Thứ ba 05/11/2024 01:14 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Những góc khuất trong phát triển nhà ở xã hội - từ chính sách đến thực tiễn:

Bài 3: Gỡ “nút thắt” theo góc nhìn từ các chuyên gia?

16:56 | 01/08/2023

(Xây dựng) – Theo số liệu rà soát, tổng hợp, trên cả nước hiện nay, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) mới chỉ hoàn thành 65% mục tiêu đề ra của giai đoạn 2016 - 2020, con số đạt được cho thấy kết quả không được như mong đợi. Vậy phải làm thế nào để các thủ tục triển khai dự án NƠXH thông thoáng hơn? Người dân có thu nhập thấp, công nhân tại các khu công nghiệp được tiếp cận NƠXH gần hơn, minh bạch hơn? Cần thiết chúng ta phải thay đổi tư duy để định hướng sao cho phù hợp với thực tiễn. Có tư duy mới sẽ có các chính sách mới, linh hoạt gỡ bỏ các “nút thắt” và khơi thông những “điểm nghẽn” tạo ra nguồn lực to lớn cho mục tiêu phát triển NƠXH tại Việt Nam.

Bài 3: Gỡ “nút thắt” theo góc nhìn từ các chuyên gia?
Thay đổi tư duy để xây dựng chính sách phát triển NƠXH phù hợp với thực tiễn, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong triển khai, thực hiện (ảnh: Chung cư X2 Đại Kim tại vị trí phố Trần Hòa, Hoàng Mai, Hà Nội, thời điểm tháng 7/2023).

Sau loạt bài viết phản ánh về những “góc khuất” trong phát triển NƠXH – từ chính sách đến thực tiễn, phóng viên Báo điện tử Xây dựng tiếp tục ghi nhận ý kiến, quan điểm đến từ các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực xây dựng. Qua đó chúng ta thấy được, đã đến lúc cần phải thay đổi tư duy từ bước xây dựng chính sách, đến giai đoạn thực thi pháp luật sao cho chính sách NƠXH thực sự mang đậm “hơi thở” của cuộc sống.

Trong bài viết này, chúng ta cùng lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, xem họ đưa ra các quan điểm và có những định hướng gì cho kế hoạch phát triển NƠXH tại nước ta.

TS.Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: “Giải pháp về quy hoạch là bước đi đầu tiên cần phải thực hiện”

Bài 3: Gỡ “nút thắt” theo góc nhìn từ các chuyên gia?
TS.Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam: “Giải pháp về quy hoạch là bước đi đầu tiên cần phải thực hiện”.

Để thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân các khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” đã có nhiều cơ chế chính sách được ban hành, nhất là về phát triển quản lý NƠXH nói chung. Về nhà ở cho công nhân đã có một số quy định mới tháo gỡ "điểm nghẽn" như về quỹ đất làm nhà cho công nhân (Nghị định 35/2022/NĐ-CP), chính sách tài khóa, hỗ trợ tiền tệ (Nghị quyết số 43/2022/QH15).

Đánh giá tổng quan cho thấy, đã cơ bản đủ hành lang pháp lý để thực hiện đề án đã ban hành. Theo tôi, vấn đề cần quan tâm là nhận thức chỉ đạo của địa phương, sự tham gia của doanh nghiệp, kế hoạch triển khai và quy trình thực hiện. Ngoài các giải pháp về cơ chế chính sách, về nguồn vốn phát triển, về thu hút xã hội hóa đầu tư, về cải cách thủ tục hành chính...rất cần quan tâm trước hết các giải pháp về quy hoạch và quản lý.

NƠXH là loại hình nhà ở có yêu cầu đặc thù, song không nên xem đây là giải pháp tình thế, là "điểm mờ" trong phát triển đô thị cần hướng tới mà mục tiêu là đảm bảo bền vững, môi trường sống thích hợp, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, là khu vực thân thiện, đáng sống. Chắc rằng, để thực hiện sẽ có khó khăn về nguồn lực, song cần có chính sách ưu đãi từ Nhà nước và tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, các doanh nghiệp.

Nhiều địa phương xây dựng các dự án NƠXH tập trung, riêng lẻ còn thiếu đồng bộ, nhất là các dịch vụ hạ tầng như trường học, chợ, không gian xanh công cộng, ở vị trí không thích hợp với đối tượng sử dụng, khó kết nối giao thông, là tồn tại cần phải đổi mới. Để lựa chọn vị trí phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, cho công nhân thì việc xây dựng các khu NƠXH tập trung với quy mô đa dạng là giải pháp cần được quan tâm. Song không chỉ là nhà ở mà cần được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và nhất là hạ tầng xã hội. Để hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và chủ đầu tư cần có chính sách đặc thù, lợi ích cho chủ đầu tư không chỉ trong ranh giới khu NƠXH mà được cân đối trong cả khu vực, cả đô thị.

