(Xây dựng) - Bệnh viện Bạch Mai - “Nhà thương” nơi trị bệnh cứu người có lịch sử trên 100 năm này, là bệnh viện tuyến Trung ương ra đời sớm nhất ở nước ta. Hiện niềm tự hào về nền tảng y tế vững chắc ở đây đang bị bào mòn, một bệnh viện lớn mà thiếu trang thiết bị y tế; nhà cửa xuống cấp trầm trọng, giường bệnh quá cũ … khiến dư luận lo ngại.
Cơ sở vật chất xuống cấp: Phòng bệnh nhân cải tạo, chắp vá. |
Nền tảng y tế lớn bị mòn mỏi
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh viện Bạch Mai đang gặp cơn “bĩ cực” rất khó khăn. Với diện tích 105.529,6m2, Bệnh viện Bạch Mai có trên 30 công trình lớn nhỏ, từ cấp I đến cấp IV, cao từ 1 - 21 tầng, một số hạng mục công trình được xây dựng từ thời Pháp (năm 1929). Trải qua hơn một thế kỷ, nhiều công trình đã xuống cấp, các tòa nhà chính lún, nứt, nấm mốc, hư hỏng; một số tòa nhà cứ mưa là thấm dột…
Trần nhà nấm mốc, các cửa phòng bệnh nhân được lẹp để sẵn sàng chắn ngăn nước ngập lụt khi trời mưa. |
Thậm chí khi mưa to, kéo dài, Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu lại biến thành “cái ao”. Cốt nền thấp nhưng không thể nâng cốt vì bị kịch trần nên bệnh viện làm tấm chắn ngăn không cho nước chảy vào các phòng, đồng thời đặt máy bơm để tiêu thoát nước.
Phóng viên có mặt tại Khoa khám bệnh, Bệnh nhân đến khám đông nghẹt người. Bác sỹ Đặng Hùng Minh - Phó trưởng Khoa Khám bệnh cho biết: Khoa Khám bệnh được xây dựng cách đây 30 năm, có 71 phòng khám, ngoài ra còn phòng xét nghiệm, chiếu chụp, siêu âm, nội soi… Mặc dù được sửa chữa thường xuyên nhưng hiện cơ sở vật chất đã xuống cấp, chật hẹp. Bệnh nhân đến khám quá đông, gây lên quá tải hạ tầng. Mỗi ngày, Khoa đón tiếp khoảng 4.000 bệnh nhân; nếu mỗi bệnh nhân có 1-2 người nhà đi cùng thì đón có khoảng 7.000 - 8.000 người/ngày, thời điểm đông khoảng 10.000 người/ngày.
Bệnh nhân lúc nào cũng đông nghẹt người, người nhà không có chỗ ngồi tràn ra ngoài hành lang đợi. |
Một trong những khu xuống cấp trầm trọng nhất phải kể đến Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, nằm trong toà nhà được xây dựng từ thời Pháp. TS.BS Phạm Huy Thông - Phó Giám đốc Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng cho biết: Các phòng đều bị xuống cấp, cửa mục, nền rộp, tường thấm, bong tróc. Tôi về đây gần 25 năm. Cách đây 20 năm bệnh viện có sửa chữa, đến năm 2019 trần bị sập hẳn, nhưng lúc đó chỉ sửa trần và nay trần nhà là đẹp nhất của khu này. Hiện trung tâm có 97 giường bệnh nhưng thường xuyên vượt công suất. Mái nhà vừa thấm, vừa dột không thể khắc phục được. Mặc dù, Bệnh viện có chống thấm nhưng không thể sửa chữa triệt để, chỉ được thời gian ngắn lại thấm nước, mốc trở lại.
Theo TS.BS Thông, là cơ sở chuyên khoa đầu ngành, có nhiều bệnh đặc thù không nơi nào chữa được, phải đến Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bạch Mai. Vì vậy, Trung tâm có nhiều bệnh nhân nặng, suy giảm miễn dịch rất cần có cơ sở vật chất tốt hơn, có như vậy mới đảm bảo được nhu cầu điều trị những bệnh đặc thù này của người dân. Nhưng với cơ sở vật chất hiện tại, tôi rất sót xa khi bệnh nhân phải điều trị trong hoàn cảnh này.
Chia sẻ với chúng tôi về điều kiện giường bệnh, bệnh nhân Nguyễn Văn Bình, 65 tuổi, đến Quảng Ninh, cười: Đây là phòng “xịn nhất” khoa đấy. Tôi bị dị ứng. Mặc dù phòng bệnh bị nấm mốc phủ loang nổ tường, trần nhà, không yên tâm lắm về cơ sở vật chất, cũng sợ rước dịch về nhà nhưng tôi vẫn chọn điều trị vì chỉ ở đây bác sĩ có trình độ chuyên môn cao mới điều trị được bệnh của tôi.
Bác sỹ tận tình thăm khám sức khoẻ ông Bình, trong phòng bệnh tường đầy nấm mốc. |
PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Những tòa nhà có tuổi đời hàng trăm năm, hệ thống ống nước dùng và thoát nước vỡ thường xuyên, cứ vá rồi lại bục hiện không sửa chữa được nữa "Ngay tòa nhà Việt Nhật được xây dựng 20 năm, xuống cấp, Nhật sang khảo sát khẳng định cần bảo dưỡng, với chi phí cỡ 100 tỷ. Các tòa tuổi đời trăm năm khác phải xây mới chi phí nghìn tỷ, nhưng không thể có nguồn tài chính để thực hiện” - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thẳng thẳn.
