Thứ tư 13/11/2024 18:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

BIM và giải pháp công nghệ mới

22:55 | 16/10/2020

(Xây dựng) - Là một hoạt động nằm trong Chương trình Đại hội đại biểu lần thứ VI Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VECAS), ngày 15/10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “BIM và giải pháp công nghệ mới”. Hội thảo thu hút sự quan tâm đông đảo của giới chuyên môn.

bim va giai phap cong nghe moi
Bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch VECAS kỳ vọng: BIM sớm được ứng dụng phổ biến như ISO.

BIM đang được ứng dụng như thế nào?

BIM (Building Information Modeling, mô hình thông tin công trình) là việc sử dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi các thông tin của công trình sang thông tin số thể hiện dưới mạng mô hình không gian phục vụ quá trình thiết kế, thi công và quản lý vận hành, khai thác sử dụng công trình.

Do những lợi ích thiết thực mà BIM mang lại, hiện BIM được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, BIM cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Xây dựng.

Ghi nhận trên thực tế, việc ứng dụng BIM vẫn đang có những thuận lợi và khó khăn nhất định.

Chia sẻ triển khai ứng dụng BIM tại dự án Nhà Quốc hội Lào, ông Trần Mạnh Long - Giám đốc Văn phòng Kiến trúc 3, Tổng Công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC) cho biết: Nhà Quốc hội Lào do VNCC và Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam thiết kế.

Ngay từ đầu, các bên tham gia dự án gồm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn và các nhà thầu cùng thống nhất mục tiêu, các yêu cầu, tiến trình thực hiện BIM.

Dự án xác định và phân loại các ứng dụng BIM theo mức độ ưu tiên. Theo đó, dự án bắt buộc sử dụng các ứng dụng ưu tiên cao như Design Authoring (xuất bản hồ sơ), Design review (kiểm tra phương án thiết kế), 3D Coordination (phối hợp thiết kế 3D, xử lý xung đột), Quantily takeoff (xuất khối lượng phục vụ dự toán), Construction Simulation (mô phỏng thi công), Handover and Buidinding Management (thông tin thiết bị bàn giao và phục vụ bảo hành bảo trì).

Trong khi các ứng dụng có mức độ ưu tiên trung bình, hay mức độ ưu tiên thấp chỉ được áp dụng nếu có sự chấp thuận của nhóm dự án hoặc chủ đầu tư.

Các bên phối hợp thực hiện ứng dụng BIM trong thiết kế; trao đổi thông tin và dữ liệu; cấu trúc thư mục đề xuất; kiểm soát chất lượng và kiểm soát xung đột… tại dự án.

Lấy ví dụ về hiệu quả khi sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung, ông Long cho biết: Ngay từ đầu, chủ đầu tư và tư vấn thiết kế đã liệt kê, mã hóa và dãn mã QR lên thiết bị. Trong tương lai, bất cứ đơn vị vận hành nào, không cần hồ sơ, chỉ cần thiết bị quét mã QR có thể nhận diện được thiết bị thuộc bộ phận nào, nhà thầu nào cung cấp, đơn vị nào chịu trách nhiệm bảo hành, bảo trì, tuổi thọ thiết bị bao nhiêu, từ đó chủ động tiến hành quản lý vận hành thiết bị. Quá trình bàn giao thiết bị cũng nhờ có cơ sở dữ liệu dùng chung mà trơn chu, không thủ công như trước nữa.

Một tiện lợi khác của các ứng dụng BIM là cho phép tự động nhận diện các phiên bản khác nhau, giúp các chủ thể dễ dàng quản lý sự thay đổi của dự án. Họ có thể biết là trong một mặt bằng hoặc một mặt đứng có bao nhiêu bản vẽ, bao nhiêu lần thay đổi, thậm chí có thể truy cập ngược lại tất cả các phiên bản trước đó để so sánh, thấy được sự thay đổi của công nghệ, sự tiến triển công việc, cũng như triển khai các bước tiếp theo phù hợp với tiến độ chung…

Trong công tác xuất khối lượng, ứng dụng của BIM cho phép bóc tách khối lượng một cách chính xác, dễ dàng điều chỉnh khối lượng khi thiết kế thay đổi, tiết kiệm thời gian bóc tách khối lượng, lưu trữ thông tin chủ động… Đặc biệt, ứng dụng BIM rất thuận lợi trong quá trình giám sát tác giả.