Để đồng bộ, cần xác định trong quy hoạch cả các khu và các điểm xây dựng nhà ở xã hội. Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2045 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ tại Quyết định số 700/QĐ-TTg ngày 16/6/2023), trong đó đã nghiên cứu các khu NƠXH tập trung quy mô 200 - 300ha và bổ sung NƠXH dành cho công nhân trong các khu công nghiệp, người thu nhập thấp. Đây là giải pháp có hiệu quả.

Về các phương thức khai thác sử dụng NƠXH, theo tôi, để thực hiện đề án đã phê duyệt cần đa dạng hóa các phương thức sử dụng. Chính phủ đã xác định các phương thức, bán, thuê mua, thuê, song cần giao nhiệm vụ để UBND cấp tỉnh xác định rõ tỷ lệ tương ứng với từng dự án. Với các khu công nghiệp đề nghị áp dụng phương thức cho thuê là chủ yếu và cho phép các doanh nghiệp là chủ thể trong tổ chức cho người lao động của mình được thuê. Việc ưu đãi và tăng tỷ trọng nhà cho thuê không chỉ góp phần giải quyết mất cân đối cung và cầu của thị trường bất động sản mà còn là yếu tố đẩy nhanh đề án ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH.

Theo tôi, giải pháp về quy hoạch là bước đi đầu tiên cần thực hiện để đảm bảo đến 2030 hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH trên cả nước theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4/2023. Cùng với công tác quy hoạch là rà soát lại tiêu chuẩn thiết kế nhà ở để phù hợp với từng đối tượng được ưu đãi, phù hợp với phương thức sử dụng, mua, thuê, thuê mua. Từ đó thể chế hóa thông qua hướng dẫn của Bộ Xây dựng để các địa phương áp dụng.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): “Đa dạng hóa và tăng nguồn cung nhà ở xã hội”

Bài 3: Gỡ “nút thắt” theo góc nhìn từ các chuyên gia?
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): “Đa dạng hóa và tăng nguồn cung nhà ở xã hội”.

Nhu cầu NƠXH của người dân đang rất cao, thể hiện điển hình như việc bốc thăm mua căn hộ tại dự án NHS Trung Văn (Hà Nội) vừa qua, báo chí đã so sánh giống như thi đấu hay tỷ lệ chọi cao như thi đại học.

Để giải quyết tận gốc vấn đề, giải pháp là làm sao tăng được nguồn NƠXH. Khi nguồn cung đáp ứng tương đối đầy đủ được nhu cầu thực tế thì các vấn đề tiêu cực như "cò mồi", thổi giá, tiền chênh…trong phân phối NƠXH mới có thể giảm xuống.

Làm sao có được nguồn cung thì việc tạo quỹ đất, thủ tục hành chính, nguồn vốn… phải được khơi thông. Đồng thời, cần có cơ chế hỗ trợ tốt hơn, thực chất hơn cho chủ đầu tư mới thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Như định mức lợi nhuận hiện nay cao nhất là 10%, nhưng trong tương lai các mức ưu đãi cao hơn như 15%, 20%...thì cần nghiên cứu xem xét sao cho thực chất, đúng mức. Tuy nhiên, cũng cần làm cho doanh nghiệp hiểu về vai trò, nghĩa vụ chính trị đối với xã hội.

Gần đây, trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất với Chính phủ trình ra Quốc hội hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi thực chất hơn cho doanh nghiệp tham gia phát triển NƠXH trong giai đoạn tiếp theo.

Về vấn đề có nên mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH, tôi cho rằng với 10 nhóm hiện hành đã là rất lớn. Trước mắt, cần tập trung giải quyết thấu đáo rồi mới rà soát, nghiên cứu sau. 10 nhóm đối tượng được ưu tiên mua NƠXH như quy định hiện hành cũng đã được rà soát, nghiên cứu rất kỹ càng trước khi đưa vào Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH, nhà ở công nhân đã được Thủ tướng phê duyệt.

