(Xây dựng) - Những năm gần đây, nhiều địa phương trên phạm vi toàn quốc tổ chức phố đi bộ, nhằm cải thiện đời sống văn hóa trong khu dân cư và phát triển du lịch cộng đồng. Không ít địa phương đổ tiền tỷ ngân sách ra đầu tư nhưng không thành thì huyện Tiên Yên lại tổ chức thành công. Phóng viên Báo Xây dựng thực tế nhận thấy kinh nghiệm xây dựng phố đi bộ ý Đảng phải hợp với lòng dân.
Họa sĩ Nghiêm Vinh tặng tranh cho Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Hoàng Văn Sinh ngay tại nơi mình sáng tác, nét đẹp văn hóa đường phố. |
Phố đi bộ Tiên Yên định kỳ vào thứ 7 hàng tuần và các ngày Lễ. |
Huyện Tiên Yên diện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, nhưng có vị trí đắc địa, đất bán sơn địa - ven biển, cửa ngõ của vùng Đông Bắc bộ kết nối với vùng rừng Tây Bắc. Nơi cột km đầu tiên của QL4, con đường vàng đai II dài 770,3km, thông thương từ Cảng biển Mũi Chùa ở đây đến 7 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam. Thời phong kiến, Tiên Yên từng là trấn lỵ cấp tỉnh. Thời thuộc Pháp là một đặc khu kinh tế - chính trị và quân sự lớn. Hiện đất Tiên Yên còn trên 200 di tích, phế tích; nhiều di đã được đã xếp hạng, như nhà cổ - phố cổ, rạp chiếu phim, tiệm nhảy, sân bay...có thể tôn tạo thành sản phẩm du lịch.
Đô thị cũ thành phố đi bộ mới
Trong công cuộc đổi mới, dưới ánh sáng đổi mới của Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Yên quán triệt giá trị văn hóa là nền tảng, phát triển kinh tế xã hội là mục tiêu đã lập đề án thành lập phố đi bộ. Khi ấy, Bí thư Huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện là Trương Công Ngàn, trực tiếp chỉ đạo, thành lập Ban Tổ chức điều hành cấp huyện. Theo đó, các văn nghệ sĩ, nòng cốt là Hội Văn học-Nghệ thuật huyện được trưng cầu ý kiến về nội dung hoạt động văn -thể ở phố đi bộ.
Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Tiến sĩ Đào Huy Toàn cho biết, tháng 3/2017, khi ấy mình là Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy đã cùng với Đảng ủy, UBND thị trấn Tiên Yên tuyên truyền chủ trương sáng lập, xây dựng phố đi bộ tại 2 khu phố: Hòa Bình và Lý Thường Kiệt. Và tiêu đề (slogan): “Hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố” do nghệ sĩ Phạm Thành (khi ấy là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh) đề xuất và được công nhận.
Ngày 02/8/2017, phố đi bộ Tiên Yên khai trương đi vào hoạt động, định kỳ vào thứ 7 hàng tuần và các ngày lễ; trên tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm về công tác tổ chức quản lý, vận hành, bổ sung các sản phẩm văn hóa- văn nghệ, các dịch vụ văn hóa ẩm thực chợ đêm.
Phố đi bộ Tiên Yên hình thành trên cơ sở hạ tầng đô thị hiện có với thâm niên hàng trăm năm, được quy hoạch thành 3 khu vực gồm: Phố văn hóa dân gian, dài 302m; Phố ẩm thực dài 308m. Phố chợ dài 270m; Phố đi bộ có trên 20 hạng mục, đáp ứng nhu cầu du khách như: 3 sân khấu ngoài trời; 9 căn nhà cổ; con đường ánh sáng; con đường hoa; cổng chào con rồng; quầy hàng trưng bày và bán y phục các dân tộc sơn khu - hải đảo, vật dụng truyền thống của các dân tộc rẻo cao vùng Đông Bắc bộ; hệ thống đèn màu; cụm tranh bích họa-tiểu cảnh, biểu tượng giống gà đặc sản Tiên Yên từng có truyền thuyết là giống gà công - gà tiến vua thời phong kiến, nay được địa phương mở hội thi gà vinh danh là gà Vua, gà Hoa hậu… Không gian kiến trúc hài hòa, tận dụng hạ tầng hiện có và tôn tạo cảnh quan-môi trường.