Nhà B1 khu điều trị Bệnh máu - Bệnh nhân suy giảm miễn dịch: hệ thống thoát nước không đảm bảo, tường bong tróc,… |
Thầy thuốc thiếu trang thiết bị y tế
Ai cũng biết, nhiều bệnh viện đang thiếu thuốc, trang thiết bị y tế…vì nhiều nguyên nhân khác nhau do khách quan và/hoặc chủ quan. Theo chia sẻ của PGS.TS Đào Xuân Cơ: “Hiện tại Bệnh viện Bạch mai thiếu trầm trọng các trang thiết bị y tế. 10 năm trước, Bạch Mai tự hào khi sở hữu các trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, đầu ngành như thiết bị chẩn đoán hình ảnh, nội soi, thiết bị chuyên ngành Y học hạt nhân và ung bướu thì nay, các loại máy này dừng hoạt động hoặc không còn đủ, điển hình như máy PET/CT, dao Gamma dừng hoạt động hoàn toàn".
Từ Cao Bằng, về Hà Nội ông Nguyễn Hữu Ước rất lo lắng về sức khoẻ vì bị đau đầu tê bì chân tay nhiều ngày, mong muốn được khám tự nguyện tại Bạch Mai, với suy nghĩ khám tự nguyện sẽ không mất quá nhiều thời gian chờ đợi. Nhưng vào Bạch Mai, sau khi được thăm khám, ông Ước đi thực hiện các xét nghiệm, sau đó ông nhận được giấy hẹn 15 ngày sau mới tới lịch được chụp cộng hưởng từ não, nản lòng ông Ước nói: Chụp cộng hưởng từ bên ngoài rất nhiều cơ sở, nhưng tôi chỉ yên tâm bác sỹ ở Bệnh viện Bạch Mai đọc kết quả mới chính xác. Nhưng chờ đợi, đi lại nhiều như thế này thì rất mệt mỏi.
Tiến sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quang Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, du học ở Mỹ về nói: Chúng tôi đã điều trị cho hơn 6.000 bệnh nhân bằng dao Gamma, có kỹ thuật cao, nổi đình nổi đám tại Việt Nam. Máy sử dụng nguồn bức xạ, mỗi lần thay nguồn mất 3 - 4 tỷ đồng. Thật xót xa khi nhìn cảnh máy móc hiện đại nằm “đắp chiếu” còn bệnh nhân thì rất khổ phải chuyển đi viện khác điều trị.
Trao đổi với phóng viên bác sỹ cho biết: Máy xạ trị Gamma hiện đại này, giá trị nhiều tỷ đồng, “đắp chiếu” để chờ điều tra về việc đấu thầu trang sắm máy móc vật tư y tế, trong khi người bệnh lại phải đi nơi khác. |
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ thêm: “Trước đây, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên ở Đông Nam Á có máy 256 dãy ứng dụng chụp thần kinh, tim mạch, hô hấp. Nhưng hiện tại máy không hoạt động. Các máy cộng hưởng từ, chụp CT hiện thiếu trầm trọng. Hay như hệ thống nội soi tiêu hóa hỏng, xuống cấp, mỗi ngày 800 -1.000 người bệnh có chỉ định nội soi nhưng cố lắm chỉ thực hiện được nửa, quá nửa”.
Qua đây, có thể dễ dàng nhận thấy cơ sở y tế này có cơ sở vật chất không tương xứng với một bệnh viện lớn có nhiều chuyên khoa sâu đầu ngành, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tụt hậu. Thực tế không dễ chấp nhận Bạch Mai đang đứng trước nguy cơ mất đi nền tảng y tế vững chắc hàng đầu nước ta và vị thế trong khu vực. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, có hướng đầu tư xây mới, tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị, cơ chế cụ thể về tài chính, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế. Để Bạch Mai tiếp tục chăm sóc sức khoẻ tốt nhất cho người dân, góp phần vào nhiệm vụ an sinh xã hội, đội ngũ y, bác sỹ yên tâm cống hiến; tự hào về truyền thống bệnh viện đầu ngành của cả nước và vị thế trong khu vực.
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng - Chủ tịch danh dự Hội Môi trường Việt Nam đánh giá: Môi trường không khí trong bệnh viện hết sức quan trọng là môi trường cần phải được quan tâm nhất đối với vấn đề liên quan đến sức khoẻ của người bệnh. Bệnh viện Bạch Mai có truyền thống khám chữa bệnh nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới nhưng các công trình xây dựng đã lâu năm, quá lạc hậu. Nếu không duy tu, bảo dưỡng hoặc xây mới thì khó lòng bảo vệ được sức khoẻ người bệnh và đội ngũ y bác sĩ. Cơ quan chức năng cần phải có nghiên cứu đánh giá nguồn gốc, nguyên nhân, chất lượng nhà khám điều trị kém là gì và từ đó xác định việc cần làm và thời gian cần hoàn thành. |
Kim Oanh - Vũ Huyền
Theo