Ông Trần Mạnh Long nhận định: Việc ứng dụng BIM tại dự án Nhà Quốc hội Lào hiệu quả bởi có định hướng nhất quán cũng như sự ủng hộ của các bên tham gia dự án. Bản thân các bên đều có các chuyên gia giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao, có hiểu biết và năng lực ứng dụng BIM…

Tương tự, trụ sở Viettel tại Hà Nội cũng là một công trình ứng dụng BIM trong quá trình triển khai dự án. Ông Nguyễn Lê Hà - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trụ sở Viettel cho biết: Tại dự án đã áp dụng một số ứng dụng BIM. Đó là Design review, 3D Coordination; Shop Drawing (triển khai và xuất bản vẽ chi tiết thi công sau phối hợp trực tiếp trên phần mềm Revit); Asset/Space Management trong thu thập thông tin tài sản và không gian theo chuẩn COBIE (tiêu chuẩn quốc tế về việc quản lý thông tin tài sản)…

Dự án đồng thời ứng dụng Facility Management trong quy trình cập nhật và nghiệm thu dữ liệu phục vụ quản lý vận hành; QR code mã tài sản; BIM 360 docs (CDE) cho giải pháp quản lý thông tin và dữ liệu tập trung (online hosting)…

Tuy nhiên, dự án cũng gặp không ít khó khăn trong triển khai ứng dụng BIM. Đó là trình độ áp dụng BIM của các bên tham gia dự án chênh lệch nhau nhiều, thậm chí một số đơn vị lần đầu tiên sử dụng các công cụ phối hợp như BIM 360 docs, BIM glue. Thậm chí, tư vấn giám sát ban đầu không tin tưởng và không chấp nhận nghiệm thu dựa trên mô hình 3D cũng như hồ sơ trên 360 Docs.

Ông Hà cũng chỉ ra những vấn đề liên quan đến bản thân các ứng dụng của BIM như Design review, BIM 360 Docs… Đơn cử như mô hình thiết kế không đủ mức độ chi tiết để thi công.

Đề xuất nhằm thúc đẩy ứng dụng BIM

Từ thực tế nói trên, giới chuyên môn đề xuất phát hành giao thức BIM (Protocol) chính thức cho Việt Nam, kèm theo đó là các hướng dẫn tạn thời và phát triển đầy đủ thành tiêu chuẩn BIM quốc gia; triển khai đào tạo BIM trong chương trình giáo dục đại học; hoàn thiện cơ chế pháp lý, đào tạo, cấp chứng chỉ BIM cho BIM manager, BIM coordinater; đẩy mạnh áp dụng BIM kết hợp với các giải pháp công trình xanh, tối ưu hóa thiết kế; nghiên cứu BIM trong vận hành, quản lý tài sản.

Là một đại diện của Bộ Xây dựng, ông Tạ Ngọc Bình (Tổ chuyên gia, Ban Chỉ đạo Đề án Áp dụng mô hình thông tin công trình trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình, gọi tắt là Đề án BIM) cho biết: Triển khai Đề án, thời gian qua, Bộ Xây dựng tập trung vào 3 nội dung.

Thứ nhất là nâng cao nhận thức. Đề án chú trọng nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (nhà đầu tư, tư vấn, nhà thầu) áp dụng BIM thông qua các kênh truyền thông, chương trình hội thảo, sự kiện đào tạo.

