Thứ hai 23/12/2024 02:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Vật liệu /

An Giang: Đổi mới công nghệ, đẩy mạnh sản xuất các loại vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao

20:48 | 21/01/2022

(Xây dựng) – Ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang vừa ký ban hành Quyết định số 3290/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

an giang doi moi cong nghe day manh san xuat cac loai vat lieu xay dung co gia tri kinh te cao
Khai thác cát trên địa bàn tỉnh An Giang.

Quyết định UBND tỉnh An Giang xác định là phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng phù hợp với quy hoạch tỉnh; Chiến lược vật liệu xây dựng (VLXD) toàn quốc; áp dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất VLXD; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; gắn sản xuất VLXD với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh sản xuất các chủng loại VLXD có giá trị kinh tế cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm VLXD trên thị trường trong nước và quốc tế.

Xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy, chuyển đổi công nghệ sản xuất VLXD theo hướng hiện đại, sử dụng tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng VLXD mới, có tính năng cao; có cơ chế chính sách bảo đảm các cơ sở sản xuất VLXD thực hiện đúng cam kết về sử dụng công nghệ, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và các cam kết khác.

Kế hoạch phát triển VLXD tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất VLXD tinh An Giang nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đưa công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất VLXD để nâng cao chất lượng và sản lượng các loại VLXD, nhằm thỏa mãn nhu cầu VLXD ngày càng tăng trên thị trường trong tỉnh và có thể cung cấp một số loại VLXD ra ngoài tỉnh. Phát triển sản xuất VLXD nhằm gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao vị thế của ngành sản xuất VLXD trong nền kinh tế của tỉnh. Phát triển sản xuất VLXD nhằm gia tăng thu hút một lực lượng lao động lớn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, thu hẹp khoảng cách so với các tỉnh lân cận. Kế hoạch phát triển VLXD tỉnh An Giang sẽ tập trung đầu tư phát triển 09 loại VLXD như: Xi măng, gạch đất sét nung. Vật liệu xây không nung, vật liệu lợp, gạch gốm ốp lát, đá ốp lát, cát xây dựng, đá xây dựng, bê tông.

Theo Kế hoạch phát triển VLXD An Giang giai đoạn 2021 – 2030, xi măng sẽ được đầu tư chiều sâu, mở rộng, nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đối với Nhà máy xi măng An Giang thuộc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang lên công suất 600.000 – 1.000.000 tấn/năm. Nguồn clanke sẽ nhập về từ các nhà máy liên doanh, liên kết ở miền Bắc, miền Trung, nguồn phụ gia khoáng hoạt tính và phụ gia đầy sẽ khai thác trong vùng. Sử dụng công nghệ tiên tiến với mức tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất để đạt được các chi tiêu kỹ thuật. Phấn đấu sử dụng tối thiểu 15% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên liệu thay thế clanke. Khai thác và sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; sử dụng tối đa các chất thải, phế thải của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và chất thải sinh hoạt làm nguyên liệu, nhiên liệu, phụ gia cho quá trình sản xuất xi măng…

Giai đoạn 2021 – 2030, gạch đất sét nung duy trì năng lực sản xuất gạch đất sét nung hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội tỉnh và cung cấp một phần cho các tỉnh lân cận. Không đầu tư xây dựng mới, không đầu tư mở rộng các dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh. Không gia hạn thời gian hoạt động sản xuất đối với các cơ sở sản xuất đã hết thời hạn đầu tư được chấp thuận. Đến năm 2025, các cơ sở sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng phải đầu tư cải tạo, chuyên đổi thành các cơ sở sản xuất có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường hoặc buộc phải dừng sản xuất. Tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật, cải tiến công nghệ, cơ giới hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm. Có trên 30% doanh nghiệp ứng dụng robot vào trong dây chuyền sản xuất. Cải tiến công nghệ, giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên. Khuyến khích công nghệ sử dụng nhiên liệu thay thế.

Vật liệu xây không nung trong giai đoạn 2021 – 2030 sẽ được đầu tư sản xuất và sử dụng vât liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40% vào năm 2025; 40 - 45% vào năm 2030. Khuyến khích đầu tư sản xuất các chủng loại vật liệu xây không nung có kích thước lớn, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu là chất thải công nghiệp, xây dựng (tro, xỉ than; xỉ luyện kim; phế thải phá dỡ công trình,...); các sản phẩm nhẹ; siêu nhẹ dùng để làm tường, vách ngăn, vật liệu chống cháy, chậm cháy, vật liệu cách âm, cách nhiệt, cách điện, tiết kiệm năng lượng, vật liệu mới, vât liệu xanh...; các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Xây dựng. Sử dụng công nghệ tiên tiến, dây chuyền thiết bị tiên tiến, hiện đại cơ giới hóa, tự động hóa. Phấn đấu hơn 50% nhà máy ứng dụng robot vào trong dây chuyền sản xuất.

