Thứ bảy 05/10/2024 08:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

“Biến” di tích thành xưởng dệt may

11:12 | 21/07/2009


Di tích được đưa vào làm nơi sản xuất kinh doanh trong nhiều năm qua.

Nơi lưu giữ những tấm gương trung kiên

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại miền Nam, kẻ thù đã lập ra rất nhiều nhà lao để giam giữ những chiến sĩ cách mạng kiên trung như: Nhà lao Chí Hòa, Côn Đảo, Phú quốc, Tam Hiệp, Hội An, Kho Đạn, Đà Lạt… Trong số ấy chỉ có một nhà lao độc nhất là giam giữ những người tù chính trị vị thành niên đó là Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt nằm trên ngọn đồi Chi Lăng (nay thuộc P.9, TP Đà Lạt) được đế quốc Mỹ và chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng từ năm 1971 nhằm mục đích chia cắt các chiến sĩ nhỏ tuổi ra khỏi môi trường hoạt động và tầm ảnh hưởng của các thế hệ đàn anh trong các nhà tù của chế độ Mỹ - ngụy. Nơi đây đã từng giam giữ và tra tấn có lúc lên đến trên 600 thiếu niên yêu nước. Hầu hết các chiến sĩ thiếu nhi của nhà lao đều chỉ mới ở độ tuổi vị thành niên 11 - 15, trong đó có một số đã đến tuổi 16, 17.

Dù chỉ tồn tại trong thời gian 3 năm nhưng Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã trở thành nơi lưu dấu rất nhiều bằng chứng tội ác của đế quốc. Ngục tù này còn là chứng tích cho tinh thần bất khuất của những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi nhưng kiên trung vô hạn với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tháng 6/2009 nơi đây mới lần đầu tiên được Bộ VHTT&DL ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Tuy nhiên điều làm cho người dân Đà Lạt cũng như những người cựu tù năm xưa cảm thấy xót xa nhất là khu di tích này lại được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng (đơn vị chủ quản khu di tích) đem cho Cty TNHH Dệt may Rạng Đông thuê phần lớn không gian làm xưởng sản xuất áo len xuất khẩu. Số ít diện tích còn lại được đơn vị này dùng làm Bệnh xá Quân y (H32).

Đau lòng người trong cuộc

Nhắc đến Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, đồng chí Mai Thanh Minh (tức Mai Bốn), hiện đang là Phó giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng, một trong 6 chiến sĩ từng tự mổ bụng để phản đối sự đàn áp của bọn đế quốc ngụy quân, say sưa kể về những ngày tháng lịch sử khốc liệt trong nhà lao. Ông nói, đúng ra nơi đây từ lâu phải được đưa vào giữ gìn và có thể làm điểm dừng chân tham quan cho du khách thập phương khi đến Đà Lạt cũng như cho nhân dân tại địa phương này, chứ không thể là nơi để sản xuất kinh doanh được. Cũng theo ông, muốn khôi phục lại di tích này chẳng có gì khó ngoài sự đồng lòng quyết tâm của chính quyền và ngành chức năng địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 600 cựu tù thiếu nhi ngày ấy, hôm nay người còn người mất, nhưng tâm tư đều muốn khôi phục lại di tích in dấu một thời hào hùng này. Ông Đặng Ngọc Chúng ở P.9, TP Đà Lạt, một cựu tù nhà lao thiếu nhi năm xưa cũng trăn trở: “Hàng ngày đi về qua lại thấy nhà lao được dùng làm nơi sản xuất tôi thấy chạnh lòng quá. Mong muốn của tôi là ngành chức năng địa phương hãy đưa vào tu sửa lại nhà lao theo nguyên mẫu ngày xưa để làm nơi cho du khách cũng như người dân đến tham quan”.

Được biết, khi đề cập đến Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Phó Chủ tịch nước cũng tỏ rõ sự quan tâm: "Qua tìm hiểu kỹ các tài liệu và được các nhân chứng lịch sử chứng minh thực tế, tôi thấy chúng ta cần phải gìn giữ, tôn tạo, và phục dựng lại di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau, giới thiệu di tích với khách du lịch trong và ngoài nước, để họ hiểu thêm về cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam và cũng góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương".

Cách đây chưa đầy một năm, vào ngày 5/9/2008, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gặp mặt 30 cựu tù đại diện cho hơn 600 chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi từng bị giam tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (còn gọi là Trung tâm Giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt), tại đây, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định: "Quá trình hoạt động của các cựu tù thiếu nhi yêu nước đã toát lên mạnh mẽ tinh thần, ý chí kiên cường, gan dạ của tuổi trẻ trong cuộc kháng chiến ác liệt bảo vệ Tổ quốc, vì thế chúng ta nên giữ gìn, trân trọng tất cả những gì thuộc về quá khứ".

Không biết, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đến bao giờ mới thực hiện theo đúng những lời căn dặn của Chủ tịch. Chỉ biết khi khu di tích lịch sử này còn được sử dụng làm nơi sản xuất kinh doanh thì không ai lại không thấy chạnh lòng.

Minh Đức

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load