Bộ đã hoàn thành soạn thảo và ban hành khung các tài liệu hướng dẫn, gồm: Tiêu chuẩn ISO 19650, hướng dẫn chung, hướng dẫn tạm thời; hướng dẫn chi tiết áp dụng BIM cho công trình hạ tầng kỹ thuật và áp dụng BIM cho công trình dân dụng; các tài liệu như kế hoạch thực hiện BIM (BEP), hồ sơ yêu cầu thông tin (EIR)…

Thứ hai, trong công tác xây dựng năng lực, Bộ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các đối tượng nhằm bảo đảm việc áp dụng BIM rộng rãi.

Các đối tượng chính gồm nhà quản lý cao cấp trong cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư; Các đầu mối phụ trách về BIM trong Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, quản lý dự án; cán bộ của các đơn vị tư vấn và nhà thầu…

Ngoài ra, Đề án BIM cũng hỗ trợ ứng dụng BIM tại các công trình áp dụng thí điểm, tổ chức giám sát, đánh giá việc thực hiện BIM. Mới đây nhất, một số nội dung liên quan đến BIM đã được đưa vào kế hoạch chuyển đổi số ngành Xây dựng.

Thứ ba, Bộ Xây dựng chú trọng xây dựng hành lang pháp lý để thúc đẩy áp dụng BIM. Cụ thể là đưa BIM vào hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan.

Đơn cử, trong nghị định về quản lý dự án, Bộ Xây dựng đề xuất nội dung “Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, dự án nhóm A có công trình cấp I trở lên sử dụng vốn công, người quyết định đầu tư, chủ đầu tư quyết định nội dung, mức độ áp dụng BIM”.

Đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công còn lại, các dự án sử dụng vốn nước ngoài đầu tư công, vốn PPP và vốn khác, khuyến khích áp dụng BIM.

Tương tự, trong Nghị định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, đề xuất nội dung “Tập tin mô hình thông tin công trình là một thành phần trong hồ sơ thiết kế xây dựng, hồ sơ hoàn thành công trình”.

Kỳ vọng BIM sẽ được ứng dụng phổ biến rộng rãi

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã chia sẻ một nội dung chuyên sâu như “Mô hình kỹ thuật số song sinh Digital twin – xu hướng mới trong xây dựng”, “BIM với kiến trúc phức tạp”…

bim va giai phap cong nghe moi
Hội thảo thu hút sự quan tâm của giới làm nghề.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Duyên - Chủ tịch VECAS, những tham luận tại hội thảo đều là những nội dung hữu ích mà các kỹ sư, kiến trúc sư, thành viên của Hiệp hội quan tâm.

Việc ứng dụng BIM từ chỗ chủ yếu được thực hiện tại một số dự án có yếu tố nước ngoài, đến nay nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, bao gồm chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp… đã quan tâm, xem xét, triển khai BIM trong các dự án.

Bước đầu cho thấy, ứng dụng BIM đã giúp các chủ thể tham gia dự án rút ngắn tiến độ thi công, tiết kiệm chi phí, kiểm soát chặt chẽ khối lượng thực hiện...

Thông quan việc chia sẻ những kinh nghiệm và hiệu quả của việc ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng, VECAS mong muốn góp một tiếng nói để các cơ quan quản lý nhà nước thúc đẩy lộ trình phát triển BIM tại Việt Nam, có chính sách khuyến khích cho những đơn vị ứng dụng BIM trong hoạt động xây dựng.

Chủ tịch VECAS cho rằng: BIM vừa là xu thế, vừa là nhu cầu ứng dụng lớn đối với các kiến trúc sư, kỹ sư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu… Bộ Xây dựng, Ban chỉ đạo cần hỗ trợ giới làm nghề trong giai đoạn đầu tiên, làm sao để 5 – 10 năm nữa, BIM sẽ được ứng dụng phổ biến như ISO. Khi đó, các nhà tư vấn, nhà thầu Việt Nam đủ sức làm được các công trình mà Chính phủ, Bộ Xây dựng kỳ vọng.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load