Thứ sáu 27/12/2024 02:48 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Luật Xây dựng (sửa đổi) 2014: Phù hợp với thực tế cuộc sống

Bài 1: Đổi mới công tác quy hoạch

20:43 | 22/07/2014

(Xây dựng) - LTS: Luật Xây dựng 2014 vừa được Quốc hội ban hành được các cơ quan chức năng, các chuyên gia và những người làm xây dựng đánh giá cao. Báo Xây dựng xin giới thiệu loạt bài viết của tác giả Lương Anh Tuấn - Phó giám đốc Phụ trách Sở Xây dựng Hưng Yên về vấn đề này.


Luật Xây dựng 2014 có nhiều quy định đổi mới về nội dung, phương pháp lập quy hoạch.

Luật Xây dựng (2003) và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành tương đối đầy đủ, ngày càng hoàn thiện, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng thuộc mọi nguồn vốn.

Luật Xây dựng được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư có cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng, qua đó đã huy động được một lượng lớn nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển; đồng thời là công cụ hữu hiệu để các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng theo đúng pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, Luật Xây dựng (2003) cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: 

Luật Xây dựng (2003) và các văn bản hướng dẫn dưới Luật còn có những quy định thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, chồng chéo với một số văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai. Một số quy định trong các văn bản hướng dẫn Luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế, không đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước; một số văn bản phải thay đổi nhiều lần trong thời gian ngắn, làm cho việc triển khai bị động, lúng túng, đặc biệt là vấn đề xử lý chuyển tiếp giữa các quy định cũ và mới: Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, Nghị định 112/2006/NĐ-CP, Nghị định 83/2009/NĐ-CP và Nghị định 12/2009/NĐ-CP; các Nghị định về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng, gồm: Nghị định 111/2006/NĐ-CP, Nghị định 58/2008/NĐ-CP, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP; các Nghị định về quản lý chi phí, gồm: Nghị định 99/2007/NĐ-CP, Nghị định 03/2008/NĐ-CP, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP, Nghị định số 48/2010/NĐ-CP…

Luật Xây dựng (2014) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 đã khắc phục những hạn chế tồn tại nêu trên; có nhiều điểm mới của Luật mà khi triển khai thực hiện sẽ phù hợp và sớm đi vào thực tế cuộc sống.

Luật Xây dựng (sửa đổi) hướng đến việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, hoạt động xây dựng; đồng thời tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch (QH) xây dựng, kiến trúc, cảnh quan.    

Vấn đề QH xây dựng hiện đang được quy định tại hai văn bản pháp luật là Luật Xây dựng và Luật QH đô thị. Tại Luật Xây dựng 2003, các nội dung quy định cho công tác QH xây dựng gồm: QH xây dựng vùng, QH xây dựng đô thị, QH điểm dân cư nông thôn. Năm 2009, Luật QH đô thị được ban hành đã quy định cụ thể các nội dung QH trong đô thị, quy định chi tiết đối với công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các đồ án QH đô thị.

Như vậy, những nội dung liên quan đến QH đô thị không đề cập đến trong Luật Xây dựng (sửa đổi) lần này. Đồng thời, những quy định về QH xây dựng vùng và QH xây dựng nông thôn cũng đã được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cụ thể và chi tiết hơn nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về QH xây dựng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực hiện. Quy định cụ thể các đối tượng lập QH gồm: QHXD vùng như QH vùng liên tỉnh, vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện, vùng dọc tuyến đường cao tốc; QHXD khu chức năng đặc thù, QHXD nông thôn, riêng QHXD đô thị được thực hiện theo Luật QH đô thị.

Luật Xây dựng (sửa đổi) cũng có nhiều quy định đổi mới về nội dung, phương pháp lập QH, về trách nhiệm, quy trình lập, công bố QH và quản lý thực hiện QH xây dựng. Đảm bảo QH xây dựng phải đi trước một bước, có chất lượng, làm cơ sở thực hiện các dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo QH. Cụ thể tại chương II về QH xây dựng đã chia ra các mục như: Mục 2: QH xây dựng vùng, gồm các nội dung: đối tượng và trách nhiệm tổ chức lập QH xây dựng vùng; nhiệm vụ và đồ án QH xây dựng vùng.

Mục 3: QH xây dựng khu chức năng đặc thù ngoài đô thị, gồm các nội dung: đối tượng và trách nhiệm lập QH xây dựng khu chức năng đặc thù ngoài đô thị; các loại QH xây dựng khu chức năng đặc thù ngoài đô thị; QH chung xây dựng khu chức năng đặc thù ngoài đô thị; QH phân khu chức năng đặc thù ngoài đô thị; QH chi tiết khu chức năng đặc thù ngoài đô thị.

Mục 4: QH xây dựng nông thôn, gồm các nội dung: đối tượng, loại và trách nhiệm tổ chức lập QH xây dựng nông thôn; QH chung xây dựng nông thôn; QH chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn.

Đối với công tác điều chỉnh QH được quy định tại mục 6 nêu khá đầy đủ, chi tiết, thuận lợi cho việc thực hiện mà trước đây chưa được quy định trong Luật Xây dựng (2003) như: Điều chỉnh QH, gồm các nội dung: rà soát QH xây dựng; điều kiện điều chỉnh QH xây dựng; nguyên tắc điều chỉnh QH xây dựng; các loại điều chỉnh QH xây dựng; trình tự tiến hành điều chỉnh tổng thể QH xây dựng; trình tự tiến hành điều chỉnh cục bộ QH xây dựng. Tại Luật lần này còn có riêng một điều (điều 15) quy định việc rà soát QH xây dựng theo định kỳ, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Những quy định cụ thể về QH xây dựng tại văn bản pháp luật này là văn bản pháp lý quan trọng góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của công tác lập QH xây dựng và quản lý QH hiện nay; là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về QH xây dựng, của tổ chức và cá nhân tham gia các hoạt động QH xây dựng; phân định quản lý nhà nước và quản lý của nhà đầu tư; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong quản lý QH và đầu tư xây dựng.

Lương Anh Tuấn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load