Thứ sáu 27/12/2024 14:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Du lịch /

Vịnh Bái Tử Long - Cửa du lịch “trên mở dưới khóa”

Bài 2: Một “vựa” sản phẩm du lịch hoang phí

15:01 | 14/02/2024

(Xây dựng) - Những ngày sau Tết Giáp Thìn, bến tàu Vũng Đục thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) khách thập phương kéo đến rất đông, chen chân thuê tàu ra vịnh Bái Tử Long. Chúng tôi nhập vào dòng người ra khơi mới hay, cách đất liền không xa có một quần thể văn hóa cổ thu hút du khách trảy hội, vãn cảnh đầu xuân.

Bài 2: Một “vựa” sản phẩm du lịch hoang phí
Đảo Cống Đông - Cống Tây trong quần thể thương cảng Vân Đồn.

Những con tàu nhỏ chở khách cập bến đảo Thẻ Vàng, mặt bến mộc mạc nhưng dưới nước biển trong xanh, trên cây rừng mượt mà trong tiết mưa xuân. Xa xa nghe văng vẳng tiếng chuông chùa, một bác dáng bộ Phật tử mau miệng bảo, đấy là chuông chùa Duyên Phúc một trong những ngôi chùa cổ được xây dựng sớm ở vùng hải đảo Đông Bắc, ngay những năm đầu vua Lý Anh Tông mở đất xây dựng thương Cảng Vân Đồn. Còn khoe, đảo Thẻ Vàng là một trong số 7 hòn đảo lớn của quần đảo với 92 hòn đảo lớn nhỏ của xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn. Xã Thắng Lợi có nhiều hòn đảo đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa như các đảo: Cống Đông, Cống Tây, Thẻ Vàng, Vạn Cảnh, Phượng Hoàng và đảo Nêm.

Bài 2: Một “vựa” sản phẩm du lịch hoang phí
Đảo Thẻ Vàng rộng gần 800ha, là một trong số 7 hòn đảo lớn của quần đảo với 92 hòn đảo lớn nhỏ thuộc xã Thắng Lợi.

Đảo Thẻ Vàng rộng gần 800ha, từng có 50 hộ được giao đất giao rừng, tiêu biểu cho hoạt động kinh tế nghề rừng của xã Thắng Lợi. Năm 1996, UBND tỉnh Quảng Ninh giao 118,65ha đất, mặt nước cùng 1.252,6m2 lán trại cho mỏ than Cao Sơn nuôi trồng thủy sản và làm nơi tham quan nghỉ dưỡng cho thợ mỏ. Năm 2008, mỏ than Cao Sơn không còn nhu cầu sử dụng, trả lại cho địa phương. Theo đó, địa phương thu hồi và giao cho Công ty Hoàng Trường quản lý, sử dụng. Cùng trên đảo này, Công ty Ngọc Long quản lý, sử dụng 111,6ha, trong đó có 97ha là đất trồng và bảo vệ rừng; 14,6ha đất mặt nước nuôi trồng thủy sản… Đất có nguồn gốc từ thị đoàn Cẩm Phả khai khẩn để trồng cây, làm dịch vụ du lịch đã được UBND huyện Vân Đồn chuyển giao theo Quyết định số 113/QĐ-UB, ngày 12/3/1993. Ngày 12/8/2016, Ban quản lý Khu kinh tế ban hành Quyết định số 178/QĐ-BQLKKT, phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Dự án trồng rừng và du lịch sinh thái tại đảo Thẻ Vàng. Đến nay hạng mục du lịch sinh thái chưa được cấp phép, nhưng đảo Thẻ Vàng vẫn là điểm du lịch hấp dẫn du khách xa gần, nhưng đón khách “chui”, ngành du lịch không quản lý.

Bài 2: Một “vựa” sản phẩm du lịch hoang phí
Chùa Duyên Phúc trên đảo Thẻ Vàng.

