(Xây dựng) – Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra: “Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch” là một trong ba khâu đột phá. Triển khai nghị quyết, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch giao thông đường bộ và đường thủy đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng hiện đại, đồng bộ với mạng lưới giao thông cấp vùng và khu vực.
Trong giai đoạn đầu tư công trung hạn năm 2021 - 2025, tỉnh An Giang chọn 58 công trình giao thông trọng điểm liên tỉnh, liên vùng và nội tỉnh để tập trung nguồn lực đầu tư, bằng nguồn vốn ngân sách địa phương, với tổng vốn 3.695 tỷ đồng. Tỉnh An Giang kiến nghị nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư 9 công trình giao thông trọng điểm, có tính liên vùng, liên tỉnh và nội tỉnh, với tổng vốn là 5.511 tỷ đồng.
Đến đầu năm 2022, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh An Giang được Trung ương phân bổ tổng số 8.789 tỷ đồng để đầu tư 5 dự án, thuộc lĩnh vực y tế, nông nghiệp và giao thông, trong đó đã bố trí 8.539 tỷ đồng để thực hiện dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 (đoạn qua địa phận tỉnh An Giang). Tổng số vốn bố trí đầu tư các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 là 16.572 tỷ đồng, chiếm gần 54% trên tổng vốn đầu tư công trong giai đoạn này.
Có thể nói, chưa bao giờ tỉnh An Giang ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông như giai đoạn này. Đây là nền tảng, là điều kiện, là động lực to lớn để tạo lợi thế cho An Giang trong thu hút đầu tư, tạo sự bứt phá phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới.
Đến nay, tỉnh An Giang đã đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh và thành lập 3 KCN, thu hút 29 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 7.237 tỷ đồng.1 KCN quy mô 193,3 ha dự kiến khởi công năm 2023.
Hiện nay, An Giang đang tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy hoạch tỉnh sẽ là nền tảng, cơ sở pháp lý cho hoạch định, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng; Kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững; Là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; Là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN; Là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng…
Đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước; Có trình độ phát triển khá so với cả nước; Chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao...
Để đạt mục tiêu trên, việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải đặt lên hàng đầu, gắn với đầu tư hạ tầng KCN, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp… An Giang đẩy mạnh mời gọi đầu tư vào các dự án trọng điểm. Thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đưa An Giang thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của vùng và cả nước, tiến tới thị trường các quốc gia ASEAN và trên thế giới.
Nguyễn Thị Minh Thúy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
Theo