Nhu cầu của các địa phương rà soát đăng ký gửi Bộ Xây dựng là khoảng 1,8 triệu căn hộ, nhưng từ nay đến năm 2030 cần tập trung giải quyết được ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH. Với điều kiện kinh tế, xã hội như hiện nay, để giải quyết được mục tiêu 1 triệu căn hộ NƠXH cũng không đơn giản, phải là sự nỗ lực quyết tâm, cố gắng phối hợp của nhiều cơ quan, ban, ngành, địa phương.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Cần thay đổi cách thức phát triển NOXH”

Bài 3: Gỡ “nút thắt” theo góc nhìn từ các chuyên gia?
GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Chúng ta có thể hình thành quỹ phát triển nhà ở giá rẻ và động viên doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức xã hội, cá nhân… cùng đóng góp phát triển phân khúc này. Hãy mở cuộc động viên để làm NƠXH".

Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta hãy chuyển cách thức phát triển nhà ở giá thấp dưới dạng NƠXH bằng nhà ở thương mại giá thấp, bởi như vậy, tính động lực từ cơ chế thị trường cao hơn.

Ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa tạo được một tư duy thống nhất về cách thức nào để phát triển NƠXH mà hướng về việc đẩy cho trách nhiệm của nhà nước nói chung hay nói cách khác là “ngắm” vào ngân sách của Nhà nước, đấy không phải là cách phát triển.

Cách phát triển phải là từ động lực của thị trường, gắn với trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, như vậy mới giải quyết được các vấn đề. Và để khơi thông được NƠXH, theo tôi cần phải có đủ 3 yếu tố gồm: nguồn vốn, quỹ đất và chính sách.

Trước hết về vốn, nếu chỉ kêu gọi Ngân hàng Nhà nước phải nới room tín dụng, phải giảm lãi suất vay thì sẽ rất khó. Bởi các ngân hàng thương mại cũng là những doanh nghiệp kinh doanh nên phải có lợi nhuận. Vì thế nên chăng hãy tìm nguồn vốn khác để vay phục vụ các chương trình xây dựng nhà NƠXH.

Thứ hai về quỹ đất, nên đưa ra cơ chế tiền đất trả chậm sẽ hiệu quả hơn là cơ chế giao đất không thu tiền. Khi giao đất không thu tiền các địa phương sẽ không mặn mà bố trí quy hoạch cho các dự án NƠXH theo quy định. Đặc biệt cần sớm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các thủ tục để triển khai dự án NƠXH phải được thực hiện nhanh hơn dự án thương mại thông thường như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư.

Thứ ba, về chính sách cần phải phải thay đổi cách thức quản lý NƠXH; muốn làm tốt điều này, đòi hỏi phải có sự đồng hành của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và sự dấn thân của các chủ đầu tư, kể cả người dân. Sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và người dân sẽ tạo được nguồn lực lớn mạnh để phát triển NOXH.

PGS.TS Vũ Sĩ Cường, chuyên gia phân tích tài chính, Học viện Tài chính: “Cần phải chia sẻ lợi ích, tham gia sâu của ba bên, trong đó có nhà nước, doanh nghiệp và người dân”

Bài 3: Gỡ “nút thắt” theo góc nhìn từ các chuyên gia?
PGS. TS Vũ Sĩ Cường, chuyên gia phân tích tài chính, Học viện Tài chính: “Cần phải chia sẻ lợi ích, tham gia sâu của ba bên, trong đó có nhà nước, doanh nghiệp và người dân”.

Để giải quyết câu chuyện NƠXH, theo tôi cần phải chia sẻ lợi ích, tham gia sâu của ba bên, trong đó có nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Với vai trò Nhà nước, hiện chúng ta mới chỉ làm một thứ là miễn giảm thuế đất, còn chúng ta chưa miễn giảm thuế và phí. Với doanh nghiệp, chúng ta đừng kỳ vọng ngân hàng thương mại họ làm tốt, bởi không ai trông vào lợi nhuận khi làm nhà ở xã hội.

Nếu không có lợi ích kèm theo khác, doanh nghiệp khó làm, bản thân doanh nghiệp làm NƠXH không phải là làm kiểu từ thiện, nếu họ làm thì cũng cần có chính sách thuế khác khuyến khích, chứ không phải chính sách chung chung như hiện nay.

Đối với người dân, là đối tượng, khách hàng, lâu nay chúng ta đang hiểu NƠXH đang quá đơn giản, là NƠXH chỉ dành cho người thu nhập thấp. Tại sao lại chỉ giới hạn như vậy? Trong khi nhóm đối tượng người thu nhập trung bình cũng cần có nhà ở. Vậy chúng ta cần thiết phải quy định nhóm nào được tham gia mua NƠXH để phổ cập thêm phạm vi, khách hàng, nhằm hỗ trợ người dân. Vì vậy, chúng ta cần có chính sách, người có mức thu nhập từ trung bình, khi mua nhà ở sẽ được hưởng ưu đãi thấp hơn. Người có mức thu nhập thấp, khi mua nhà ở sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn và người ưu tiên đặc biệt sẽ được hưởng mức ưu đãi đặc biệt, trong đó có lãi suất và thời gian vay.

