Thứ sáu 03/01/2025 03:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Bảo tồn làng cổ đang trở thành thách thức lớn

12:08 | 08/09/2011

Đây là chia sẻ của bà Kobayashi Akiko - đại diện của trường Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản), điều phối viên dự án Hỗ trợ Phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển bền vững tại Việt Nam thông qua du lịch di sản.

Được biết, dự án đã chọn 3 làng cổ của Việt Nam để triển khai nghiên cứu điển hình. Đó là những làng cổ nào? Vì sao chúng được chọn, thưa bà?

- Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu Trường tài trợ cho 3 làng cổ là Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích (TT - Huế) và Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang). Đây là 3 làng còn giữ lại được nhiều giá trị văn hóa nhất. Đường Lâm là một làng nông nghiệp truyền thống, điển hình của Việt Nam được bảo tồn ở trạng thái tốt nhất. Phước Tích là ngôi làng nhỏ đã từng hưng thịnh nghề gốm và đến nay vẫn tập trung nhiều ngôi nhà cổ trên 100 năm. Đông Hòa Hiệp thì còn lại những ngôi nhà cổ lớn với các khuôn viên rộng được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có giá trị lịch sử rất cao.

Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời đại, ở làng nào người dân cũng có khuynh hướng hiện đại hóa đời sống của mình nên việc duy trì bảo tồn làng cổ đang trở thành thách thức lớn.

Với riêng làng cổ Đường Lâm, bà có ấn tượng như thế nào?

- Vào làng Đường Lâm tôi có cảm giác như đang quay lại ngày xưa, như đang ngắm ngôi làng nông thôn xưa của Nhật Bản. Người dân trong làng mộc mạc và tốt bụng, lúc nào cũng chào đón với khuôn mặt tươi vui, cho chúng tôi cảm giác vui vẻ. 

Cá nhân tôi đã làm quen với Đường Lâm được 3 năm rồi, nhưng trường Đại học Nữ Chiêu Hòa thì đã khảo sát về làng Đường Lâm từ khoảng 8 năm trước. Một phần nhờ có kết quả khảo sát đó mà giá trị của Đường Lâm được công nhận xếp hạng. Đường Lâm đã trở thành làng cổ đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Di sản kiến trúc - nghệ thuật cấp quốc gia. Sau đó, nhờ có Luật Di sản văn hóa, ý thức của người dân trong làng về giá trị văn hóa và bảo tồn đối với ngôi làng cũng được nâng cao. Tôi cho rằng, họ có sự tự hào về văn hóa và mong muốn gìn giữ văn hóa đó mạnh hơn.

Đường Lâm đang được lập hồ sơ đăng ký với UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đường Lâm sẽ phải làm những gì để đề cử trên trở thành hiện thực?

- Tôi nghĩ cần phải truyền đạt cho người dân một cách rõ ràng về ý nghĩa của việc đăng ký trở thành Di sản thế giới. Trước khi đăng ký, hãy cho người dân biết về những tác động (ảnh hưởng) đến làng từ sự đăng ký trở thành Di sản thế giới.

Để Đường Lâm trở thành Di sản thế giới cần nhiều quá trình. Trước hết, Luật Di sản văn hóa phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Người dân và chính quyền phải được thống nhất chặt chẽ. Khi làm được như thế thì mới bắt đầu hình thành cái cơ bản để có thể truyền tải một cách rõ ràng về giá trị của làng. Tôi nghĩ rằng, để giá trị đó được công nhận, cần lập bản đệ trình, sau đó thực hiện các động thái khác liên quan đến đăng ký Di sản thế giới.

Với kinh nghiệm của mình, bà có thể dự báo việc đăng ký và trở thành Di sản thế giới sẽ tác động như thế nào đến Đường Lâm và nhất là đến người dân?

- Theo tôi, khi đã trở thành Di sản thế giới thì Đường Lâm có thể chịu các tác động hai mặt. Tác động tốt có thể kể đến như người dân có niềm tự hào về Di sản thế giới. Người dân và các cấp chính quyền đều có ý thức cao về trách nhiệm bảo tồn các di sản văn hóa và đời sống của làng. Hơn thế, Đường Lâm có thể được gìn giữ, bảo tồn như là một ngôi làng có cảnh quan, đời sống tiêu biểu nhất của nông thôn Việt Nam.

Tuy nhiên, làng cũng sẽ bị những tác động trái chiều như giá đất, vật giá trong làng sẽ tăng cao bất bình thường. Số lượng khách du lịch tăng nhanh và đột ngột gây ảnh hưởng không tốt đến đời sống văn hóa, xã hội. Làng cũng sẽ đối diện với vấn nạn ô nhiễm môi trường…

Trân trọng cảm ơn bà!

Tiểu Vũ (thực hiện)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load