Năm 2017, khi mới tổ chức, tuyến phố đi bộ dài 880m nằm ở hai khu phố là phố Hòa Bình và phố Lý Thường Kiệt mật độ dân đông. Trong đó, đoạn nằm trên phố Hòa Bình dài 400m, tổng số hộ dân hai mặt tiền là 89 hộ; và đoạn nằm trên phố Lý Thường Kiệt dài 480m, số hộ dân hai mặt tiền là 92 hộ. Phố đi bộ phát triển tịnh tiến hằng năm.
Năm 2018, Phố đi bộ Tiên Yên được mở rộng thêm 230m chiều dài và có thêm 86 hộ dân thuộc khu phố Lý Thường Kiệt. Năm 2022, phố đi bộ mở rộng sang phố Quang Trung, thêm 400m, tổng chiều dài hiện nay là 1.510m…
Theo đó là các dịch vụ vệ sinh công cộng, cảnh quan - môi trường đi kèm, hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân trong khu dân cư.
“Hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố”
Phố đi bộ Tiên Yên đặt mục tiêu giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể-phi vật thể vùng Đông Bắc bộ; tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, văn hóa ẩm thực truyền thống địa phương có giao lưu các nền văn hóa mới theo xu hướng hội nhập. Các hoạt động thả bộ thư dãn… cải thiện đời sống tinh thần cho dân; và tạo ra sản phẩm du lịch để phát triển kinh tế du lịch cộng đồng.
Trục phố đi bộ gồm ba sân khấu ngoài trời, là 3 địa điểm văn hóa tụ hội du khách. Mỗi sân khấu có một hình thức hoạt động nghệ thuật riêng. Sân khấu chính đặt tại khu vực bến xe Tiên Yên, khang trang, hội tụ và lan tỏa những ngôi sao giới âm nhạc trong và ngoài tỉnh. Chính người dân, người hâm mộ tự kết nối thu hút các đoàn nghệ thuật lớn của tỉnh và của Trung ương, các nghệ sĩ nổi tiếng về biểu diễn tháo khoán, miễn phí. Các đoàn văn công từng đến lưu diễn như: Nhà hát Chèo Trung ương; Đoàn kịch, nghệ thuật Quảng Ninh; đoàn nghệ thuật thành phố Cẩm Phả, Hải Hà, Đầm Hà, Ba Chẽ...; nghệ sỹ nhân dân Tự Long; nghệ sĩ ưu tú từng giành giải nhất giải Sao Mai - Hoàng Tùng; các nghệ sĩ Saxophone Quyền Văn Minh, Phan Anh Dũng; ca sĩ Thiên Bảo giải nhì solo cùng Bolero toàn quốc 2017; các ca sỹ Bolero chung kết khu vực phía bắc; ca sĩ Thế Hậu, Thúy Nga... Sự giao lưu các dòng nghệ thuật đẳng cấp đã tạo ra các show diễn chất lượng cao, thu hút khán giả thập phương, trong đó có nhiều người hâm mộ âm nhạc ở mãi tít tỉnh Lạng Sơn hạ sơn đến xem.
Sân khấu tại khu vực Ngân hàng Nông nghiệp, là sàn diễn nghệ thuật ngoài trời của tuổi trẻ với các chương trình trẻ trung, sôi động của lứa tuổi thanh thiếu niên một cách đa dạng: Hội thi hát bolero tuổi trẻ; một số ban nhạc trẻ - câu lạc bộ nghệ thuật trẻ ở các huyện thị bạn có mối quan hệ giao lưu văn hóa do Đoàn Thanh niên huyện kết nối. Cứ y hẹn lại lên các buổi biểu diễn; tọa đàm trao đổi lịch sử văn hóa Tiên Yên, nối vòng tay lớn kết bạn thân thiện-khêu tích cũ “chợ tình vùng cao” vào thời đại mới. Hoạt động văn hóa kết bạn phương xa do Đoàn Thanh niên huyện chủ trì, nhiều nam nữ ở khe bản hẻo lánh cách xa nhau nên vợ nên chồng.
