Thứ sáu 13/12/2024 23:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bình Định: Nhiều hộ gia đình chính sách buộc sửa nhà “tự cứu mình” trước khi có chính sách hỗ trợ

19:39 | 13/12/2024

(Xây dựng) – Trên địa bàn tỉnh Bình Định hiện có trên 4.700 hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sỹ có khó khăn về nhà ở, cần phải sửa chữa, xây mới. Mặc dù, Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở đối với người có công, tuy nhiên, việc ban hành quyết định chậm đã khiến nhiều hộ gia đình chính sách gặp không ít khó khăn.

Bình Định: Nhiều hộ gia đình chính sách buộc sửa nhà “tự cứu mình” trước khi có chính sách hỗ trợ
Tỉnh Bình Định quyết tâm hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho người có công.

Thời gian qua, hàng nghìn gia đình người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh phấn khởi khi có chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, gia đình, thân nhân liệt sỹ. Ngỡ tưởng sẽ sớm được sửa chữa, xây mới từ nguồn chính sách hỗ trợ của Chính phủ, thế nhưng, đã nhiều năm trôi qua, người dân vẫn phải mòn mỏi, chờ đợi trong những căn nhà đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Nhiều gia đình mặc dù nằm trong danh sách hỗ trợ nhưng vì không thể chờ đợi được chính sách đã phải vay mượn để sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa với hy vọng “xây trước, nhận tiền hỗ trợ sau”. Vậy nhưng, những hộ gia đình này hiện đang phải đứng trước nguy cơ không được hỗ trợ do xây dựng, sửa chữa trước thời điểm ban hành quyết định.

Mòn mỏi chờ chính sách

Tại Kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh khóa XIII diễn ra mới đây, trả lời vấn đề này, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Cách đây hơn 10 năm, ngày 26/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở (giai đoạn từ 2013 – 2017). Nhằm khắc phục được tình trạng nhà tạm bợ không đảm bảo các chỉ tiêu 3 cứng cho các gia đình chính sách này, Bình Định cũng đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Chính phủ và Bộ Xây dựng. Theo kế hoạch, chính sách này được thực hiện đến năm 2017, tuy nhiên, tại thời điểm đó các địa phương không giải ngân được (do đây là nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ) cho nên Chính phủ có Nghị quyết gia hạn đến ngày 31/12/2019 (gọi tắt giai đoạn 1).

Đến năm 2020, UBTVQH tiếp tục ban hành Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 về ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh này có nội dung quy định ngoài các chính sách ưu đãi người có công, còn có chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công để xây dựng lại nhà ở đã xuống cấp. Như vậy, đối với những hộ gia đình chính sách trước đây không nằm trong giai đoạn 1, nhưng nhà cửa bây giờ xuống cấp thì sẽ tiếp tục được hỗ trợ.

Bình Định: Nhiều hộ gia đình chính sách buộc sửa nhà “tự cứu mình” trước khi có chính sách hỗ trợ
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Trần Viết Bảo, “việc bà con xây dựng, sửa chữa nhà trước là do chính sách ban hành chậm chứ không phải lỗi của bà con”.

Đến tháng 12/2021, Chính phủ mới ban hành Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có quy định trách nhiệm của Bộ Xây dựng là phải đề xuất mức hỗ trợ và nguồn kinh phí để thực hiện nội dung này. Pháp lệnh cũng quy định, người có công sẽ được ngân sách Trung ương hỗ trợ về sửa chữa, xây mới nhà ở. Tuy nhiên, từ đó đến nay thì chủ trương này chưa được Chính phủ ban hành mức cũng như nguồn vốn.

Do đó, quá trình chấm dứt năm 2019 đến nay, bà con vẫn mỏi mỏi mong chờ chính sách để sửa chữa lại nhà cửa. “Pháp lệnh có rồi, Nghị định năm 2021 đã ban hành rồi, tuy nhiên Chính phủ chưa ban hành được quy định nên địa phương vẫn gặp khó chưa triển khai được”, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay.

Đến tháng 11/2024 vừa qua, Chính phủ mới ban hành Quyết định 21/2024/QĐ-TTg quyết định về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 – 2025 với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà ở; 60 triệu đồng/hộ đối với trường hợp xây mới nhà ở.

Tuy nhiên, vì chờ đợi quá lâu nên số liệu về đối tượng được hỗ trợ cũng có sự thay đổi. Theo thống kê, trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh có trên 5.000 hộ chính sách cần hỗ trợ, tuy nhiên, đến năm 2023 danh sách này chỉ còn lại 4.706 hộ nguyên nhân do bà con chờ đợi quá lâu nên đã tiến hành sửa chữa trước.

Cố gắng không để đối tượng hưởng chính sách bị thiệt thòi

Chia sẻ với các đại biểu tại kỳ họp HĐND, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng cho hay: Hiện tại, nhà ở tại nông thôn nói chung, nhà ở của bà con gia đình chính sách nói riêng hầu như là nhà đơn sơ, tuổi thọ khoảng 20 năm. Sau thời gian chưa có điều kiện cải tạo sẽ tiếp tục hư hỏng. Chính vì vậy, trong đợt này các cơ quan chức năng sẽ rà soát lại, ngoài các đối tượng được các chính sách khác hỗ trợ, thì đợt này sẽ rà soát lại hết.

Bình Định: Nhiều hộ gia đình chính sách buộc sửa nhà “tự cứu mình” trước khi có chính sách hỗ trợ
Trên địa bàn tỉnh còn hơn 4.700 gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở.

“Tinh thần chúng tôi rất ủng hộ bà con, việc này do chính sách ban hành chậm chứ không phải lỗi của bà con, nên quan điểm của ngành vẫn muốn lãnh đạo tỉnh trên cơ sở rà soát số liệu, báo cáo xin ý kiến của Trung ương, bởi theo thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ là không hồi tố đối với các trường hợp đã xây dựng, như vậy bà con rất bị thiệt thòi. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tham mưu với tỉnh để có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này”, Giám đốc Sở xây dựng kiến nghị.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương giao cho Sở Xây dựng thực hiện đề án hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở đối với người có công, gia đình chính sách theo tinh thần "tạm ứng ngân sách, sau đó Trung ương cấp thì sẽ hoàn trả". Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng ý phương án này. Theo Bộ Tài chính, nếu địa phương nào thực hiện thì địa phương đó phải chấp nhận sự hỗ trợ này từ ngân sách của tỉnh.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load