Thứ hai 02/12/2024 15:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Luật Xây dựng (sửa đổi) 2014: Phù hợp với thực tế cuộc sống

Bài 2: Quản lý chặt chẽ dự án sử dụng vốn nhà nước

08:00 | 25/07/2014

(Xây dựng) - Đây chính là điểm cốt lõi của Luật Xây dựng (sửa đổi) nhằm khắc phục tình trạng lãng phí thất thoát, nâng cao chất lượng công trình.


Luật Xây dựng 2014 khắc phục tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Theo quy định của Luật Xây dựng (2014): Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tham gia vào tất cả các giai đoạn thực hiện dự án từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư bàn giao nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Trong đó các nội dung được đề cập phù hợp hơn với tình hình thực tế đảm bảo hiệu quả đầu tư, phòng chống lãng phí trong đầu tư xây dựng vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể như sau:

Phạm vi của Luật Xây dựng điều chỉnhcác hoạt động đầu tư xây dựng từ khâu quy hoạch xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cho đến khảo sát, thiết kế thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao bảo hành, bảo trì các công trình xây dựng. Sự điều chỉnh này áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc mọi nguồn vốn. Đây chính là điểm cốt lõi của Luật Xây dựng (sửa đổi) nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, khắc phục lãng phí thất thoát, nâng cao chất lượng công trình.

Hiện nay, đa số các dự án sử dụng vốn nhà nước đều lựa chọn áp dụng mô hình tổ chức ban quản lý dự án để trực tiếp quản lý từng dự án đầu tư xây dựng đơn lẻ. Cách làm này dẫn đến gia tăng về số lượng ban quản lý dự án, nhưng hạn chế về năng lực. Để khắc phục, Luật đã bổ sung quy định hình thức ban quản lý chuyên nghiệp, ban quản lý khu vực đối với các công trình đầu tư công. Không chỉ áp dụng với các dự án vốn ngân sách, những dự án chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước cũng phải vận hành theo cơ chế này.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng (2014) tập trung vào vấn đề đổi mới kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư. Trong đó, yêu cầu cơ quan chuyên môn về xây dựng phải tăng cường kiểm soát quá trình xây dựng trong tất cả các khâu nhằm chống thất thoát lãng phí, nâng cao chất lượng công trình xây dựng; Đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ từ các chủ thể tham gia qua hợp đồng xây dựng.

Thêm nữa, việc điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư còn được bổ sung thêm trường hợp: Khi chỉ số giá do Bộ Xây dựng và UBND tỉnh công bố trong thời gian thực hiện lớn hơn chỉ số giá được dùng để tính trượt giá khi lập tổng mức đầu tư của dự án (Theo Nghị định 83/2009/NĐ-CP không quy điều khoản này). Điều này phù hợp hơn với điều kiện thực tế vì thực tế có những dự án được triển khai trong nhiều năm khó có thể dự báo được chính xác về mức độ lạm phát và trượt giá của nhiều năm.

Ngoài ra, Luật Xây dựng 2014 cũng quy định cụ thể hơn cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư là cơ quan chuyên môn về xây dựng. Điều này là phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi chính phủ đang yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Tăng cường vai trò quản lý chất lượng

Trước khi Luật Xây dựng (2014) được Quốc hội thông qua, Bộ Xây dựng đã tích cực tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định 15/2013/NĐ-CP về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Nghị định về quản lý chất lượng đã được xây dựng và ban hành trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế và cơ bản thống nhất với quy định của Luật Xây dựng sửa đổi. Qua một năm thực hiện Nghị định số 15/2013/NĐ-CP công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng đã có những chuyển biến tích cực: Vai trò quản lý chất lượng công trình xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước đã được tăng cường tại các giai đoạn thiết kế, thi công và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xây dựng công trình, nhất là việc tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng công trình qua bước thẩm tra thiết kế.

Lương Anh Tuấn
Phó giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Hưng Yên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load