Sân khấu tại khu vực trường Tiểu học, có sắc thái riêng biệt, với các hoạt động nghệ thuật mang tính "đường phố" nòng cốt là các CLB khiêu vũ, ca sĩ "cát bụi", hát, biểu diễn nhạc cụ... Người dân tự nguyện tham gia các hoạt động ca hát, khiêu vũ tự do theo sở thích. Các góc hoạt động ở đây phong phú loại hình văn hóa đáp ứng nhu cầu trẻ em như: Thư viện sách và đọc sách, vẽ tranh và trưng bày tranh, chơi các trò chơi năng khiếu kiến trúc xếp hình... Góc trò chơi dân gian với các hoạt động như đi cà kheo, trò chơi ô ăn quan, nhảy sạp, nhảy dây, bịt mắt bắt vịt, bắt lợn, đập niêu…
Các sân khấu ngoài trời, văn nghệ đường phố cũng là nơi công bố các tác phẩm nghệ thuật mới sáng tác của các văn- nghệ sĩ xa gần sáng tác về đất và người Tiên Yên. Ngẫu nhiên là động lực lôi kéo phong trào sáng tác văn học-nghệ thuật đua nở, đưa Tiên Yên huyện duy nhất toàn quốc có nhiều xã mở trại sáng tác văn học - nghệ thuật. Huyện có kho tàng văn học-nghệ thuật lớn, có nhiều tác phẩm nghệ thuật độc đáo như viết sử đô thị Tiên Yên bằng ảnh; và một huyện có đến trên 200 ca khúc- bài hát hay về địa phương.
Nơi xúc tiến thương mại
Phố đi bộ Tiên Yên không chỉ là trung tâm hoạt động văn-thể, nơi rèn luyện “chân cứng đá mềm”, thư giãn và một diễn đàn công chúng về văn hóa-nghệ thuật mà còn có nét đẹp mới góc phiên chợ đêm, nơi quảng bá thương hiệu sản phẩm Ocop, xúc tiến thương mại của địa phương.
Hàng năm phố đi bộ Tiên Yên thu hút từ 90.000-100.000 lượt khách du lịch. Riêng 9 tháng đầu năm 2023 đã đón trên 120 nghìn lượt khách, trong đó có 47% là khách vãng lai ở các huyện thị và tỉnh ngoài, có 5% là khách nước ngoài... Khu phố bỗng trở thành phiên chợ đêm sầm uất. Nhà nhà, người người mặt phố đua nhau mở cửa hàng bán văn hóa phẩm, y phục dân tộc, đồ lưu niệm, mở dịch vụ ăn đêm với những món ăn đặc sản của vùng Đông Bắc bộ và Tiên Yên.
Trên toàn tuyến phố đi bộ có 372 hộ mặt tiền thì trên 160 hộ mở cửa hàng - cửa hiệu kinh doanh; trong đó, 115 hộ kinh doanh cố định tại nhà chủ yếu là bán hàng bách hóa tổng hợp, hàng may sẵn, giày dép, nông sản thực phẩm thương hiệu Ocop của địa phương và đồ dùng gia dụng. 45 hộ kinh doanh lưu động, chủ yếu là đáp ứng nhu cầu văn hóa ẩm thực đường phố ban đêm.
