Thứ hai 07/10/2024 01:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

An Giang: Thành phố Long Xuyên sẽ là đô thị thông minh nước

14:23 | 06/10/2024

(Xây dựng) - Theo ThS. Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Vệ, hướng phát triển đô thị Long Xuyên đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045 là thành phố đáng sống (Livable City); Thành phố xanh và bền vững (Green and Sustainble City); Thành phố thông minh nước (Smart - Water City).

An Giang: Thành phố Long Xuyên sẽ là đô thị thông minh nước
Một góc thành phố Long Xuyên bên bờ sông nước.

Hiện trạng đô thị Long Xuyên

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Vệ cho biết: Năm 2020, thành phố Long Xuyên được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh An Giang, có 13 đơn vị hành chính (11 phường, 2 xã); tổng diện tích đất 11.496ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 7.114ha (62%), đất chuyên dùng và khác 3.111ha (27%), đất ở 1.272ha (11%). Tổng dân số 272.484 người (dân số theo cơ quan quản lý về căn cước công dân khoảng 310.000 người); dân số thành thị 239.764 người, dân số nông thôn 32.720 người. Theo định hướng quy hoạch chung xây dựng dự báo dân số thành phố đến năm 2025 là 300.000 dân và năm 2035 là 360.000 dân; dân số trong độ tuổi lao động đến năm 2025 là 225.000 dân và năm 2035 là 291.600 dân.

Từ số liệu trên cho thấy, đô thị Long Xuyên mặc dù tỷ lệ đô thị hóa khoảng 87% nhưng một số phường vẫn còn đất nông nghiệp khá lớn, điều đó nói lên rằng đô thị hóa chưa xứng tầm với đô thị loại I trong vùng; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ, thương mại, du lịch và các lĩnh vực khác còn chậm. Đồng thời cũng cho thấy, một lượng dân cư di dân cơ học tương đối (dân cư dịch chuyển lên các đô thị lớn và những đô thị phát triển công nghiệp với nhu cầu lao động cao, như: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Long An…). Đây là thực trạng chung của các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Những hạn chế đó cũng là lợi thế cho thành phố đi sau các đô thị lân cận là có một quỹ đất (đất nông nghiệp lớn), không gian thuận lợi để phát triển đô thị và mời gọi các nhà đầu tư để thực hiện các dự án phát triển kinh tế cho thành phố, như: Khu (cụm) công nghiệp; dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch, thương mại, bất động sản…

Về kiến trúc cảnh quan, Long Xuyên có thể được nhận diện bởi 3 vùng cảnh quan đặc trưng: Khu vực xây dựng đô thị; sinh thái nông nghiệp và cảnh quan sông, kênh rạch, mặt nước. Trong đó, vùng cảnh quan sông, kênh rạch, mặt nước và hệ sinh thái nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt vùng cảnh quan sông, kênh rạch có vai trò tạo dựng nét đặc trưng cho đô thị.

Hệ thống thoát nước của thành phố chịu tác động trực tiếp của mực nước sông Hậu. Vào mùa khô, mực nước thấp hệ thống thoát nước không bị ứ đọng. Vào mùa nước dâng cao trong lòng cống làm ảnh hưởng trực tiếp khả năng thoát của cả hệ thống, gây ra tình trạng ứ đọng nước trên mặt đất và đường giao thông nhiều khu vực; các tuyến cống thoát nước của thành phố được xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau và có tuổi đời lâu năm (đặc biệt là phường Mỹ Long, Mỹ Bình...) nên không đồng bộ, xuống cấp do đó một số tuyến cống chỉ giải quyết thoát nước cục bộ. Các hố ga thu nước trên khu vực chợ hoặc nơi đông dân cư thường bị chiếm làm nơi mua bán, đậu xe, đất cát, bùn rác lấp đầy… chưa nạo vét kịp thời nên ảnh hưởng nhiều đến khả năng thu - thoát nước của hệ thống.

Về giao thông, Quốc lộ 91 bắt đầu từ thành phố Cần Thơ qua thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên (thị xã Tịnh Biên) và nối sang Campuchia. Đây là tuyến đường quan trọng của vùng ĐBSCL, vừa đóng vai trò là tuyến giao thông đối ngoại, vừa là trục đường chính huyết mạch của thành phố Long Xuyên. Ngoài ra, thành phố nằm dọc bên bờ Tây của sông Hậu, là cửa ngõ giao thông đường thủy quan trọng của vùng Tứ giác Long Xuyên. Sông Hậu thuộc tuyến đường thủy quốc gia cấp đặc biệt thuận tiện lưu thông thủy, trong đó cảng Mỹ Thới là một trong các cảng sông hoạt động có hiệu quả ở vùng ĐBSCL.

Thực trạng đô thị Long Xuyên có nhiều yếu tố tích cực và hạn chế, cho nên việc phát triển đô thị trong tương lai nên lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển bền vững và xứng với tiềm năng về vị trí, địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố.

Phát triển theo mô hình đô thị nào?

Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Vệ đưa ra 03 mô hình phát triển đô thị thành phố Long Xuyên là: Thành phố đáng sống (Livable City); Thành phố xanh và bền vững (Green and Sustainble City); Thành phố thông minh nước (Smart-Water City). Trong 03 mô hình phát triển đô thị này, Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Vệ đề xuất thành phố Long Xuyên phát triển theo mô hình thành phố thông minh nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Vệ, thuật ngữ thành phố đáng sống đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới và được không ít chuyên gia nhắc đến trong hơn một thập niên qua. Nhiều cơ quan nghiên cứu có uy tín đã đánh giá, thống kê và công bố xếp hạng về các thành phố khác nhau được coi là nơi tốt nhất để sinh sống. Họ đưa ra Chỉ số nơi đáng sống toàn cầu (Global Livability Index) xếp hạng các thành phố theo 5 tiêu chuẩn: Sự ổn định, điều kiện chăm sóc sức khỏe, văn hóa và môi trường, chất lượng giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Theo cộng đồng thiết kế Singapore có 6 thành tố cơ bản để có trong thành phố đáng sống: Hòa nhập (Inclustion): Cư dân cảm thấy mình đối xử công bằng; không phân biệt người nhập cư, giới tính, người yếu thế. Kết nối (Connection): Điều kiện thuận lợi để tạo ra mối quan hệ xã hội và mối tương tác con người với nhau; cảm giác gần gũi và giúp đỡ lẫn nhau. Gắn bó (Attachment): Có khả năng nuôi dưỡng cảm giác quen thuộc của cư dân và tạo ra bản sắc độc đáo riêng biệt của thành phố. Phấn khích (Stimulation): Cư dân cảm giác hào hứng với ngày mới; cơ hội tiếp cận rộng rãi để khám phá, giải trí, giao lưu và học tập; có kích thích sáng tạo, cuộc sống về đêm và giải trí. Tự do (Freedom): Cư dân cảm thấy tự do và thể hiện bản thân không nhất thiết theo chuẩn mực xã hội; chấp nhận sự khác biệt cá nhân. Agency (Tự chủ): Cư dân tin rằng mình có thể tác động đến sự thay đổi của thành phố; tùy vào mức độ cho phép hòa nhập trong các quyết định về chính sách.

Theo D.Hahlweg (Đức): “Một thành phố đáng sống là nơi tôi có thể có một cuộc sống lành mạnh, nơi tôi có cơ hội di chuyển dễ dàng - đi bộ, đi xe đạp, đi bằng phương tiện giao thông công cộng, hoặc thậm chí bằng xe hơi nếu không có sự lựa chọn nào khác. Thành phố đáng sống là thành phố cho tất cả mọi người. Điều đó có nghĩa là một thành phố đáng sống cần phải hấp dẫn, đáng giá, an toàn cho con em chúng ta, cho cha mẹ chúng ta, chứ không chỉ dành riêng cho những người đến làm việc, kiếm tiền, sau đó đi và sống đâu đó ở vùng ngoại ô hay những cộng đồng lân cận. Đặc biệt quan trọng là trẻ em và người già cần phải được tiếp cận dễ dàng với không gian xanh, có nơi để vui đùa và gặp gỡ nhau, trò chuyện cùng nhau...”.

Còn thành phố xanh và bền vững (Green and Sustainble City) là một đô thị được công nhận đạt chuẩn xanh phải đáp ứng được 7 tiêu chí xanh đó là: Không gian; công trình; giao thông; công nghiệp; chất lượng môi trường đô thị; bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên; cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Đô thị tăng trưởng xanh là đô thị đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động đô thị nhằm giảm những tác động có ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Để đánh giá đô thị tăng trưởng xanh bao gồm 4 nhóm tiêu chí (kinh tế, môi trường, xã hội và thể chế) 24 chỉ tiêu.

Các nội dung cần ưu tiên thực hiện để đô thị tăng trưởng xanh là: Phát triển giao thông đô thị xanh, giao thông công cộng và các hình thức giao thông phát thải thấp, hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch; công trình xanh, thân thiện môi trường; sử dụng tiết kiệm và chống thất thoát, thất thu nước sạch; xử lý rác thải, chất thải theo hướng giảm xả thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng và tái chế rác thải; phát triển, ứng dụng vật liệu xây dựng và công nghệ xây dựng xanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch; tăng cường năng lực chống chịu biến đổi khí hậu đối với các đô thị…

Để phát triển đô thị bền vững, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank): “Phát triển bền vững chính là sự duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống của con người về mặt xã hội, kinh tế, môi trường trong giới hạn khả năng chịu tải của các hệ sinh thái dịch vụ và cơ sở tài nguyên của môi trường, nghĩa là vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường”. Còn theo Quyết định 891/QĐ-TTg, ngày 22/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ định hướng phát triển hệ thống đô thị ở Việt Nam là:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển, sắp xếp, phân bố hệ thống đô thị và nông thôn thống nhất, hiệu quả, toàn diện, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển, có môi trường sống lành mạnh, có khả năng chống chịu, thích ứng nước biển dâng, biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường và giảm phát thải.