Thực tiễn hiện nay, người có thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân 11 triệu đồng/tháng quy định là không được mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, quyền sở hữu nhà ở được hiến định, tại sao chúng ta ngăn chặn việc họ phải đóng thuế thu nhập, không được mua NƠXH khi họ có nhu cầu và mức thu nhập chịu thuế hiện rất thấp.

Để phát triển mạnh mẽ phân khúc NƠXH như thời điểm 2010-2016, theo tôi, nhà nước cần tham gia hỗ trợ bằng chính sách, thuế, phí chứ không chỉ có hỗ trợ bằng 2-3% lãi suất.

Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: “Cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xét duyệt các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội”

Bài 3: Gỡ “nút thắt” theo góc nhìn từ các chuyên gia?
Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang: “Cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xét duyệt các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội”

Nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng NOXH, theo tôi Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn cụ thể trong việc xét duyệt các đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH về tiêu chí “không có nhà ở, đất ở” để Bắc Giang cũng như một số địa phương khác triển khai thực hiện một cách đồng nhất, tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành. Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đang xác định: Không có nhà ở, đất ở tại nơi làm việc, nơi cư trú. Vậy nơi làm việc, nơi cư trú cụ thể là tại xã, tại huyện hay trên địa bàn tỉnh?

Bộ Xây dựng cần hướng dẫn cụ thể về trình tự hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NƠXH để các địa phương triển khai thực hiện một cách đồng bộ đảm bảo tuân thủ theo quy định.

Đồng thời, xem xét, nghiên cứu tăng cường phân cấp, phân quyền về cho các địa phương trong việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi; thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở đối với các dự án nhà ở xã hội.

Bắc Giang đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ thu hút đầu tư xây dựng hoàn thành 14 dự án NƠXH cho công nhân, người thu nhập thấp; giai đoạn 2026 -2030 là 22 dự án. Tuy nhiên, với hàng loạt những khó khăn, vướng mắc, Bắc Giang mong muốn có được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương; qua đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 110-NQ/TU về phát triển NƠXH cho công nhân trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà Ban thường vụ Tỉnh ủy đã đặt ra.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, người có nhiều ý kiến, bài viết chuyên sâu về các chính sách liên quan đến đất đai và phát triển nhà ở xã hội: “Thay đổi tư duy và linh hoạt chính sách”

Bài 3: Gỡ “nút thắt” theo góc nhìn từ các chuyên gia?
Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh: “Thay đổi tư duy và linh hoạt chính sách”.

Để quyết định sự thành công của phát triển NƠXH thì có 2 vấn đề lớn nhất đã được các doanh nghiệp bất động sản chỉ rõ: Quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi. Nếu nguồn vốn vay tín dụng đã có hướng giải quyết thông qua gói 120.000 tỷ đồng thì vấn đề quỹ đất NƠXH chỉ có thể được giải quyết thông qua sửa đổi Luật Nhà ở.

Với chủ trương “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu”, tôi cho rằng, pháp luật nhà ở nên trao quyền quyết định bố trí quỹ đất, phát triển NƠXH cho chính quyền địa phương gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ.

Mỗi địa phương căn cứ nhu cầu thực tế về NƠXH có toàn quyền và chịu trách nhiệm về việc sắp xếp, bố trí quỹ đất NƠXH trong các đồ án quy hoạch, chi ngân sách hỗ trợ phát triển. Bộ Xây dựng và các cơ quan trung ương thay vì ấn định tất cả dự án phải dành “quỹ đất 20%” (giải pháp “tiền kiểm”) thì có thể thực hiện hậu kiểm việc tuân thủ và quy trách nhiệm cho các địa phương không hoàn thành mục tiêu phát triển NƠXH nói riêng, phát triển nhà ở nói chung.

Quỹ đất sạch, có kết nối hạ tầng (điện, đường, trường, trạm) chính là “điểm nghẽn” lớn nhất trong thực thi chính sách phát triển NƠXH hiện nay. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tháo gỡ theo hướng giao trách nhiệm bố trí quỹ đất này cho chính quyền địa phương.