Trên đảo Thẻ Vàng chùa Duyên Phúc là điểm du lịch tâm linh trọng tâm. Tục truyền chùa Duyên Phúc do một chúa cảng Vân Đồn thời Trần Triều và các thương thuyền hưng công xây dựng, cùng niên đại với công trình xây dựng đền Vạ Giếng trên đảo Vạ Giếng. Đảo Thẻ Vàng và đảo Vạ Giếng thế núi cao như hai vị hộ pháp trấn giữ luồng tàu vào cụm thương cảng Vân Đồn (nay là vùng neo cảng Con Ong - Hòn Nét), đáp ứng nhu cầu tâm linh của thương gia, thương thuyền...mưu cầu tàu bè ngược xuôi thuận buồm mát mái.

Đảo Cống Đông - Cống Tây (Thắng Lợi) như hai cầu cảng lớn, tương truyền dịch vụ cảng ở đây có sớm hơn lạch cảng Cái Làng (Quan Lạn), cùng trong quần thể thương cảng Vân Đồn. Hiện hai điểm thương cảng cổ được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định cùng số 1225/QĐ-TTg ngày 24/10/2023 xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 14). Cống Đông di tích cảng nước sâu, rộng trên 100m, biển lặng sóng, hai bờ là hai hòn đảo dài và rộng, một bên gọi là hòn Cống Đông, một bên gọi là hòn Công Tây còn gọi là hòn Thừa Cống. Các nhà sử học xác định Công Tây là bến cảng dài và rộng nhất trong cụm thương cảng Vân Đồn cổ. Hòn Thừa Cống dài 6km, rộng 1km (hiện là trung tâm xã Thắng Lợi), nơi có mật độ di tích lịch sử văn hóa dày nhất vùng thương cảng cổ Vân Đồn. Tổng cộng có trên 10 di tích đã được xếp hạng và trong danh mục kiểm kê, phân loại bổ sung vào danh mục xếp loại di tích. Nhiều công trình tuy chỉ còn phế tích, nhưng ngàn năm bia đá thì mòn, dân gian truyền tục thì không mòn. Vùng Cống Đông xưa có ngôi chùa Lấm rộng 100 gian (xã Thắng Lợi đang lập dự án trùng tu khôi phục); và một tòa bảo tháp cao 14 tầng, hai công trình tín ngưỡng lớn nhất và có niên đại sớm nhất ở vùng Đông Bắc.

Bài 2: Một “vựa” sản phẩm du lịch hoang phí
Đền Vạ Giếng trên đảo Vạ Giếng.

Lịch sử thăng trầm, có thời kỳ xã Thắng Lợi chỉ là một làng chài của xã Giang Võng, do tri huyện Hoành Bồ quản lý. Ngày giải phóng khu mỏ ta vận động ngư dân nên bờ định cư thắng lợi thì đặt tên là xã Thắng Lợi, hiện có 442 hộ với 1.865 nhân khẩu. Vùng hải đảo này từng là thương cảng sầm uất ba triều đại phong kiến Việt Nam, các tầng văn hóa phát triển, danh thiêng “ hữu xạ tự nhiên hương”, đầu xuân du khách tìm đến. Các di tích: Chùa Lấm, chùa cây Quéo, chùa Cát, chùa Trong, chùa Chuồng Bò, hang Quan, bảo tháp...tuy nay chỉ còn là phế tích, hoặc gạch mộc mái tôn dựng tạm. Chùa Duyên Phúc và đền Vạ Giếng được trùng tu, xây dựng trang trọng.

Bài 2: Một “vựa” sản phẩm du lịch hoang phí
Ngày sau Tết Giáp Thìn, bến tàu Vũng Đục thành phố Cẩm Phả đông khách ra vịnh Bái Tử Long.

Chùa Duyên Phúc, do Công ty Cổ phần Ngọc Long nòng cốt đầu tư cùng những người thiện tâm xa gần hưng công xây dựng. Một cụm di tích văn hóa cổ đại nhưng hoạt động vãn cảnh ngày xuân còn như vụng trộm, bởi chưa được cấp phép điểm du lịch, chưa được cấp phép luồng bến thủy nội địa. Du khách, người hành hương khó nhọc rời tàu lên các hòn đảo đẹp bằng cây cầu “khỉ” bấp bênh và bông tông cầu cảng tạm bợ, vãn cảnh thanh thiên mà như chui lủi. Quần đảo xã Thắng Lợi, Cống Đông - Cống Tây thương cảng Vân Đồn xưa “vựa” sản phẩm du lịch quý mà để hoang phí.

Vũ Phong Cầm

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load