Giai đoạn 2021 – 2030, vật liệu lợp sẽ được khuyến khích đầu tư cải tạo, đổi mới công nghệ, thiết bị nâng cấp các cơ sở sản xuất vật liệu lợp có công nghệ lạc hậu thiết bị cũ nhằm tiết kiệm năng lượng, nguyên nhiên liệu, giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu lợp thông minh, tiết kiệm năng lượng; vật liệu lợp sử dụng các loại sợi an toàn với sức khỏe con người, thân thiện môi trường, bền trong môi trường biển đảo. Không đầu tư mới hoặc mở rộng các cơ sở sản xuất tấm lợp amiăng. Công nghệ sản xuất hiện đại có mức độ cơ giới hoá và tư động hoá cao. Phát triển công nghệ sản xuất ngói có sử dụng 15 - 20% chất thải công nghiệp thay thế nguyên liệu đất sét. Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất tấm lợp để sử dụng sợi an toàn với sức khỏe con người, thân thiện môi trường, bền trong môi trường biển đảo.

Gạch gốm ốp lát trong giai đoạn 2021 – 2030 sẽ được đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, đáp ứng đầy đủ các chi tiêu về công nghệ và môi trường.

Hạn chế đầu tư mới sản xuất gạch ceramic. Đầu tư phát triển đồng bộ giữa các cơ sở sản xuất và các cơ sở khai thác, chế biến nguyên liệu, sản xuất men, màu trong nước; các cơ sở sản xuất phụ tùng thay thế. Đầu tư để giảm dần, tiến tới thay thế hoàn toàn nhiên liệu sản xuất từ khí hóa than sang các loại nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường như: LPG, CNG nhằm giảm lượng phát thải CO2 ra môi trường.

Sản xuất vật liệu ốp lát với công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhằm giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu và năng lượng, áp dụng các giải pháp sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý và sản xuất. Phát triển hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung công suất lớn, chuyên môn hóa từ khâu khai thác nguyên liệu; gia công chế biến nguyên liệu, phối liệu cho các cơ sở sản xuất gạch gốm ốp lát. 100% các cơ sở sản xuất phải có hệ thống xử lý các chất thải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Giai đoạn 2021 – 2030, đá ốp lát sẽ được tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, đáp ứng đầy đủ các chi tiêu về công nghệ và môi trường. Quy mô công suất của một cơ sở sản xuất không nhỏ hơn 20.000 m2/năm và phải gắn với vùng nguyên liệu. Đá ốp lát nhân tạo sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất với quy mô lớn gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó, sản xuất đá ốp lát với công nghệ tiên tiến, hiện đại, nhằm giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên liệu và năng lượng, áp dụng các giải pháp sử dụng công nghệ thông tin vào quản lý và sản xuất; Tiêu hao điện ≤ 0,6 kwh/m2 sản phẩm: Chi tiêu phát thải bụi không lơn hơn 30 mg/Nm3; hàm lượng các chất vô cơ không lớn hơn 100 mg/Nm3.

Giai đoạn 2021 – 2030, cát xây dựng vốn VLXD có thế mạnh của tỉnh An Giang sẽ được phát triển đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trong nước. Không xuất khẩu cát xây dựng có nguồn gốc từ cát tự nhiên. Xóa bỏ hoàn toàn việc khai thác nhỏ, lẻ không giấy phép để tránh làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường. Không sử dụng cát, sỏi lòng sông đạt tiêu chuẩn kỹ thuật dùng cho bê tông và vữa để san lấp, cải tạo mặt bằng. Khuyến khích đầu tư nghiên cứu, chuyên giao công nghệ sản xuất các dây chuyền chế biến cát nghiền, cát biển, cát vùng nước mặn, cát nước lợ, cát mịn thành cát đủ tiêu chuẩn dùng cho bê tông và vữa. Đối với cát tự nhiên sẽ sử dụng công nghệ khai thác tiên tiến kết hợp với tuyển rửa loại bỏ tạp chất đê nâng cao chất lượng cát. Khai thác cát đúng theo ranh giới, diện tích theo giấy phép được cơ quan có thẩm quyền cấp, đảm bảo quy trình kỹ thuât khai thác theo quy định; phế thải sinh ra trong quá trình xử lý phải được thu gom, tồn chứa đúng kỹ thuât hoặc tái sử dụng. Đối với cát nghiền: dây chuyền công nghệ sản xuất cát nghiền phải tiên tiến, đồng bộ (bao gồm các thiết bị gia công, chế biến, sàng, tuyển, vận chuyển và các thiết bị xử lý môi trường). Tăng cường phát triển các sản phẩm cát nhân tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng; phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế cho 40% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng. Đẩy mạnh việc sản xuất sử dụng cát nước lợ, cát mịn, cát biển đi kèm với các giải pháp kỹ thuât, phấn đấu đạt mục tiêu sử dụng thay thế cho 10% lượng dùng cát thiên nhiên trong xây dựng.

