(Xây dựng) - Nhiều lần gia hạn chấm dứt hoạt động của lò vòng, tuy nhiên vẫn còn những cơ sở tiếp tục hoạt động hoặc không tháo dỡ công trình, buộc UBND tỉnh Bắc Giang phải lập đoàn liên ngành kiểm tra và ra “tối hậu thư” cho các đơn vị này.
Sản xuất gạch tại một đơn vị thuộc huyện Việt Yên, Bắc Giang. |
Ngay từ năm 2012, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch cho các cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng tại 7/10 huyện, thành phố phải chấm dứt hoạt động trước ngày 31/12/2018.
Tuy nhiên, đến hết thời điểm trên, kế hoạch không triển khai được với nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do các chủ lò thiếu vốn, nguồn lực hạn chế. Nhiều lò mua đất dự trữ để sản xuất trong 4 - 5 năm nên không thể đun đốt hết trong 6 - 7 tháng. Có lò năm 2017 mới đi vào hoạt động, đầu tư 10 - 20 tỷ đồng trong khi vốn thu hồi được rất ít. Hơn nữa, ngày 09/01/2018, Văn phòng Chính phủ có thông báo dừng cấp phép cho chuyển đổi từ lò vòng sang lò tuynel nên một số chủ lò có điều kiện cũng không thể thực hiện được.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục gia hạn thời điểm chấm dứt hoạt động của lò vòng trước ngày 30/9/2019. Đồng thời, thực hiện nhiều biện pháp nhằm thực hiện triệt để kế hoạch này như tuyên truyền, vận động các cơ sở, ký cam kết không sản xuất gạch, giải quyết các khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người lao động mất việc do chuyển đổi nghề. Thậm chí, tỉnh đã yêu cầu ngành Điện làm việc với các cơ sở và sẽ cắt điện nếu các cơ sở không nghiêm túc thực hiện.
Song, sau ngày 30/9, vẫn còn khá nhiều lò vòng tiếp tục “đỏ lửa”. Sở Xây dựng Bắc Giang đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các huyện, thành phố xử lý vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ lò vòng. Tham mưu với UBND tỉnh xử lý, giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện việc xóa bỏ hoạt động các lò vòng.
UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tiếp tục vận động các chủ lò đã dừng hoạt động nung đốt có giải pháp xử lý tài sản trên đất và nguyên, nhiên liệu còn tồn đọng để bàn giao đất về cho địa phương quản lý; thực hiện đầu tư xây dựng mới lò tuynel (đối với các trường hợp được chấp thuận đầu tư); tạo điều kiện cho các chủ lò có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác; kiên quyết thu hồi và quản lý sử dụng đất sau thu hồi.
Đối với những trường hợp vẫn đang cố tình sản xuất, nung đốt gạch trái quy định cần thực hiện các biện pháp: Thông báo bằng văn bản đến chủ cơ sở sản xuất yêu cầu chấm dứt hoạt động sản xuất, nung đốt gạch theo công nghệ lò vòng và phá dỡ vỏ lò trước ngày 30/10/2019; lập hồ sơ cưỡng chế chấm dứt hoạt động, phá dỡ vỏ lò và tổ chức cưỡng chế theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Cuối năm 2019, tỉnh Bắc Giang tiếp tục có văn bản đôn đốc việc thực hiện tháo dỡ lò vòng theo kế hoạch. Cũng tại văn bản này, tỉnh Bắc Giang đã phê bình 2 Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa và Việt Yên do chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao về thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò vòng trên địa bàn. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên và thành phố Bắc Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tổ chức cưỡng chế chấm dứt hoạt động, phá dỡ vỏ lò theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Tân Yên tiếp tục vận động các chủ lò đã dừng hoạt động sản xuất nung đốt có giải pháp xử lý tài sản trên đất và các nguyên, nhiên liệu còn tồn đọng để bàn giao đất đai về cho địa phương quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng mới lò tuynel, tạo điều kiện cho các chủ lò có nhu cầu chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh khác với sản xuất gạch ngói đất sét nung trên khu đất trước đây hoạt động sản xuất gạch; kiên quyết thu hồi đất, quản lý sử dụng đất sau khi thu hồi theo quy định.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng giao Sở Xây dựng Bắc Giang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện hoạt động của 4 cơ sở sản xuất là Công ty cổ phần Hợp Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng Thanh Nhàn, Công ty cổ phần gạch Tân Hưng, Công ty TNHH Niền Năm.
Ngày 10/4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò vòng. Theo đó, yêu cầu 4 cơ sở trên phải chấm dứt và tự tháo dỡ toàn bộ các phần của lò vòng. Trường hợp các cơ sở không tự giác tháo dỡ sẽ thiết lập hồ sơ, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, tổ chức cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm theo quy định. Đồng thời, quá trình thanh tra cũng đã phát hiện hàng loạt các sai phạm của các đơn vị này như nợ đọng tiền thuê đất, thu gom xử lý chất thải chưa đúng quy định, chưa hoàn thiện các thủ tục thuê đất…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị các địa phương kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan do chưa thường xuyên giám sát, kiểm tra dẫn đến các vi phạm trên, truy thu nợ thuế theo quy định…
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Giang cho biết: Đến nay, các đơn vị đều đã nghiêm túc thực hiện và không hoạt động nữa, chỉ còn giải quyết các vấn đề liên quan đến tháo dỡ vỏ lò theo quyết định.
Như vậy, có thể thấy sau thời gian triển khai quyết liệt, Bắc Giang đã chấm dứt hoạt động của các lò vòng, bước sang một thời kỳ mới trong sản xuất gạch, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường như thời gian trước đây.
Chương Huyền
Theo