Nhiều hộ nhờ vào chợ đêm mà đời sống khấm khá. Chợ đêm như bà đỡ giúp nhiều hộ xóa nghèo, trở lên giàu có ngay chính trong căn nhà ở của mình. Hộ ông Hoàng Văn Đoàn ở phố Lý Thường Kiệt, trước đây diện lao động tự do, tha phương tìm việc, việc làm buổi đực buổi cái không ổn định, hầu như chỉ làm ngày ăn bữa; nay mở hàng bán bánh mỳ - nước giải khát có thu nhập ổn định. Hộ ông Nguyễn Văn Dũng, hộ ông Đinh Tiến Mạnh… bỏ nghề cơ khí nặng nhọc, chuyển sang làm dịch vụ vui chơi giải trí vừa có thu nhập còn giải quyết được thêm lao động nhàn rỗi trong gia đình.
Phố đi bộ Tiên Yên nhịp điệu văn hóa mới, động lực xóa nghèo-làm giàu đã lan tỏa đến các thôn bản hẻo lánh vùng cao biên giới Quảng Ninh. Bởi phố đi bộ là cầu nối cho lớp thanh niên dân tộc thiểu số ở khe bản, mỗi lần xuống huyện là một lần được làm quen với sản xuất hàng hóa. Được tiếp thu nếp sống văn minh đô thị, xua đi những tàn dư văn hóa cũ cổ hủ, lạc hậu. Người ốm thì đến bệnh viện, không nhờ thày Mo đến cúng ma. Người dao vốn có tập tục xây dựng nhà vệ sinh xa nơi ở, nay xã Hà Lâu nơi nhiều bà con dân tộc dao sinh sống, dân khe bản trên 80% hộ đã xây dựng tolet hợp vệ sinh. Nhiều hộ xây dựng nhà ở khép kín, tolet liền phòng cải thiện chất lượng cuộc sống.
Chợ đêm trong phố đi bộ, còn là thị trường tiêu dùng, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, phát triển đặc sản của địa phương. Các món ăn truyền thống ở Tiên Yên như bánh Gật gù, thịt kho Khau nhục, Dưa muối úp thảm, Sườn rán, thịt gà Râu bản địa, xôi Ngũ sắc… Thường là món ăn lạ miệng, nhưng khoái khẩu của du khách thập phương đến phố đi bộ, bước vào chợ đêm Tiên Yên.
Một điều thú vị, mới đây, đặc sản thịt gà Tiên Yên được các đầu bếp của nhà hàng Hồng Hạnh (thành phố Hạ Long) mang đi dự thi đầu bếp thế giới về ẩm thực tại Malaysia; khi chế biến gọi là món “phượng hoàng tam sắc” đã giành được giải Bạc. Hai đầu bếp Nguyễn Đức Xuân và Đàm Quang Phiên người trực tiếp đi dự thi cũng một phần nhờ phiên chợ đêm Tiên Yên mà họ được tiếp cận nhiều hơn với đặc sản gà Tiên Yên và phát hiện nhiều thực khác hâm mộ, thì nẩy ra ý tưởng chọn món thịt gà Tiên Yên để dự thi nghề đầu bếp quốc tế và “Hữu xạ tự nhiên hương”là vậy.
Công trình ý Đảng hợp lòng dân
Phố đi bộ Tiên Yên hình thành điều kiện tiên quyết là phải hợp với lòng dân, người dân sinh sống ở đây phải có lợi, không áp đặt theo ý trí chủ quan. Khi mới ra đời, những ngày đầu cũng gặp bao trắc trở; người dân lo ngại về sự ồn ào, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tính khả thi của mô hình mới chưa có trong tiền lệ ở đô thị miền núi.
Khi ấy, Huyện ủy cùng với cấp ủy từ khu phố, thị trấn bám sát địa bàn tuyên tuyền, giải thích về chủ trương và lợi ích phố đi bộ; đồng thời, cử cán bộ và mời đại diện nhân dân hai khu phố Hòa Bình, Lý Thường Kiệt đi tham quan học tập phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) để “trăm nghe không bằng một thấy” bà con thực mục lợi ích các hộ dân trong lòng phố đi bộ.
