Thứ bảy 27/07/2024 19:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bất động sản công nghiệp: Đón nhiều dự án FDI “khủng”

18:51 | 27/05/2021

(Xây dựng) - Hiện nay, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao khi nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam trở thành một trong những ứng cử viên sáng giá đón dòng vốn dịch chuyển này nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các cấp ngành, địa phương… trong ngăn chặn dịch bệnh.

bat dong san cong nghiep don nhieu du an fdi khung
Dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là “đất lành” thu hút vốn FDI chất lượng cao.

Thống kê sơ bộ trong quý I/2021 của Bộ KH&ĐT cho thấy, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,25 tỷ USD.

Trong đó có 451 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,46 tỷ USD, tuy giảm giảm 54,2% về số dự án nhưng tăng 24,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; đã có 67 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021.

Điển hình là Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,8 tỷ USD, chiếm gần 39,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,5 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư (trong đó vốn đầu tư của Singapore và Nhật Bản chủ yếu theo hình thức đầu tư mới, chiếm lần lượt 91,1% và 71,5% tổng vốn đăng ký của 2 quốc gia này).

Đứng thứ 3 là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,5 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…

Cũng theo Bộ KH&ĐT, chỉ riêng những tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã đón nhận 05 dự án đầu tư nước ngoài đổ vốn lớn vào lĩnh vực công nghiệp, kéo theo sự phát triển mạnh của bất động sản công nghiệp với nguồn FDI khủng. Gồm: Đó là Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore) có tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD; Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 750 triệu USD (giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cấp ngày 04/02/2021); Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông) có tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD; Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh.

Trước đó, đối với các khu kinh tế ven biển, quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển) trong đó diện tích đất liền khoảng 582,3 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích đất cả nước) và 289,2 nghìn ha diện tích mặt biển.

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2021, 03 lĩnh vực thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư bao gồm bất động sản nhà ở, bất động sản văn phòng và bất động sản công nghiệp. Tính đến hết quý I/2021, tổng vốn đăng ký lũy kế vào lĩnh vực bất động sản là 0,6 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ, chiếm 5,9% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Có thể thấy, sự ổn định chính trị - xã hội ở Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ với các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẵn sàng huy động vốn để gia tăng đầu tư, mở rộng sản xuất khi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load