Mặc dù bất động sản (BĐS) phía Đông Hà Nội có thế mạnh không thua kém khu vực phía Tây, nhưng vẫn chưa được khách hàng mặn mà do tâm lý ngại phải đi qua cầu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, với lợi thế về "cửa ngõ kinh tế", cảnh quan, hạ tầng và giao thông, việc trỗi dậy của BĐS tại "bờ Đông" chỉ là vấn đề thời gian.
Một góc phường Việt Hưng, quận Long Biên. Ảnh: Công Hùng
“Sóng ngầm”
Theo ông Hoàng Bá Bẩy - Giám đốc Văn phòng nhà đất Hiệu quả (166 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên), từ đầu năm đến nay, lượng giao dịch BĐS phía Đông Hà Nội diễn ra khá sôi động. Giá đất đang nhích lên so với cuối năm ngoái. Tại phân khúc đất thổ cư, giá tăng đáng kể ở nhiều khu vực, đặc biệt là tại quận Long Biên. Điển hình là các phố Nguyễn Văn Cừ, Bồ Đề dù trên cùng một đường, nhưng lại có nhiều loại giá khác nhau.
Ngay tại mặt đường này nếu có vỉa hè rộng có giá 180 - 200 triệu đồng/m2, khu vực mặt ngõ ngang Nguyễn Văn Cừ nếu trục đường rộng ô tô vào được giá từ 60 - 100 triệu đồng/m2. Ông Hoàng Bá Bẩy cho biết thêm, quỹ đất nền tại phường Bồ Đề không còn nhiều và đã có không ít vụ mua bán nhằm đầu tư đón đầu hạ tầng trọng điểm. Bên cạnh sự tham gia của nhiều khách hàng tại khu phổ cổ Hà Nội, một nét mới tạo nên sự nhộn nhịp tại thị trường BĐS phía Đông là người mua đến từ những tỉnh lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang... mà theo thông tin từ ông Bẩy, chiếm đến hơn 40% lượng giao dịch tại đây.
Qua tìm hiểu của phóng viên, khu vực gần chân cầu Long Biên vẫn thu hút nhiều khách hàng. Giá đất tại đây tăng nhẹ 10%. Cụ thể, đất thổ cư tại Ngọc Thụy có giá 35 - 60 triệu đồng/m2, đối với trong ngõ và từ 80 - 90 triệu đồng/m2 đất ngoài ngõ. Đất mặt tiền tại Ngọc Lâm tăng giá lên đến 200 triệu đồng/m2. Tại làng Trạm (cách cầu Vĩnh Tuy 300m) giá đất dao động từ 32 - 45 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại khu vực Gia Lâm, giá đất chủ yếu ở mức trên dưới 30 triệu đồng. Giá đất tại khu thị trấn Trâu Quỳ, Tư Đình dao động từ 35 - 38 triệu đồng/m2, Đặng Xá giá khoảng 32 triệu đồng/m2, khu vực Đông Dư, Cổ Bi, Kiêu Kỵ giá trên dưới 20 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích đất.
Các dự án như Vinhome Riverside, Garden City, Berriver Long Bien… đã được các nhà đầu tư có tầm nhìn và thương hiệu lớn "âm thầm" phát triển để đón làn sóng và xu hướng mới của thị trường. Tại Khu đô thị mới Sài Đồng, giá đất dự án hiện đang giao dịch mức 60 triệu đồng/m2. Đặc biệt, tại dự án Đặng Xá, toàn bộ phần diện tích dành để xây nhà ở xã hội với hàng ngàn căn hộ đã có chủ.
Ông Chu Mạnh Đồng - Giám đốc văn phòng nhà đất Thái Sơn (201 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên) cho biết: "Hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân cũng như sức hấp dẫn của khu vực này là rất lớn. Với sự bùng nổ đầu tư hạ tầng và xuất hiện ngày càng nhiều ông lớn cầm trịch thị trường, việc BĐS phía Đông trỗi dậy chỉ là vấn đề thời gian".
Khó có đột biến
Trước tình trạng khu vực phía Tây Hà Nội đang thừa cung cục bộ do chủ đầu tư ồ ạt bung hàng thì việc giới đầu tư địa ốc đổ tiền vào BĐS khu Đông trong thời gian tới đang dấy lên lo ngại nổ ra những cơn sốt nóng nhất thời.
Ông Marc Townsend - Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam phân tích: "Khu Đông sẽ là địa bàn hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển nhất nếu xét ở góc độ giá cả và hạ tầng. Thực tế khu vực này ngoài lợi thế về hạ tầng thì vị trí nằm ở cửa ngõ kinh tế, tiếp giáp dòng sông Hồng… sẽ là những "điểm nhấn" quan trọng tạo nên giá trị của các dự án BĐS khu Đông. Đây là cơ hội tốt để các chủ đầu tư "có tầm" đón đầu thị trường."
Trước "sóng ngầm" của BĐS phía Đông, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nhận định: "Trước đây chủ đầu tư và người mua nhà đổ xô về khu vực phía Tây là do quy hoạch của Nhà nước hướng về đây. Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng BĐS phía Đông hội tụ đầy đủ yếu tố "nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ" để phát triển.
Tuy nhiên, khó có thể nóng lên như dự đoán của nhiều người, trừ khi Nhà nước có những quy hoạch đột phá. Một số dự án vị trí tốt, với nhà đầu tư uy tín có thể cháy hàng nhưng để khan hiếm đến không thể mua hoặc khó mua nhà không xảy ra. Ngoài ra, khu vực này chủ yếu là dự án trung, cao cấp và biệt thự chưa phù hợp với số đông nhu cầu của khách hàng".
Theo phân tích của ông Nguyễn Thành Tiến - Chuyên gia đào tạo BĐS tại Nghikhac.com, thì phía Đông tuy gần so với một số quận trung tâm như quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, nhưng lại không tiện di chuyển cho những người đang làm việc và sinh hoạt tại nhiều quận khác như Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm... Trong khi các quận này chiếm dân cư khá đông đúc.
Với bối cảnh trên, BĐS khu Đông có thể tạo nên những hiệu ứng khả quan cho thị trường sau thời gian dài "ngủ đông" khi thu hút nhiều người khá giả có nhu cầu mua để ở, nhưng sẽ "kén" nhà đầu tư và do đó, khó có thể tạo sóng trong thời gian tới.
Theo Vân Hằng/KTĐT
Theo