(Xây dựng) – Những thông tin dồn dập về đường cao tốc và hàng loạt Khu công nghiệp mọc lên, bất động sản Bình Phước đang trở thành điểm nóng, cá biệt có nơi tăng gấp 3 - 4 lần so với 1 năm trước.
Bình Phước thu hút 296 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD. |
Đòn bẩy hạ tầng, Khu công nghiệp
Bình Phước là tỉnh rộng nhất vùng Đông Nam bộ, có Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư tổng diện tích hơn 28.300ha, giáp Campuchia, giao thông thuận lợi để kết nối với Lào và Thái Lan. Trong đó, hơn 3.500ha ở khu vực trung tâm đã đưa vào hoạt động. Các Khu công nghiệp, Khu kinh tế tại Bình Phước đã góp phần thu hút 296 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 3 tỷ USD.
Với vị trí và quỹ đất phù hợp với phát triển các Khu công nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, khi quỹ đất phát triển Khu công nghiệp ở Bình Dương không còn nhiều thì các nhà đầu tư mới đổ dồn sang địa phương này.
Đến nay Bình Phước có 13 Khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686ha và 8 Cụm công nghiệp với diện tích 380ha. Trong đó, có 8 Khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Quy mô lớn nhất là Khu công nghiệp và dịch vụ đô thị Becamex - Bình Phước, thuộc địa bàn huyện Chơn Thành, quy hoạch lên đến 4.600ha, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương mở rộng các Khu công nghiệp như Minh Hưng III (577ha), Bắc Ðồng Phú (317ha), Nam Ðồng Phú (480ha), Minh Hưng - Sikico (1.000ha). Ðặc biệt, Bình Phước đã bổ sung quy hoạch mới Khu công nghiệp và dân cư Ðồng Phú quy mô 6.317ha và 3 Khu công nghiệp ở huyện Phú Riềng với diện tích 1.300ha.
Hệ thống hạ tầng trước đây là điểm yếu của Bình Phước so với các tỉnh lân cận, đang dần được giải quyết. Hệ thống giao thông đang ngày càng hoàn thiện, ngoài các tuyến giao thông liên vùng huyết mạch như Quốc lộ 13, Quốc lộ 14, tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn.
Tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2021, lãnh đạo tỉnh Bình Phước tiếp tục kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh làm đầu mối để triển khai khởi động các dự án giao thông kết nối liên vùng, như: Dự án đường cao tốc Chơn Thành – Thành phố Hồ Chí Minh; Tuyến đường sắt xuyên Á, giai đoạn 1 từ cảng Cái Mép – Thị Vải đi Chơn Thành; Dự án nâng cấp mở rộng ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với sân bay Quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và cảng Cái Mép – Thị Vải...
Mới đây nhất, ngày 18/3, lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước, thống nhất chủ trương triển khai dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành. Theo khái toán, tổng mức đầu tư khoảng 36.000 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước tham gia dự kiến chiếm 47% (tương đương 17.000 tỷ đồng), nhà đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng.
Giá đất có nơi tăng 3 - 4 lần
Cùng với làn sóng đầu tư hạ tầng và Khu công nghiệp, giá đất nhiều nơi tại Bình Phước cũng tăng vọt, trong hơn 1 năm trở lại đây. Nếu cơn sốt ảo ở sân bay Hớn Quản nhanh chóng dập tắt thì khu vực xung quanh quy hoạch Khu công nghiệp Becamex Đồng Phú (6.317ha) đã âm ỉ tăng giá từ hơn 1 năm qua. Khảo sát đất trồng cao su mặt tiền đường số 4, lối vào Khu công nghiệp Becamex Đồng Phú, giá đã lên đến khoảng 250 triệu đồng/m ngang.
Môi giới khu vực này cho biết, hơn 1 năm trước 1 ha đất có giá 1,5 - 2 tỷ thì nay đã chạm mức 7 - 8 tỷ đồng. Hiện nay, giá đất Đồng Phú hiện tại tăng 15 - 20 % so với cuối năm 2020. Với mức giá như hiện nay, giới đầu tư bất động sản đánh giá việc lướt sóng đất rẫy cao su sắp bước vào giai đoạn thoái trào. Thị trường sẽ quay về với nhu cầu thực ở các dự án đất ở, gần khu dân cư hiện hữu.
Theo ghi nhận, các dự án bất động sản xung quanh các Khu - Cụm công nghiệp cũng đang duy trì biên độ tăng giá ổn định. Đơn cử tại Khu công nghiệp Becamex Chơn Thành, những năm 2018 giá đất nền dự án xung quanh Khu công nghiệp này dao động từ 8 - 9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường thứ cấp đang dao động khoảng 13 - 14 triệu đồng/m2. Tỷ lệ tăng giá từ 50 - 60% chỉ sau 3 năm.
Dù giá đất tăng cao nhưng nguồn cung sơ cấp dự án ở Bình Phước còn khá hạn chế. Ghi nhận nguồn cung mới nhất đến từ phân khu Diamond Centre Point, Khu đô thị hành chính Phú Riềng. Dù mới công bố được vài ngày nhưng dự án đã thu hút hàng trăm khách hàng giao dịch đặt chỗ. Đặc biệt, phần lớn khách hàng là người dân địa phương. Dự án tọa lạc ngay tại mặt tiền đường DT.741, là trục đường huyết mạch đi qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông.
Các chuyên gia đánh giá, so với các khu vực phát triển công nghiệp khác tại Bình Dương, Long An hay Đồng Nai, thì mức giá bất động sản trung bình tại các khu vực tập trung công nghiệp của Bình Phước vẫn còn khá khiêm tốn, còn nhiều dư địa tăng giá. Khoảng 10 năm trước, Bình Dương đang ở xuất phát điểm thấp hơn Bình Phước hiện nay nhưng hiện đã đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI. Với những điều kiện tương tự và xu hướng phát triển mạnh bất động sản công nghiệp, Bình Phước đang mở đầu chu kỳ phát triển đột phá. Tuy nhiên, nhà đầu tư bất động sản cần định hướng đầu tư trung hạn, phù hợp với tốc độ thu hút nhu cầu ở thật trên địa bàn. Đặc biệt, việc dùng đòn bẩy tài chính quá cao để lướt sóng là điều được khuyến cáo không nên sử dụng vào thời điểm này.
Thành Nam
Theo