Thứ sáu 29/03/2024 18:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bác Hồ và việc xây nhà QH - Chuyện bây giờ mới kể

21:03 | 11/10/2007
Là người từng tham gia chuẩn bị xây nhà Quốc Hội từ năm 1960, tôi xin thuật lại vài chuyện còn nhớ được trong chuyến đi Bắc Kinh theo lệnh Bác Hồ.

100 người đi Bắc Kinh  
 
KTS. Trần Thanh trước nhà QH Trung Quốc
Chỉ sau 6 năm chiến tháng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc thiết kế, thi công xây dựng nhà Quốc hội. Tháng 3/1960, một trăm chuyên gia, cán bộ, công nhân qua tuyển chọn được triệu tập nhận lệnh đi Bắc Kinh 9 tháng với các mục đích: Học hỏi kinh nghiệm thiết kế và xây dựng nhà Quốc hội; trực tiếp làm các công việc chế tạo sản phẩm có liên quan đến nhà Quốc hội; tham quan 5 công trình lớn Trung quốc vừa khánh thành năm 1959.
Một tháng trước khi lên đường, chúng tôi được học tập và giới thiệu nền kinh tế, văn hoá Trung Quốc.

Tháng 4/1960 đoàn đáp xe lửa đi Bắc Kinh. Tại Bắc Kinh đoàn chia thành 10 nhóm (có một trưởng nhóm và một phiên dịch) được giao nhiệm vụ  học tập chuyên môn riêng như: Thiết kế, thi công xây lắp,  lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, âm thanh, mỹ thuật ánh sáng; kết cấu khung, vòm lớn, công trình ngầm, trang trí nội thất, điêu khắc tạo hình nghệ thuật….Tôi là tổ trưởng phiên dịch thuộc nhóm công xưởng điêu khắc nghệ thuật kiến trúc.

Tại nhà Quốc hội Trung Quốc, đoàn được bạn đón tiếp trang trọng và được đọc các báo cáo về công tác xây dựng nhà Quốc hội. Chúng tôi được tham khảo khá nhiều tài liệu nước ngoài liên quan đến nhà Quốc hội.

Vấn đề quan trọng hàng đầu là địa điểm xây dựng, nó có ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sinh hoạt chính trị xã hội. Nhà Quốc hội cũng như nhiều công trình xây dựng quan trọng khác, phải thoả mãn sử dụng, bố cục hợp lý cả về mặt bằng và không gian, đáp ứng công năng, giây chuyền hoạt động, tính đồng bộ, thích dụng, thuận tiện,  giao thông trong công trình và ngoài công trình, vấn đề bảo vệ an ninh, quy mô công trình phụ thuộc vào số lượng đại biểu Quốc hội của mỗi quốc gia... Toà nhà Quốc hội Trung Quốc đáp ứng được hầu hết các yêu cầu trên.

"Loại xà phòng này không có trên thị trường"
Giấy chứng nhận tốt nghiệp thực tập - mặt trong

Quốc hội Trung Quốc có tầm vĩ đại, chỉ riêng phòng họp còn gọi là Đại lễ đường có 10.000 ghế, trên vòm trần có hệ thống đèn chiếu  sáng rất ngoạn mục, tải trọng thiết bị tính bằng tấn.

“Phòng quốc yến”, nếu là tiệc đứng có thể chứa trên 1000 khách và có thể “quốc tế vũ” trong lúc dự tiệc…

Khi làm việc với các KTS Trung Quốc, chúng tôi mới được biết khi xây dựng xong phần thô của phòng họp, Trung ương thông tri cho các lãnh đạo tỉnh (thành): “Các đồng chí hãy tự trang hoàng nội thất và lắp đặt trang thiết bị trong phòng họp của tỉnh nhà”. Kết quả thật tráng lệ và đầy bản sắc địa phương, “không tỉnh nào giống tỉnh nào”.