Đá xây dựng trong giai đoạn 2021-2030, sẽ được đầu tư các dây chuyền khai thác chế biến đá xây dựng công suất lớn, hiện đại nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường; phối hợp sản xuất đá xây dưng và cát nghiền; liên kết với các dây chuyền sản xuất bê tông, gạch không nung và các VLXD khác. Không đầu tư các dự án sản xuất đá xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến quốc lộ, các khu vực có ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hóa, phát triển du lịch, an ninh, quốc phòng. Sắp xếp lại các cơ sở khai thác, chế biến đá xây dựng có quy mô nhỏ. Nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ chế biến đá xây dựng đối với các cơ sở sản xuất cũ; dừng sản xuất đối với các cơ sở sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường theo quy định. Sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất đá xây dựng hiện đại, tiên tiến, đồng bộ, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu phát thải bụi và tiếng ồn trong sản xuất. Kết hợp công nghệ sản xuất đá xây dựng với sản xuất cát nghiền. Nâng cấp, cải tiến thiết bi, công nghệ chế biến đá xây dựng đối với các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu theo hướng tiên tiến, hiện đại. Nâng cao tỷ lệ nội đia hóa trong chế tạo các thiết bị, phụ tùng thay thế trong dây chuyền công nghệ khai thác và chế biến đá xây dựng. Hoạt động khai thác, chế biến đá xây dựng theo các giấy phép được cấp và tuân thủ các quy định pháp luật. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, nhiên liệu và năng lượng; sử dụng các loại phế thải công nghiệp, xây dựng, giao thông trong quá trình sản xuất đá xây dựng.

an giang doi moi cong nghe day manh san xuat cac loai vat lieu xay dung co gia tri kinh te cao
Chế biến đá trên địa bàn An Giang.

Giai đoạn 2021 – 2030, bê tông sẽ được tiếp tục đầu tư các trạm trộn bê tông thương phẩm để thay thế cho chế tạo bê tông thủ công, đơn giản, phân tán, không đảm bảo chất lượng và gây ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh đầu tư các nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông các loại (bê tông nhẹ, bê tông phục vụ công trình ven biển và hải đảo; bê tông cường độ cao, tính năng cao, bê tông xuyên nước chống ngập úng, giảm tiếng ồn cho các đô thi,..). Hiện đại hóa công nghệ sản xuất, ưu tiên phát triển công nghệ theo hướng sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, kết hợp với nâng cao chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Loại bỏ các dây chuyền hiện có đang sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tối đa các loại bê tông trộn thủ công. Các cơ sở sản xuất bê tông phải đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuât về bảo vệ môi trường, phải có hệ thống thiết bị quan trắc tự động bụi và nước thải. Phát triển và áp dụng rộng rãi các loại bê tông cường độ cao trên 100MPa, bê tông bền môi trường biển, bê tông chịu nhiệt, bê tông thích ứng với biến đổi khí hâu, bê tông in 3D. Ứng dụng các loại phụ gia khoáng, phụ gia hóa học đê tối ưu hóa chất lượng bê tông nhằm thích ứng với khí hậu và đạt độ bền lâu dài…

UBND tỉnh An Giang giao Sở Xây dựng tỉnh An Giang chủ trì phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố giám sát, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch; tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung Kế hoạch trong trường hợp cần thiết.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trong qua trình thẩm định trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình sản xuất VLXD thuộc đối tượng phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật; Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình hoạt động trong lĩnh vực VLXD tại địa phương, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ Xây dựng và UBND tỉnh theo quy định.

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load