(Xây dựng) – Kế thừa, phát huy những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời kỳ 2010-2020, khai thác sử dụng tối ưu các tiềm năng, lợi thế và nguồn lực hiện có. Tỉnh Thái Nguyên đang quyết tâm xây dựng trở thành “Một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội”.
Những năm trở lại đây, Thái Nguyên đang có sự bứt phá về phát triển kinh tế xã hội. |
Có thể thấy, để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, thì công tác quy hoạch đô thị là nhân tố quan trọng huy động, trong đó việc sử dụng nguồn lực hiệu quả và thúc đẩy chuyển biến diện mạo đô thị; hoàn thiện hạ tầng giao thông và nâng cấp chất lượng không gian sống.
Báo cáo ý tưởng Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050, Liên danh tư vấn GITAD cho thấy: Thái Nguyên là một tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, tiếp giáp với vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội và là điểm kết nối giữa ba vùng; Tiếp giáp với 6 tỉnh: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thủ đô Hà Nội; Giao điểm của các trục giao thông quốc gia và vùng, liên kết trực tiếp với trục kết nối với nhiều tỉnh, thành phố: Quốc lộ 3, Quốc lộ 3C, Quốc lộ 37…
Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp lớn của vùng trung du miền núi phía Bắc và là “lá chắn” bảo vệ cho vùng Thủ đô với vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng. Do đó việc triển khai Quyết định số 664/QĐ.TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 có ý nghĩa quan trọng. Trên cơ sở đó, quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được lập theo phương pháp tích hợp, tiếp cận hệ thống, tổng hợp, đa ngành và cân đối đa cấp, từ “dưới lên trên” là cơ sở khoa học và thực tiễn lập các quy hoạch cấp trên và điều chỉnh các quy hoạch cấp dưới, xây dựng cơ chế chính sách, kế hoạch, chương trình đầu tư phát triển tỉnh và triển khai các dự án cấp tỉnh trên địa bàn.
Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch sẽ bao gồm 09 đơn vị hành chính: 02 thành phố trực thuộc tỉnh, trong đó thành phố Thái Nguyên là thủ phủ của tỉnh và thành phố Sông Công; thị xã Phổ Yên thuộc tỉnh, 06 huyện (Đại Từ, Định Hóa, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương, Võ Nhai) với tổng diện tích tự nhiên 352.196 ha.
Phát triển kinh tế “xanh”
Thực tế hiện nay, mỗi tỉnh thành đều có đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán, đặc điểm địa hình khí hậu khác nhau. Do đó việc tư vấn, lập quy hoạch phải có khoảng thời gian để nghiên cứu và khảo sát. Bên cạnh đó, nhu cầu chất lượng sống cao đòi hỏi nhà phát triển cần quan tâm đến các yếu tố xanh, thông minh hiện đại, phát triển bền vững.
Việc xây dựng lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phải đảm bảo đáp ứng các yêu cầu định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường, phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch. Đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
Nhằm đảm bảo tính hiệu quả trong việc triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh, các cơ quan, ban ngành, các bộ phận chuyên môn, các chuyên gia đã đưa ra những phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế, dự báo các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù và thực trạng phát triển tỉnh Thái Nguyên, các mục tiêu và tầm nhìn đến 2050, từ đó dự báo triển vọng, nhu cầu và dự báo các kịch bản, đồng thời lựa chọn phương án phát triển, các chỉ tiêu định hướng phát triển của tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 – 2030. Đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá của tỉnh trong thời kỳ quy hoạch, đề xuất các phương án ý tưởng quy hoạch và phát triển tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự báo triển vọng, nhu cầu, các kịch bản và lựa chọn phương án phát triển thời kỳ 2021-2030 của Thái Nguyên (nguồn: Liên danh tư vấn GITAD). |
Quy hoạch phải dựa trên quan điểm phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên những dịch chuyển cơ cấu, kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh liên kết vùng, lấy phát triển kinh tế công nghiệp và kinh tế đô thị hóa làm “động lực” để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ, các lĩnh vực văn hóa xã hội và nông nghiệp an toàn, hữu cơ, ứng với công nghệ cao, phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và quản lý phát triển rừng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại…
Phát triển xã hội hợp tác, thân thiện và hài hòa, kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống điều kiện sinh kế và an sinh xã hội, y tế, xóa đói giảm nghèo, tăng chất lượng giáo dục, coi trọng phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, phát triển kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, các vùng khó khăn chậm phát triển.
Tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, tiết kiệm tài nguyên năng lượng và bản sắc rõ ràng. Khai thác và sử dụng tối ưu kết cấu hạ tầng hiện có, gắn với phát triển và mở rộng mạng lưới, kết cấu hạ tầng xã hội và kỹ thuật theo hướng hiện đại, đồng bộ, đặc biệt tại vùng trọng điểm phía Nam. Nâng cao hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.
Đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng gắn với bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên khoáng sản, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên và giữ vững cân bằng sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới một nền kinh tế xanh và thân thiện với môi trường.
Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế.