Được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là những hộ mặt tiền tự chăng đèn-kết hoa, làm cho đô thị đêm đến lung linh huyền ảo. Định kỳ vào các buổi tối cuối tuần, ngày lễ…là mở Hội phố đi bộ và phiên chợ đêm, thì cả thị trấn Tiên Yên náo nức vui như ngày Tết. Thanh niên nam nữ các khe bản xa gần đổ về vui chơi, kết bạn, thưởng thức văn hóa - nghệ thuật, văn hóa ẩm thực. Các sân khấu trống phách nổi lên, chỗ này văn nghệ tự biên tự diễn “cây nhà lá vườn”. Có hộ 2-3 người một nhà cùng lên sân khấu múa hát tập thể, còn thường thì gia đình có một người biểu diễn là cả nhà kéo đến xem cổ vũ. Chỗ kia, nhóm ca sĩ, nhạc công giọng hát hay-tay đàn giỏi đã thành danh, nghe tiếng thơm phố đi bộ Tiên Yên điểm du lịch văn hóa vùng cao hấp dẫn thì tự tìm đến biểu diễn góp vui, không thu phí.Tạo ra chương trình ca nhạc chất lượng cao, thu hút giới hâm mộ trong và ngoài huyện.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Tiên Yên, Nguyễn Thị Hương cho biết, các chương trình văn nghệ đường phố là hồn cốt của phố đi bộ; địa phương không áp đặt mà theo sở thích của dân, miễn là vui chơi bổ ích-thiết thực, khuyến khích các tiết mục văn nghệ đơn giản mà hấp dẫn người xem. Các vấn đề mà Đảng ủy bàn về thiết chế văn hóa, chỉnh trang hạ tầng, mở rộng phố đi bộ đều được tuyên truyền rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng; còn truyền hình trực tiếp trên trang mạng xã hội để người dân hiến kế thêm và phản biện; đồng thời cùng là kênh toàn dân quảng bá hình ảnh phố đi bộ Tiên Yên đến với bầu bạn trong và ngoài nước.
Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Yên, Nguyễn Văn Nhanh cho biết, phố đi bộ Tiên Yên hình thành trên cơ sở hạ tầng đô thị hiện có, cũng có những bất cập mà sau này các nhà qui hoạch, kiến trúc đô thị phải nghĩ đến. Thị trấn Tiên Yên đang tiếp tục chỉnh trang đô thị phù hợp với yêu cầu hạ tầng của phố đi bộ, kết hợp giữa hạng mục xây dựng cũ và mới, lưu giữ bồi trúc bảo tồn nhà cổ, phố cổ Tiên Yên. Công trình phố đi bộ người dân sát sườn được hưởng lợi thì các hộ đồng tâm ủng hộ nhường đường xẻ lối, hiến tặng vật tư. Các hạng mục đầu tư thì nhà nước và nhân dân cùng làm, công trình ý Đảng hợp với lòng dân.
Một số hình ảnh về phố đi bộ Tiên Yên:
Các khu phố tự tổ chức liên hoan văn nghệ trên sân khấu đường phố. |
Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Tùng, giải Nhất Sao mai từng biểu diễn miễn phí tại phố đi bộ Tiên Yên. |
Lãnh đạo huyện Tiên Yên thường đến xem, cổ động cho các chương trình văn nghệ trên sân khấu đường phố. |
Xem con cháu mình ca hát, là niềm vui khỏe của tuổi già. |
Chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số rẻo cao, được dịp thư giãn khoe nhan sắc. |
9 tháng đầu năm 2023, đón trên 120 nghìn lượt khách có 5% là khách nước ngoài. |
Hoạt động văn hóa kết bạn phương xa do Đoàn Thanh niên huyện chủ trì, nhiều nam nữ ở khe bản hẻo lánh cách xa nhau đã nên vợ nên chồng. |
Các làn điệu dân ca, tấu nhạc cụ dân tộc vùng cao có sân chơi, được nhiều người xem cổ vũ. |
Phố đi bộ có 372 hộ mặt tiền thì trên 160 hộ mở cửa hàng kinh doanh, lợi thu thương mại ngay trong căn nhà ở của mình. |
Vũ Phong Cầm
Theo