Phòng họp của tỉnh này thì trang thiết bị kim loại và pha lê sáng loáng. Phòng họp tỉnh bên cạnh, đồ đạc bài trí nổi bật là chất liệu mây, tre, song, trúc. Đến rèm che cửa cũng là tre, tre vót nhỏ như sợi miến đan thành mảnh có hoa văn rất trữ tình. Ở phòng khác, tôi choáng ngợp bởi màu sắc tươi sáng rực rỡ của thảm, tranh tường được thêu bằng len mầu, trên mỗi bàn nước có một bộ ấm chén khác nhau cả về chất liệu và hình dáng.

Tôi còn nhớ xà phòng để trong nhà vệ sinh của phòng họp của Thượng Hải thơm rất nhẹ nhàng, giữ mùi rất lâu trên tay, mặc dù anh rửa tay rất kỹ. Thuyết trình viên cho biết: “Loại xà phòng này không có trên thị trường”.

Một người trong đoàn lại hỏi: “Phòng vệ sinh của tỉnh bên cạnh, có mùi thơm rất nhẹ, vì sao vậy?. Thuyết trình viên dẫn chúng tôi đến cạnh mảng tường gỗ ốp cao 1m quanh phòng đệm của phòng vệ sinh, dùng tay gạt nhẹ một “nẫy” rất nhỏ,  tức thì một mảng tường bé nhỏ hé nghiêng. Chúng tôi nhìn thấy trong đó một nén hương vòng đang bốc khói, thì ra đó là một hốc được bảo vệ chống cháy, mùi thơm của hương len lỏi qua các kẽ gỗ ốp tường thoát ra ngoài.
Người thuyết minh còn nói: “Chúng tôi cũng không được biết đến bao bì của loại hương này”. Còn nhiều những điều lạ nữa, trong bài viết ngắn này tôi chưa kể ra được.

Việt Nam: Đã có mô hình Nhà Quốc hội hướng ra Hồ Tây
 
Nhà QH Trung Quốc

Trong khi đoàn chúng tôi học hỏi xây dựng nhà Quốc hội ở Bắc Kinh, ở trong nước nhóm chuyên  gia Trung quốc cùng với các KTS Việt Nam, Nguyễn Hữu Tiềm, Hoàng Như Tiếp, Ngô Huy Quỳnh (KTS thiết kế cho buổi Lễ tuyên ngôn độc lập  năm 1945)… tiến hành thiết kế nhà Quốc hội VN trong ngôi nhà trên khu vực trường đua ngựa Hoàng Hoa Thám. Khu đất này nằm trong dự kiến rất có thể sẽ xây dựng nhà Quốc hội Việt Nam. Sau khi qui hoạch lại đường giao thông, nhà Quốc hội sẽ hướng ra Hồ Tây, có sân rộng, thoáng đãng.

Nhóm chuyên gia Trung - Việt đã hoàn chỉnh đồ án thiết kế mô hình nhà Quốc hội Việt Nam và đã báo cáo với Bác Hồ cùng các vị lãnh đạo nhà nước. Khi các chuyên gia Trung quốc về nước, đại diện lãnh đạo Việt Nam cảm ơn và thông báo với bạn đại ý: Bởi tình hình thế giới và trong nước, nên chưa có điều kiện thi công nhà Quốc hội.

Sản phẩm thiết kế ấy được trưng bày khá lâu tại trụ sở Bộ Xây dựng, giờ tôi không biết có còn được lưu giữ ở đâu? Năm 1964 Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, kế hoạch xây nhà Quốc hội bị gián đoạn.

Chín tháng học hỏi ở Bắc Kinh, chúng tôi luôn nhớ Bác Hồ. Bác lo biết bao việc lớn, mong nước ta có nhà Quốc hội. Thời ấy phương tiện thông tin liên lạc rất yếu kém nhưng công việc của chúng tôi rất trôi chẩy, chính xác và kỷ cương, ai cũng mong đáp lại sự mong đợi của Người và các vị lãnh đạo Nhà nước.

Bài và ảnh KTS. Trần Thanh

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load