Cần có những tư duy đột phá
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miễn núi phía bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên trở thành thành phố trực thuộc trung ương với tiêu chí xanh, thông minh và có bản sắc rõ ràng, là “nơi đáng sống và đáng đến”.
Để sớm đạt được mục tiêu đề ra, Thái Nguyên cần phải phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở 5 khâu đột phá và đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, tập trung nâng cao năng suất phát triển kinh tế khu Công nghiệp và thu hút các nguồn vốn FDI, vốn doanh nghiệp hợp tác xã, dân doanh, PPP và ODA, chú trọng thu hút các nhà đầu tư chất lượng cao và nhà đầu tư chiến lược. Tăng cường đô thị hóa, hình thành phát triển các cụm ngành trọng điểm, đa dạng hóa công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ, tiếp tục phát triển công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xanh, sinh thái, tăng cường phát triển du lịch bền vững, đẩy mạnh chương trình Nông thôn mới.
Song song với đó là nâng cao hiệu quả hiệu lực quản lý Nhà nước, cải cách hành chính. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đồng bộ hệ thống kế cấu hạ tầng. Tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ các vùng sản xuất chè, cây ăn quả và các sản phẩm năng suất cao gắn với công nghiệp chế biến.
Dự báo về triển vọng, nhu cầu, các kịch bản và lựa chọn phương án phát triển thời kỳ 2021-2030, Liên danh tư vấn GITAD nhận xét: Phương án I thể hiện cấu trúc không gian hiện nay; còn phương án II là cấu trúc không gian tương lại khi tỉnh Thái Nguyên trở thành Thành phố trực thuộc trung ương sau năm 2030. Phương án II xác định hai vùng liên huyện: Vùng phía Nam là vùng đô thị hóa phát triển công nghiệp và các trung tâm dịch vụ lớn, là động lực phát triển toàn tỉnh, trong đó cụm các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên gắn với hành lang cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên – Quốc lộ 3, Quốc lộ 37 và Vành đai 5 là hạt nhân và 2 đô thị vệ tinh là thị xã Đại Từ và Thị xã Phú Bình trong tương lai. Vùng phía Bắc gồm 3 khu vực: Khu vực Đông Bắc là huyện Võ Nhai, trong đó chuỗi đô thị Đình Cả, Hóa Thượng, Sông Cầu, La Hiên và Quang Sơn gắn với hành lang Quốc lộ 1B; Khu vực Tây Bắc là huyện Định Hóa và khu vực Bắc gồm 2 huyện Phú Lương và Đồng Hỷ gắn với Quốc lộ 3, Quốc lộ 3C và đường Thái Nguyên – Bắc Cạn.
Dự báo triển vọng đối với các hành lang phát triển chính của tỉnh Thái Nguyên (Nguồn: Liên danh tư vấn GITAD). |
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, trước mắt tỉnh phải tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, sử dụng hợp lý các nguồn lực và áp dụng tiến bộ khoa học cách mạng 4.0 tạo sự tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp trở thành ngành mũi nhọn của tỉnh Thái Nguyên. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, trọng tâm là vùng phía Nam của tỉnh hướng tới đồng bộ và hiện đại. Đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng sâu, vùng xa. Xây dựng các trung tâm thu hút lớn CBD, đào tạo, y tế, du lịch tại cụm thành phố Thái Nguyên – Sông Công và thị xã Phổ Yên cải thiện bộ mặt đô thị. Đồng thời bảo vệ phát huy giá trị của vùng ATK, trung tâm của thủ đô kháng chiến và tổ hợp du lịch Hồ Núi Cốc, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Tập trung các nguồn lực kiểm soát, ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh.
Có thể nói, quy hoạch, phát triển đô thị gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong những yếu tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước. Khu vực đô thị không chỉ tạo tăng trưởng GDP mà còn góp phần tích cực vào chuyển dịch mô hình và cơ cấu tăng trưởng trong dài hạn, khẳng định vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các vùng, miền, góp phần giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nhìn nhận sớm vấn đề này, Thái Nguyên đã từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, xanh, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị lớn. Nâng cao chất lượng và quản lý tốt quy hoạch đô thị, bảo đảm phát triển bền vững… Có thể thấy, trong những năm gần đây kinh tế Thái Nguyên mang màu sắc mới với sự chuyển mình đi lên. Có vị trí địa lý thuận lợi, Thái Nguyên hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển kinh tế. Người dân kỳ vọng, nơi đây được đánh giá sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ phía Bắc.
Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt từ 50-52%, với ít nhất ba đô thị đạt chuẩn đô thị quốc tế. Những năm gần đây, quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu tích cực. Tính đến thời điểm tháng 6/2020, cả nước có 853 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt trực thuộc Trung ương (Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh), 20 đô thị loại I, 31 đô thị loại II, 43 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 672 đô thị loại V với tổng dân số đô thị là: 38.146.090 người (so với 500 đô thị các loại vào năm 1990, thì đây là một sự bứt phá tương đối mạnh trong quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam. |
Thanh Thanh – Đỗ Quang
Theo