Chủ nhật 22/12/2024 13:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Bình Định: Du lịch xanh nơi cánh rừng trang suối Tà Má

08:49 | 19/03/2024

(Xây dựng) - Những năm trở lại đây, suối Tà Má huyện miền núi Vĩnh Thạnh trở thành điểm du lịch xanh mới của tỉnh Bình Định. Suối Tà Má mang vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ đang được đánh thức, thắp sáng tiềm năng du lịch.

Bình Định: Du lịch xanh nơi cánh rừng trang suối Tà Má
Du khách đến suối Tà Má chụp ảnh lưu niệm với sắc cảnh của hoa trang rừng.

Suối Tà Má thuộc thôn Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp, cách trung tâm huyện miền núi Vĩnh Thạnh khoảng 7km, nơi đây chủ yếu là người đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống, bởi vậy suối Tà Má được bà con gìn giữ từ bao đời nay.

Về thăm làng Hà Ri những ngày này, chúng tôi ghi nhận có nhiều đoàn khách tham quan khu vực suối Tà Má để ngắm cảnh sắc hoa trang rừng nở, chụp lại những tấm ảnh bên người thân làm kỷ niệm và thưởng thức ẩm thực của người dân bản địa nơi đây.

Nét mới tại suối Tà Má năm nay, người dân làm thêm các cầu tre, nhà sàn để du khách đi lại thuận tiện, có chỗ nghỉ ngơi thư giãn và tạo các điểm nhấn, tiểu cảnh phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh.

Trở lại lần này, chúng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi vẻ đẹp rực rỡ của hoa trang vào mùa nở rộ với những sắc màu vàng cam, đỏ phủ kín lên những tán cây, tạo nên khung cảnh thơ mộng, tuyệt đẹp.

Bình Định: Du lịch xanh nơi cánh rừng trang suối Tà Má
Vẻ đẹp rực rỡ của hoa trang vào mùa nở rộ với những sắc màu vàng cam, đỏ.

Qua trò chuyện với người dân địa phương, chúng tôi được biết, rừng hoa trang nước nơi đây đã có từ rất lâu. Hoa trang rừng hay còn gọi là hoa trang nước, mọc tự nhiên hai bên bờ suối, mọc theo chùm và trải đều khắp tán cây, màu sắc vàng cam hoặc đỏ. Khoảng vào tháng 3 hằng năm, cây nở hoa nhưng chưa bao giờ nở rộ đều và đẹp như năm nay.

Tham quan suối Tà Má ngắm hoa trang, bà Nguyễn Thị Minh Hoa (58 tuổi), ở thị trấn Vĩnh Thạnh chia sẻ: Tôi cùng với nhóm bạn thân đến suối Tà Má vui chơi, trải nghiệm sau những ngày làm việc mệt nhọc, vừa được ngắm hoa trang rừng nở, vừa được tận hưởng không khí trong lành. Đến đây, tôi có cảm giác như mình hòa vào thiên nhiên tươi đẹp và thơ mộng trong tán rừng hoa trang.

Cùng đó, bà Trần Thị Thanh Vương (46 tuổi), ở xã Vĩnh Hiệp vui vẻ nói: Khoảng 3 năm trở lại đây, cây trang rừng bên suối Tà Má bắt đầu nở rực đã thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan, chụp ảnh. Từ đó đến nay, cứ sau Tết Nguyên đán là hoa trang lại nở, người dân và du khách đến suối chụp ảnh, tắm suối và vui chơi.

Ông Nguyễn Văn Tư - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp cho biết: Suối Tà Má có hàng trăm gốc trang rừng, mọc hai bên dài khoảng 1km. Dọc hai bên suối Tà Má có rất nhiều cây trang rừng nở hoa, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp thu hút rất nhiều du khách đến đây tham quan, trải nghiệm. Để khai thác tiềm năng du lịch nơi đây, chính quyền địa phương có đề xuất trình lên UBND huyện Vĩnh Thạnh với mong muốn quy hoạch phát triển nơi đây trở thành điểm du lịch cộng đồng trong thời gian tới. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bình Định: Du lịch xanh nơi cánh rừng trang suối Tà Má
Người dân làm thêm các cầu tre, nhà sàn để du khách đi lại thuận tiện, có chỗ nghỉ ngơi thư giãn.

Được biết, trong xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Vĩnh Thạnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, suối Tà Má được đánh giá có nhiều lợi thế trở thành điểm du lịch đẹp và nổi tiếng, với cảnh quan thiên nhiên đặc sắc kết hợp văn hóa bản địa của đồng bào Ba Na. Bởi vậy, thời gian qua, khu vực suối Tà Má được biết đến như một điểm du lịch xanh mới của tỉnh Bình Định. Để tạo điều kiện phục vụ đi lại cho dân sinh, đồng thời kết nối vào khu du lịch suối Tà Má, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt đầu tư xây dựng đường vào suối Tà Má.

Ông Tô Tấn Thi - Giám đốc Ban Quản lý dự án Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: Con đường vào điểm du lịch suối Tà Má được chính thức xây dựng năm 2022, với kinh phí đầu tư 8 tỷ đồng, có chiều dài khoảng 2,6km và bề rộng nền đường 6,5m (điểm đầu giáp với tuyến đường ĐH.31 tại Km10+100 thuộc thôn Hà Ri, điểm cuối tuyến giáp với suối Tà Má). Bắt đầu từ ngày triển khai xây dựng, đồng bào Ba Na tại Hà Ri luôn đồng thuận chủ trương cũng như nhiệt tình ủng hộ, vì thế công tác giải phóng mặt mới diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng.

Mỹ Bình

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load