(Xây dựng) – Trong những năm qua liên tục xảy ra các vụ việc trẻ nhỏ rơi từ ban công, cửa sổ hay lô-gia tại các chung cư cao tầng. Nhưng các gia đình sống tại chung cư vẫn khá chủ quan khiến các vụ tai nạn thương tâm vẫn xảy ra. Vậy đâu là biện pháp hiệu quả để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ tại các chung cư?
Nhiều chung cư tại Hà Nội chưa có lưới an toàn ở các ban công, cửa sổ hay lô-gia. |
Đã có quy chuẩn bảo đảm an toàn trong công trình
Từ năm 2008, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Nhà ở và công trình công cộng – an toàn sinh mạng và sức khỏe, QCVN 05:2008/BXD ban hành theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BXD ngày 6/6/2008. QCVN 05:2008/BXD quy định các yêu cầu kỹ thuật (tối thiểu hoặc tối đa) phải đạt đối với nhà ở và công trình công cộng nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng và sức khoẻ cho người sử dụng, trong đó có quy định về bảo vệ khỏi ngã, xô và va đập tại nhà chung cư.
Quy chuẩn 05:2008/BXD quy định, các công trình nhà chung cư phải có lan can hoặc vật chắn đủ khả năng ngăn người đi lại không bị ngã tại các sàn nền có cao độ chênh nhau từ 2 bậc thang (hoặc 380mm nếu không có bậc thang) trở lên và ở các vị trí: cầu thang bộ, bậc thang, đường dốc, sàn, ban công, lô-gia (phần hành lang hướng ra ngoài nhưng được xây âm vào bên trong mặt bằng nhà), hành lang và mái có người đi lại; Giếng trời, khu vực tầng hầm hoặc các khu vực ngầm tương tự nối với công trình có người đi lại.
Đối với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi lui tới, lan can cần đảm bảo 2 yêu cầu là khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100mm và không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can (không bố trí các thanh ngang để trẻ tựa chân trèo qua).
QCVN 05:2008/BXD cũng quy định lan can của lô-gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên phải đạt chiều cao tối thiểu 1,4m; lan can về thang, đường dốc tối thiểu 0,9m và các vị trí khác tối thiểu 1,1m.
Nếu cửa thông gió và cửa lấy ánh sáng có bộ phận nhô ra quá 100mm vào không gian đi lại của người sử dụng trong và xung quanh công trình, kể cả hướng vào trong nhà hay ra ngoài cũng phải đáp ứng 2 yêu cầu. Một là bộ phận cố định nhô ra không thấp hơn 2m kể từ mặt nền hoặc sàn. Hai là phần cửa mở ra phải có các rào cản hoặc lan can cao ít nhất 0,9m để đề phòng người đi lại bước vào. Nếu không có lan can hay rào cản thì phải có dấu hiệu rất rõ ràng, khác biệt hẳn so với các khu vực khác trên mặt nền hoặc sàn để lưu ý người sử dụng tránh xa khu vực đó.
Các ban công chung cư phải lắp đặt lưới an toàn để bảo vệ trẻ nhỏ. |
Vẫn còn sự chủ quan trong quá trình sử dụng công trình
Nhưng trên thực tế, một số chủ đầu tư vẫn chưa nghiêm túc chấp hành các yêu cầu kỹ thuật trong QCVN 05:2008/BXD để đảm bảo an toàn sinh mạng và sức khoẻ cho người sử dụng. Quan trọng hơn là nhiều gia đình cũng rất chủ quan và chưa có ý thức tự giác thực hiện các biện pháp an toàn để bảo vệ trẻ nhỏ, dù báo chí hay mạng xã hội rất nhiều lần cảnh báo về các “tử huyệt” ở chung cư.
Chị Nguyễn Mai Thu - một cư dân sống tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm) chia sẻ: “Hầu hết các gia đình sống ở chung cư hiện nay đều phải có những biện pháp để phòng tránh rủi ro có thể xảy ra tại ban công hay ô cửa sổ. Ngay khi quyết định chuyển đến sống ở chung cư, tôi đã thuê thợ làm lưới an toàn để bảo vệ con trai không gặp tai nạn. Ngoài ra, tôi cũng không kê bàn, ghế, hộp gỗ hay các đồ vật có chỗ đặt chân bên cạnh cửa sổ, ban công để hạn chế việc trẻ leo trèo dẫn đến tai nạn.
Đặc biệt, tôi luôn nhắc nhở con trai về việc ban công rất nguy hiểm. Tôi còn cho cháu xem nhiều video về các tai nạn thương tâm để giúp cháu nhận thức được nguy cơ ở các ban công. Cũng nhờ vậy mà con trai tôi rất sợ vui đùa gần lan can và không bao giờ dám ra ngoài ban công nếu không có mẹ hay người lớn đi cùng. Cá nhân tôi thấy việc giáo dục trẻ mới là điều quan trọng để tránh xảy ra các tai nạn. Dĩ nhiên, đối với các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thì việc giáo dục sẽ khó có hiệu quả. Nhưng chúng ta vẫn cần giáo dục từ sớm để trẻ hình thành ý thức trong đầu về việc này.
Ở chỗ tôi sống hiện nay có nhiều gia đình rất chủ quan. Họ nghĩ rằng chỉ cần dặn dò trẻ nhỏ thì chúng sẽ nghe lời, nhưng thực tế không phải như vậy. Tôi đã thấy nhiều gia đình có người lớn đi vắng và bỏ trẻ nhỏ ở nhà một mình. Điều này rất nguy hiểm vì trẻ vốn rất hiếu động”.
Cùng chung quan điểm với chị Mai Thu, anh Nguyễn Hữu Đ., một cư dân sống tại khu đô thị Goldmark City, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Sau khi nhận nhà, tôi đã thuê người lắp lưới an toàn ở ngoài ban công để bảo vệ người thân, đặc biệt là con trai tôi. Ngoài ra, ban công ở chung cư của tôi cũng rất cao nên khá an toàn. Tôi là người lớn trèo qua cũng khó chứ đừng nói trẻ con. Ngoài ra, tôi dạy con từ nhỏ về việc tránh xa ban công rồi. Thằng bé sợ độ cao lắm nên chẳng bao giờ mò ra đấy cả”.
Tuy nhiên, vai trò của các Ban quản trị chung cư trong việc phòng ngừa các tai nạn của trẻ nhỏ ở ban công, cửa sổ chung cư lại khá mờ nhạt. Ban quản trị có nhắc nhở về nội dung nàyở các cuộc họp cư dân hàng tuần, hàng tháng hay hàng năm, nhưng hiệu quả không cao vì cư dân không đi họp đầy đủ và nội dung tuyên truyền cũng sơ sài.
Chị Mai Thu chia sẻ: “Việc tổ chức những cuộc họp riêng để tuyên truyền về các biện pháp an toàn ở ban công chung cư không hề dễ dàng vì số lượng cư dân quá đông, không dễ tập họp đầy đủ. Chính vì vậy, quan trọng nhất vẫn là các gia đình tự ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục trẻ nhỏ và thực hiện các biện pháp bảo vệ ở ban công, cửa sổ nhà mình. Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng phải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu kỹ thuật của Bộ Xây dựng tại các chung cư để đảm bảo an toàn cho người dân”.
Hữu Mạnh - ẢNH: Internet