Thứ hai, phát triển hệ thống đô thị theo mạng lưới chuỗi đô thị động lực có kiến trúc hiện đại, xanh, bản sắc. Phát triển các đô thị là trung tâm thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, làm động lực phát triển kinh tế các vùng đô thị tạo hiệu ứng “tích tụ”, “kết nối” và “liên kết” chặt chẽ với nông thôn. Chất lượng sống tại các đô thị ở mức cao.

Thứ ba, hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, có khả năng chống chịu, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, kiến trúc tiêu biểu giàu bản sắc, xanh, hiện đại, thông minh; cơ cấu kinh tế khu vực đô thị phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn.

Đồ án quy hoạch chung đề xuất là thành phố thông minh nước (Smart-Water City). Kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Vệ cho biết: Thành phố thông minh: Có rất nhiều định nghĩa, tuy nhiên có thể định nghĩa ngắn gọn, như sau: Thành phố thông minh là đưa dữ liệu và công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động để tạo, triển khai và cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn. Và hơn hết là giải quyết những thách thức đô thị và xây dựng một cơ sở hạ tầng bền vững, hỗ trợ công nghệ liên kết.

Căn cứ Quyết định 950/QĐ-TTg, ngày 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ có 03 trụ cột để phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam tại gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; tiện ích đô thị thông minh trên nền tảng là hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị.

Theo Bộ Xây dựng (dự thảo), thành phố thông minh có 4 cấp độ: Áp dụng tiêu chí đô thị thông minh (12 tiêu chí); xây dựng và phát triển đô thị thông minh (30 tiêu chí); phát triển đô thị thông minh tiên phong (54 tiêu chí); tầm nhìn phát triển đô thị thông minh bền vững (66 tiêu chí) và 17 nhóm tiêu chí đánh giá theo từng cấp độ, gồm: Quy hoạch và quản lý xây dựng; giao thông; năng lượng; cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải...

Theo đồ án quy hoạch chung thành phố nước: Bản sắc sông nước của đô thị thể hiện ở việc gìn giữ mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa đô thị với các dòng sông, kênh rạch; bảo tồn hình ảnh, bản sắc văn hóa và lối sống đặc trưng gắn liền với sông nước. Quản lý nước thông minh và bền vững thể hiện ở việc quy hoạch đô thị nhạy cảm với nước; quản lý nước mưa, nước lũ bền vững, thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu; sử dụng nước bền vững; xây dựng một cộng đồng sử dụng nước thông minh; từng bước áp dụng các thành tựu của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT) trong việc quản lý nước.

Trên cơ sở những khái niệm và phân tích của 3 mô hình, ngay từ bây giờ, thành phố Long Xuyên phải định hình “tầm nhìn chiến lược” và có những “mục tiêu cụ thể” trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Dĩ nhiên, thành phố vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhất là những khuyết tật của quá trình đô thị hóa mang lại, như: Thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, ô nhiễm, nhà ở cho những người yếu thế trong xã hội, ngập úng các tuyến đường, ùn tắc giao thông, khu ổ chuột (SLUM)… Để trở thành một nơi “đáng sống”; “xanh và bền vững”, thành phố Long Xuyên cần tập trung vào những giải pháp:

Tiến hành rà soát điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch phân khu trên toàn địa bàn thành phố cho phù hợp với quy hoạch tỉnh được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tháng 11/2023; phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và tỉnh, đặc biệt là phù hợp với các số liệu kinh tế, xã hội, văn hóa, dân số… mới được khảo sát gần đây nhất. Vì, đa phần các quy hoạch đã được lập và phê duyệt cách đây trên 5 năm có những đồ án quy hoạch phân khu được phê duyệt cách đây 10 năm.

Lập kế hoạch triển khai hết sức cụ thể cho từng năm, trung hạn và dài hạn. Đặc biệt là các kế hoạch (dự án) tạo không gian phát triển đô thị mới về phía Tây, Tây Nam thành phố (đường tránh). Trong đó, ưu tiên các tuyến đường kết nối đường tránh với Quốc lộ 91 và tạo quỹ đất sạch dọc theo các tuyến đường này. Vì đây là điều kiện rất tốt để mở rộng không gian đô thị và mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án theo quy hoạch xây dựng được duyệt.

Xây dựng (lập) bản đồ số hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố, trong đó ưu tiên bản đồ hiện trạng hệ thống cống (mương) thống nước mặt và thải, hệ thống đường giao thông đô thị (kể cả vỉa hè và cây xanh)... để có giải pháp quản lý, đầu tư cho phù hợp. Tránh tình trạng ngập nước là nâng cao trình đường.

Ưu tiên quỹ đất công, quỹ đất hạn chế về xây dựng công trình (dưới hành lang lưới điện; ven sông, kênh, rạch…) trong các khu dân cư, khu ở và đơn vị ở để đầu tư xây dựng và phát triển các nơi sinh hoạt cộng đồng (công viên cây xanh, vườn hoa, mặt nước…) nhằm từng bước nâng dần chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load