Như vậy, các địa phương sẽ căn cứ nhu cầu thực tế về NƠXH của người dân để chủ động bố trí quỹ đất (được tùy chọn bố trí quỹ đất NƠXH độc lập hay trong đồ án quy hoạch khu đô thị). Việc trao quyền gắn liền với trách nhiệm (phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội) sẽ tạo cơ chế linh hoạt, sáng tạo cho địa phương triển khai thực hiện.

Ngoài ra, quỹ đất dành để phát triển NƠXH không chỉ “nằm trên giấy” (chỉ xác định trong các đồ án quy hoạch) như một số dự án gần đây mà UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm bố trí theo đúng nhu cầu của người dân trong Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, phải kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, phù hợp với nhu cầu sinh sống, làm việc của các đối tượng thụ hưởng.

Nếu làm tốt các giải pháp nêu trên thì vướng mắc lớn nhất của chính sách NƠXH hiện nay (quỹ đất sạch, có kết nối hạ tầng kỹ thuật) sẽ được tháo gỡ. UBND cấp tỉnh sẽ hoàn toàn giữ vai trò chủ động từ việc khảo sát, xác định nhu cầu NƠXH của người dân để đưa vào Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh chủ động bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển NƠXH ngay trong các đồ án quy hoạch.

Sau khi xác định được quỹ đất trong quy hoạch, UBND cấp tỉnh trực tiếp triển khai quy hoạch đó bằng cách sử dụng ngân sách để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đến ranh dự án, thậm chí hỗ trợ chủ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cả trong phạm vi dự án. Có được quỹ đất sạch đã kết nối hạ tầng kỹ thuật, UBND cấp tỉnh lựa chọn nhà đầu tư có năng lực triển khai dự án (chỉ định chủ đầu tư nếu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký; đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư nếu có từ hai nhà đầu tư trở lên đăng ký).

Ngoài ra, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã xác định vai trò, trách nhiệm chủ trì thực hiện chính sách NƠXH là của Nhà nước (thay vì việc giao trách nhiệm phát triển NƠXH cho chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị như hiện nay). Nếu các giải pháp trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được chính quyền địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả thì có thể tin vào thành công của Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NƠXH theo Quyết định số 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bàn luận thêm về các ý kiến trên, chúng tôi cũng đồng tình với quan điểm quy hoạch NOXH phải đi trước một bước, làm tốt công tác quy hoạch là chúng ta đã thành công được đến 80%. Quy hoạch thể hiện được tầm nhìn, vạch ra những định hướng quan trọng để triển khai thực hiện. Quy hoạch từ ngay nguồn đất sạch cho NƠXH phát triển, hay từng vị trí dự án được đặt ở đâu cũng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Trên cơ sở đó, đặt vị trí dự án NƠXH chỗ nào nào sẽ được tính toán theo khoảng cách từ nơi ở đến nơi làm việc sao cho hợp lý nhất. Ví dụ, khi quy hoạch 04 khu công nghiệp lớn nằm rải rác tại một địa phương thì đồng nghĩa chúng ta cũng phải tính toán đến quy hoạch vị trí để xây dựng các dự án NƠXH thuận tiện nhất cho người công nhân di chuyển, sinh hoạt, lao động tại mỗi khu công nghiệp này. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ giúp chiến lược phát triển NƠXH ổn định và bền vững hơn.

Đến lúc phát triển NƠXH theo cơ chế thị trường, tăng cường xã hội hóa nguồn lực tài chính cho NƠXH bằng cách khuyến khích, vận động tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia. Một chính sách mới phải làm nổi bật vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp với phát triển loại hình nhà ở này. Cần quy định rõ, cụ thể trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, như khi được sử dụng đất do Nhà nước thu hồi của người dân thì doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hỗ trợ cho người thuộc diện thu hồi đất một phần nào đó; hay khi sử dụng người lao động thì phải giải quyết nhà ở cho công nhân của mình…

Cũng phải nói thêm về trách nhiệm, đồng tình là vận động nguồn lực xã hội hóa để đạt được mục tiêu phát triển NƠXH. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm chủ yếu là của Nhà nước đã được hiến định trong Hiến pháp “Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở”.

Do vậy, để chính sách phát triển NƠXH thực sự đi vào cuộc sống thì các nội dung trong đó phải là cuộc sống của người dân; được công khai, minh bạch để người lao động thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận, các đối tượng vừa được thụ hưởng chính sách vừa phản biện chính sách hạn chế tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo đúng định hướng của Đảng ta.

Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Nhóm phóng viên điện tử

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load