận dụng nguồn lực, công địa đã được bàn giao để tăng tốc các hạng mục chính, luỹ tiến sản lượng trước mùa mưa bão.
Tại cao tốc thành phần Cần Thơ - Hậu Giang do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận quản lý, với diện tích công địa được bàn giao lớn, các nhà thầu liên tục mở rộng mũi thi công. Thống kê trên toàn tuyến các dự án, các nhà thầu đã huy động tổng số thiết bị máy móc các loại, gần 12.800 nhân sự thi công, hơn 330 tư vấn giám sát, tổ chức 567 mũi thi công, gồm: 278 mũi thi công cầu, 279 mũi thi công đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến. Chủ yếu hiện nay các đơn vị thi công tập trung thi công cầu, đào, móc hữu cơ, phát quang phần trục tuyến đường.
Nhân lực và thiết bị tập trung chờ nguyên liệu đắp nền. |
Xác định năm 2024 có vai trò rất quan trọng, mang tính quyết định để cao tốc hoàn thành trong năm 2025, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã đề nghị liên danh tư vấn giám sát và các nhà thầu tổ chức phát động thi đua “Xuân trên công trường”.
Với mục tiêu hoàn thành sớm tuyến cao tốc hàng trăm sỹ quan, kỹ sư, công nhân của Binh đoàn 12 đang ngày đêm bám công trường, cả khi Tết đang gõ cửa rất gần. Đại tá Trần Hải Bắc - Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn cho biết: Binh đoàn 12 đã triển khai thi công xuyên Tết Dương lịch 2024 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn sẽ tăng cường tổ chức thi công “ba ca bốn kíp” để bù đắp khối lượng, sản lượng đã chậm của năm 2023. Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã huy động đầy đủ nhân lực trên 500 người, tăng cường thiết bị thi công, tranh thủ tối đa điều kiện thời tiết mùa khô, tổ chức thi công tăng ca tất cả các mũi. Tại tuyến cao tốc này Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận 47km, nếu bảm đảm nguồn cát đắp thì không có khó khăn gì về yêu cầu tiến độ.
Lãnh đạo Binh đoàn 12 kiểm tra đôn đốc tiến độ của dự án |
Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay tại 2 dự án thành phần này đang thiếu hụt nguồn cát, đất đắp nền đường, các đơn vị đã huy động thiết bị và mong muốn sớm được tháo gỡ khó khăn về nguồn mỏ nguyên liệu. Do đoạn này chủ yếu đi qua nền đất yếu, phải xử lý nền đường và gia tải chờ lún. Nếu các địa phương không đẩy nhanh các thủ tục khai thác, cung cấp vật liệu cho dự án, bảo đảm cho các nhà thầu hoàn thành đắp nền đường trước tháng 6/2024, hoàn thành công trình tháng 10/2025 tiến độ dự án khó đảm bảo do phải chờ lún trong thời gian từ 12 - 16 tháng.
Để bảo đảm bù đắp tiến độ trong thời gian vừa qua, tại cuộc họp với các đơn vị tham gia trên tuyến cao tốc, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12 đã khẳng định quyết tâm của Bộ đội Trường Sơn: “Dù có khó khăn đến đâu cũng sẽ quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ của chủ đầu tư”.
Công trường sẽ thi công xuyên Tết Nguyên đán để bảo đảm tiến độ chung |
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ triển khai thi công tăng tốc trong năm 2024, cụ thể: Triển khai thi công đồng loạt 100% số lượng cầu, hoàn thành 50% số lượng cầu đến bê tông bản mặt cầu trước ngày 30/6/2024; hoàn thành số lượng cầu còn lại đến bê tông bản mặt cầu trước cuối năm 2024. Đường công vụ và cầu tạm phải hoàn thành 100% khối lượng trong tháng 1/2024. Huy động 100% vật liệu cấp phối đá dăm về công trường. Hoàn thành 100% cọc xi măng đất, xử lý nền đất yếu và triển khai xong đắp gia tải đối với tuyến cao tốc.
Lãnh đạo Binh đoàn tặng quà động viên cán bộ công nhân trên công trường trước Tết nguyên đán. |
Ban quản lý Mỹ Thuận cho biết: Sản lượng năm 2024 của hai dự án thành phần phải đạt trên 9.000 tỷ đồng, trong đó đoạn Cần Thơ - Hậu Giang phấn đấu đạt khoảng 4.000 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau phấn đấu đạt khoảng 5.000 tỷ đồng.
Năm 2023, trước những khó khăn về nguồn vật liệu Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội đề nghị UBND các tỉnh, thành phố ưu tiên giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, mặt bằng thi công để các dự án đảm bảo yêu cầu tiến độ. Đến nay, các khó khăn của dự án đã cơ bản được tháo gỡ, cụ thể, về vật liệu, các tỉnh An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp đã giới thiệu các mỏ cát cho dự án, với trữ lượng đạt khoảng 16 triệu m3. Đồng thời, tích cực hoàn thiện các thủ tục để khai thác khoảng hơn 6 triệu m3 và các nhà thầu đã khai thác, tiếp nhận được hơn 1,5 triệu m3 về công trường.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc - Tư lệnh Binh đoàn 12 cùng các lãnh đạo Binh đoàn thường xuyên có mặt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. |
Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhận gói thầu dài tới 21km và số lượng cát đắp nền cần khoảng 3,6 triệu m3. Mới đây mỏ cát được tỉnh Đồng Tháp bàn giao theo cơ chế đặc thù có diện tích 24,23ha đã được Tổng Công ty phối hợp với 84 sà lan vận hành liên tục để có cát về công trường nhằm đáp ứng tiến độ theo kế hoạch của chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban điều hành, với số lượng cát được đưa về công trường mỗi ngày đáp ứng được 70% nhu cầu cát đắp nền cho gói thầu do đơn vị phụ trách thi công. Đây cũng là vấn đề khó khăn nhất cần sự chung tay tháo gỡ của các cơ quan quản lý và địa phương nơi có công trình đi qua.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.523 tỷ đồng. Dự án được phân thành hai dự án thành phần. Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km. Tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng. Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng. |
Lê Mỹ - Xuân Trường
Theo