Thứ bảy 21/12/2024 19:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

An Giang: Giao thông đi trước tạo động lực phát triển

15:24 | 07/10/2024

(Xây dựng) - An Giang là địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam so với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Với tư duy đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, tỉnh đã nhận diện được những thách thức, hạn chế về cơ sở hạ tầng; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, vốn vay từ các tổ chức, đặc biệt đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn đến thành thị trong bối cảnh nguồn ngân sách rất hạn hẹp. Trong những năm qua, ngành Giao thông vận tải An Giang đã nhiều nỗ lực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội. Báo điện tử Xây dựng trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của ThS.KS Ngô Công Thức, Giám đốc Sở Giao thông vận tải An Giang.

An Giang: Giao thông đi trước tạo động lực phát triển
Lễ thông xe cầu Châu Đốc.

Giao thông đi trước mở đường

Từ những cách làm sáng tạo, đồng bộ và quyết liệt đó An Giang đã hoàn thành đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông mới có tính động lực, “mở đường” như: Đầu tư xây dựng mới Đường tỉnh 945 với quy mô cấp III đồng bằng đây là tuyến đường liên kết vùng An Giang và huyện Hòn Đất (Kiên Giang) dài 41km; cầu Châu Đốc và đường liên kết vùng Kiên Giang - An Giang - Hồng Ngự (đường N1), dài 21km; tuyến tránh thành phố Long Xuyên, dài 15km; cải tạo nâng cấp và mở rộng các tuyến đường, như: Quốc lộ 91C, Đường tỉnh 949, 948, 943, 944… Đặc biệt, từ nguồn vận động xã hội hóa hàng trăm tỷ đồng, đã hoàn thành xây dựng mới tổng cộng trên 224 cầu nông thôn có kết cấu bê-tông cốt thép, tải trọng tối thiểu 8 tấn và chiều rộng tối thiểu 4,5m.

Qua những công trình, dự án đó đã đóng góp quan trọng vào kế hoạch tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của địa phương những năm qua. Đặc biệt, hoàn thành kết hoạch xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao trước thời hạn từ 1 - 2 năm so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều khó khăn đã xuất hiện khiến một số công trình chưa đảm bảo tiến độ mong muốn, như: Gặp khó khăn nguồn cát đấp nền, giải phóng mặt bằng. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng để thuận lợi cho việc mở rộng, phát triển không gian đô thị và mời gọi đầu tư, tỉnh đã vượt khó đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến đường tránh thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc và cầu Châu Đốc kết hợp với tuyến đường liên kết vùng N1…

Hạ tầng giao thông 1 trong 3 đột phá chiến lược

Với tinh thần kế thừa và tiếp nối đà phát triển bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình, An Giang vẫn xác định hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là 1 trong 3 đột phá chiến lược của tỉnh, động lực quan trọng cho nền kinh tế. Vì vậy, để tạo sự kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và “giao thông đi trước mở đường” là cơ sở triển khai các quy hoạch tổng thể tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11/2023, quy hoạch xây dựng tỉnh đã ưu tiên đầu tư nhiều công trình giao thông mới.

An Giang: Giao thông đi trước tạo động lực phát triển
Bản đồ đường cao tốc đường bộ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Việc đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, các công trình trọng điểm là một trong những nhiệm vụ hàng đầu và đột phá chiến lược được An Giang tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt suốt thời gian qua, giúp kết nối phát triển kinh tế các vùng, liên vùng và vùng kinh tế trọng điểm khu vực. Đây được xác định là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, góp phần đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế, thu hút đầu tư, dẫn dắt tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội. Từ đó tạo ra động lực, không gian phát triển mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phục hồi nhanh và phát triển bền vững của tỉnh. Để cụ thể hóa định hướng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 các dự án đầu tư xây dựng mới, gồm:

Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài 188km, (đoạn qua An Giang có chiều dài 57km) dự kiến hoàn thành năm 2027, đây là dự án đặc biệt quan trọng cho tỉnh, vùng giúp lưu thông và xuất khẩu hàng hóa đến cảng biển Trần Đề nhanh nhất, giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp, kết nối các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với Vương quốc Campuchia nhanh nhất, tạo điều kiện phát triển kinh tế biên giới, du lịch và giao lưu văn hóa với các nước ASEAN thông qua Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, giữ vững quốc phòng - an ninh và xây dựng biên giới hòa bình, hợp tác cùng phát triển; Đường liên kết vùng kết nối từ cầu Châu Đốc qua thị xã Tân Châu kết nối với huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có chiều dài 21km dự kiến hoàn thành quý II/2025, dự án này tạo điều kiện cho các huyện, thị, cù lao của tỉnh (Tân Châu, Phú Tân) phát triển kinh tế nông nghiệp, phá cảnh “qua sông phải lụy đò”. Đặc biệt, dự án cầu Tân Châu - Hồng Ngự vượt sông Tiền nối tỉnh An Giang - Đồng Tháp mà bao đời nay nhân dân 2 tỉnh mong đợi, giúp kết nối được các khu vực Cửa khẩu quốc tế: Thường Phước (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp), Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, An Giang), Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang), Khánh Bình (huyện An Phú, An Giang) tạo động lực cho khu vực kinh tế biên giới phía Tây Nam phát triển đồng bộ theo Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045.

Tuyến tránh Quốc lộ 91 qua đô thị An Châu (huyện Châu Thành), đô thị Cái Dầu (huyện Châu Phú) kết nối với tuyến tránh thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc có chiều dài khoảng 40km, dự kiến hoàn thành năm 2030, dự án này giải quyết triệt để việc ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 91 qua các đô thị trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện cho các đô thị phát triển (mở rộng) không gian đô thị và thuận lợi mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, khu (cụm) công nghiệp gần đô thị.

Song song với việc đầu tư xây dựng mới các dự án trọng điểm đường bộ nói trên, để đồng bộ và kết nối với các trục giao thông chính quan trọng của tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh, như: 943, 942, 941, 952, 954, 955… và nạo vét, nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa cũng như các cảng hàng hóa, hành khách. Các dự án này giúp cho huyện, thị, thành tháo gỡ những nút thắt trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kết nối các điểm du lịch chính trong tỉnh. Từng bước rút ngắn khoảng cách về thu nhập, trình độ dân trí, khoa học kỹ thuật, công nghệ… giữa nông thôn và thành thị (theo báo cáo Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn hiện nay, chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 1,41 lần).

Để kịp thời hoàn thành chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; UBND tỉnh tiếp tục và thường xuyên rà soát, chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các đơn vị (kể cả nhà thầu) định kỳ. Từ đó, cụ thể hóa trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc, từng bước tìm giải pháp giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Trong đó đặc biệt nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu.

Các Sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư tích cực nghiên cứu các nguồn vật liệu thay thế các nguồn vật liệu hiện nay để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu cho các dự án trọng điểm trên địa bàn. Đặc biệt là nguồn cát đắp nền. Đồng thời, cùng với các chủ đầu tư nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện có hiệu quả, tiết kiệm chi phí, lựa chọn phương án đầu tư tối ưu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, thi công hợp lý, đồng thời tăng cường kiểm soát đấu thầu, kiểm soát giá, định mức xây dựng.

Các địa phương có dự án triển khai tích cực hơn trong công tác giải phóng mặt bằng, tăng cường tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, bố trí tái định cư đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân có đất bị thu hồi. Đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nguyện vọng chính đáng của cá nhân, tổ chức có tài sản bị thu hồi.

Với sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành và sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, địa phương, ngành Giao thông vận tải An Giang sẽ nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiệu quả góp phần thực hiện thành công mục tiêu nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ và quy hoạch tỉnh đề ra trong thời gian tới.

ThS.KS Ngô Công Thức

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load