(Xây dựng) - Trước tình trạng khai thác khoáng sản làm vật liệu tràn lan, chưa được quản lý tốt trên địa bàn, ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt với phương châm minh bạch, công khai, quản lý tốt để tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Cung không đủ cầu
Nhu cầu xây dựng lớn, trong khi quy hoạch khai thác khoáng sản chưa đáp ứng được ảnh hưởng nhiều đến tiến độ các công trình xây dựng. |
Theo đại diện một số huyện phản ánh, nhu cầu cát, sỏi, đất san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh phục vụ các dự án xây dựng lớn. Song hiện nay, các doanh nghiệp trong tỉnh được cấp phép khai thác cát, sỏi mới đáp ứng khoảng 25-30% nhu cầu; đất san lấp mặt bằng chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu. Tại một số địa phương, vẫn để xảy ra tình trạng khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép với trữ lượng lớn mà chưa xử lý kịp thời, gây thất thu ngân sách.
Ông Đặng Văn Nhàn - Chủ tịch UBND huyện Lục Nam đánh giá công tác quy hoạch, cấp phép hiện ko đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng, tạo ra tình trạng khai thác trái phép vì khan hiếm vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, việc khai thác có tình trạng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, không đảm bảo môi trường, việc vận chuyển quá khổ, quá tải vẫn diễn ra, còn nhiều bất cập.
Về vấn đề này, ông Bùi Quang Huy - Chủ tịch UBND huyện Yên Dũng cũng thừa nhận công tác hậu kiểm sau cấp phép còn chưa được huyện thực hiện tốt, lực lượng chuyên môn và sự phối hợp giữa các ngành và địa phương còn thấp.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho biết, có tình trạng doanh nghiệp được cấp phép khai thác nhưng không triển khai được do gặp phải sự cản trở của người dân. Lý giải tình trạng này, nhiều đại biểu nêu nguyên nhân là do người dân cho rằng, việc cấp phép còn chưa minh bạch, khai thác vượt quá diện tích cho phép và chở quá khổ, quá tải gây bức xúc trong nhân dân. Một số ý kiến cho rằng công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn bất cập, hạn chế. Việc lập quy hoạch còn chưa phù hợp, phải điều chỉnh nhiều lần, chưa đáp ứng được nhu cầu vật liệu xây dựng thực tế phát sinh, nhất là các mỏ đất san lấp mặt bằng, gây thiếu hụt cục bộ tại một số địa phương.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Giang, đến nay, UBND tỉnh đã cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi tại 51/84 khu vực. Hiện, có 24 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát, sỏi với 28 giấy phép, trong đó có 16 giấy phép của các đơn vị đang hoạt động, còn lại là tạm dừng, chưa khai thác và chờ gia hạn.
Đối với việc cấp phép thăm dò, khai thác đất san lấp, toàn tỉnh hiện có 41/85 điểm quy hoạch với trữ lượng tài nguyên đã cấp phép 22 triệu m2. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 giấy phép khai thác đất san lấp còn hiệu lực, công suất khai thác đạt 40-50% so với trữ lượng xin cấp phép. Ngoài ra, trong năm 2018-2019, toàn tỉnh cho phép 243 tổ chức, hộ cá nhân san gạt mặt bằng hạ cốt nền với khối lượng đất vận chuyển đi san lấp hơn 1,5 triệu m3.
Về khai thác nguyên liệu sét, UBND tỉnh đã cấp 7 giấy phép cho 6 doanh nghiệp được khai thác sét gạch, ngói với trữ lượng đạt 1,9 triệu m3. Thực tế cho thấy, việc quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản góp phần hạn chế khai thác trái phép, tăng thu cho ngân sách của tỉnh. Trong năm 2018 và 2019, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nộp ngân sách khoảng 54 tỷ đồng.
Nhiều biện pháp để quản lý chặt khoáng sản
Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép tại nhiều địa phương ở Bắc Giang vẫn diễn ra (ảnh minh họa). |
Khẳng định khoáng sản là tài nguyên quốc gia, cần được quản lý chặt chẽ để tăng thu cho ngân sách địa phương, ông Dương Văn Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho rằng, để xảy ra những bất cập nêu trên, trước hết là do công tác quản lý của chính quyền cấp xã, sau đó là cấp huyện còn thiếu chặt chẽ, có nơi còn buông lỏng. Chủ tịch UBND một số huyện chưa kịp thời, kiên quyết xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản trái phép, sai phép nên có nơi để vi phạm kéo dài.
Đặc biệt, công tác thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản của cơ quan quản lý khoáng sản từ cấp tỉnh đến xã còn chưa thường xuyên. Khi phát hiện sai phạm của doanh nghiệp, cá nhân chưa xử lý nghiêm, dứt điểm, dẫn đến tái phạm. Đặc biệt năm vừa qua, tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn diễn ra, gây hư hỏng đường, bức xúc trong nhân dân.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, tham mưu UBND tỉnh bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó cần công khai, minh bạch quy hoạch, điểm mỏ khai thác để người dân giám sát. Ngành chức năng rà soát, tham mưu cho tỉnh rút ngắn thủ tục, thời gian cấp phép khai thác khoáng sản. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp quản lý khoáng sản, xác định rõ trách nhiệm của từng ngành, các huyện, thành phố xong trong tháng 6 năm nay.
Ông Dương Văn Thái nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên đất san lấp, tránh tình trạng khai thác tràn lan, UBND tỉnh dừng việc ủy quyền cho UBND cấp huyện cho phép doanh nghiệp, cá nhân san gạt, hạ độ cao cốt nền như trước.
Ông Thái cũng yêu cầu các đơn vị được tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản phải thực hiện nghiêm quy định như cắm mốc giới, thả phao trên sông, sử dụng xe vận chuyển đất đúng tải… Trường hợp cố tình để xảy ra vi phạm sẽ bị xử phạt, thậm chí tước giấy phép khai thác. Đồng thời, ông Dương Văn Thái yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo, xử lý nghiêm xe vận chuyển khoáng sản quá tải; quy trách nhiệm cho Trưởng Công an các huyện, thành phố nếu không xử lý nghiêm xe quá khổ, quá tải, để xe quá khổ, quá tải hoạt động, làm ảnh hưởng đê điều, đường giao thông, Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương quản lý chặt chẽ cát, sỏi lòng sông.
Chương Huyền
Theo