(Xây dựng) – UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành Văn bản số 223/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”. Đề án thực hiện sẽ khai thác tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống đặc sắc, góp phần phát triển, triển khai có hiệu quả chương trình OCOP và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Làng quan họ Viêm Xá tại phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh là một trong 03 địa điểm được lựa chọn triển khai trong đề án. |
Thông tin từ Tổng cục Thống kê, năm 2023, du lịch Việt Nam đã đón được 12,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước, vượt 57% so với mục tiêu; khách nội địa đạt 108 triệu, vượt 6% so với kế hoạch năm 2023. Doanh thu du lịch lữ hành năm 2023 ước đạt 678 nghìn tỷ đồng, vượt 4,3% so với kế hoạch. Đây là một tín hiệu cho thấy tiềm năng phát triển du lịch rất rộng mở.
Tại Bắc Ninh, năm 2023, tỉnh đón được khoảng 1,6 triệu lượt khách du lịch, tăng 46% so cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn tỉnh hiện có 539 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch.
Trong đó, 50 đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách, cơ sở kinh doanh du lịch (có 13 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế cấp giấy phép, 18 cấp phép kinh doanh lữ hành nội địa, 2 đại lý lữ hành). Có 489 cơ sở lưu trú với hơn 8.000 phòng nghỉ. Trong đó: 4 cơ sở đạt tiêu chuẩn 5 sao, 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 khách sạn 2 sao.
Làng gốm Phù Lãng có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời ở xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ (Ảnh IT). |
Tuy nhiên, qua các nghiên cứu cho thấy nhu cầu và xu hướng du lịch đã có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã lựa chọn thông điệp cho du lịch năm 2023 là “Du lịch và đầu tư xanh” nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đầu tư cho du lịch để hướng tới sự phát triển bền vững và thịnh vượng.
Du lịch ngày nay sẽ không chỉ là những trải nghiệm từ các vùng đất mới mà còn là cách để người ta tận hưởng cuộc sống và làm mới bản thân. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phải có những thay đổi về cách làm du lịch. Du lịch không chỉ là ngành kinh tế quan trọng, mà còn thúc đẩy hợp tác, phát triển, giao lưu văn hóa, có tính hội nhập cao, đòi hỏi tư duy không ngừng đổi mới, sáng tạo. Để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, du lịch cần có không gian phát triển mới, hạ tầng mới, tài nguyên mới và phương thức thực hiện hiệu quả, bền vững hơn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ về phát triển du lịch cũng như nắm bắt được tiềm năng về phát triển du lịch, trong những năm qua tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều Nghị quyết, đề án, giải pháp, phương án phát triển du lịch trong tỉnh với quan điểm “Du lịch trong giai đoạn hiện nay là đầu tư phục vụ con người, phát triển du dịch bền vững, du lịch xanh và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống”.
Tranh dân gian Đông Hồ tại phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành - là di sản văn hóa đặc sắc tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh. |
Xuất phát từ thực tế nêu trên, cũng như gắn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2025, việc xây dựng và thực hiện Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025” là hết sức cần thiết. Đề án được thực hiện sẽ khai thác tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống đặc sắc, góp phần phát triển làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Đây cũng là giải pháp thiết thực trước mắt và lâu dài để triển khai có hiệu quả chương trình OCOP quốc gia và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.
Đề án được triển khai dựa trên các cơ sở thực tiễn: Tỉnh Bắc Ninh có vị trí địa lý thuận lợi, thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, thuộc vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Ngoài ra, có nhiều tiềm năng, lợi thế về giá trị di sản văn hóa, bản sắc văn hóa và con người Bắc Ninh - Kinh Bắc; nét đặc sắc, độc đáo của các làng nghề, làng nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm; được biết đến là “xứ sở của đình, chùa và lễ hội”, là 1 trong những tỉnh có số lượng di tích nhiều nhất cả nước. Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Hiện tỉnh Bắc Ninh đang tập trung triển khai tích cực Chương trình OCOP, đã công nhận được nhiều sản phẩm và trọng tâm trong thời gian tới là phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch gắn với phát triển sản phẩm OCOP của địa phương.
Theo đó, phạm vi, đối tượng Đề án được lựa chọn tại 3 địa điểm làng nghề, làng văn hoá trên địa bàn tỉnh là: Làng nghề tranh Đông Hồ tại phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành; Làng nghề gốm Phù Lãng tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ; Làng quan họ Viêm Xá tại phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh.
Dự kiến vốn để triển khai xây dựng thí điểm 3 sản phẩm OCOP du lịch là 63.671.828.000 đồng. Trong đó vốn ngân sách tỉnh (kinh phí sự nghiệp giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng điều phối NTM): 5.848.000.000 đồng. Vốn ngân sách địa phương (bao gồm ngân sách địa phương và ngân sách tỉnh hỗ trợ có mục tiêu): 43.893.828.000 đồng. Nguồn vốn khác: 13.930.000.000 đồng.
Đề án được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND thành phố Bắc Ninh, UBND thị xã Thuận Thành, UBND thị xã Quế Võ triển khai thực hiện Đề án đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Tỉnh Bắc Ninh với lợi thế về vị trí địa lý, làng nghề truyền thống, và là vùng đất đậm đặc di sản lịch sử văn hoá – nơi khởi nguồn của rất nhiều “Thuỷ Tổ” cùng với cách làm bài bản, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống Chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch giai đoạn 2023-2025” khi được thực hiện sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc, cũng như thúc đẩy kinh tế của tỉnh này phát triển.
Nguyên Khánh
Theo