(Xây dựng) - Đã hơn 40 năm kể từ khi chiến tranh đi qua, nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn hiện hữu từng ngày trong cuộc sống người dân ở huyện biên giới nghèo A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Nỗi đau qua nhiều thế hệ
Từng là một chiến địa tàn khốc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc, A Lưới đã phải hứng chịu hơn 400.000 lít thuốc diệt cỏ (chứa khoảng 11kg dioxin) do quân đội Mỹ rải xuống trong chiến dịch Ranch Hand từ năm 1961 đến năm 1971.
Ngày nay, hầu như đâu đâu trong huyện A Lưới cũng có thể tìm thấy một gia đình có người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Nỗi đau da cam đeo bám người dân ở đây từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Em Trần Thị Hoa Con (thôn Kà Cú 1, xã Hồng Vân, huyện A Lưới) bị tâm thần do ảnh hưởng chất độc da cam từ mẹ của mình.
Toàn huyện A Lưới có khoảng 5.000 nghìn người bị nghi nhiễm chất độc da cam, trong đó trẻ em chiếm tỉ lệ khá cao. Bác Hùng - một cựu chiến binh kể: “Người bị nhiễm chất độc da cam ở đây nhiều lắm. Hầu hết những người từng tham gia chiến tranh đều đã qua đời vì bệnh rồi, nhưng đến thế hệ con cháu vẫn mắc bệnh, tật vì chất độc da cam từ ngày xưa.”
Một số gia đình có người nhiễm chất độc da cam, nhưng bỏ qua một thế hệ đến đời cháu mới bị ảnh hưởng. Như gia đình chị Hồ Thị Sót - người dân tộc Pa Cô (thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới). Bố của chị là bộ đội, từng tham gia kháng chiến, đã qua đời. Chị không bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam nhưng con trai chị - em Hồ Lí Chun năm nay 7 tuổi lại chịu hậu quả nặng nề của chất độc quái ác này. Em Chun chỉ có thể nằm một chỗ, đưa mắt nhìn quanh mà không nói hay nhận biết được gì.
Em Hồ Lí Chun không nói, không ăn được gì mà chỉ uống được sữa.
Cũng như gia đình chị Sót, nhiều trẻ em ở A Lưới mang những khuyết tật do chất độc da cam gây nên như mù bẩm sinh, chân tay co quắp không cử động được hay thiểu năng trí tuệ… Người dân ở vùng đất khắc nghiệt này đã nghèo lại càng thêm khó vì người già thì không còn sức khỏe, còn người trẻ thì nhiều người sinh ra đã mang bệnh tật.
Trẻ em A Lưới cần được quan tâm hơn
Hiện nay, Nhà nước và chính quyền địa phương đã và đang cố gắng từng bước khắc phục hậu quả do chất độc da cam gây ra cho mảnh đất cũng như nhân dân A Lưới. Không chỉ tìm cách giảm bớt lượng dioxin còn lại trong đất, cây cối, nước mà Nhà nước còn có những biện pháp di rời người dân trong những vùng bị nhiễm dioxin ở mức cao nhất như xã Đông Sơn. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền cho người dân biết những thực phẩm nào không nên ăn, khu vực nào còn nhiều nguy hiểm không ai được đến gần, đặc biệt là trẻ em.
Mặc dù Nhà nước cũng đã có những chính sách hỗ trợ đối với những gia đình có người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, giúp họ giảm bớt gánh nặng kinh tế và có thể trang trải tiền thuốc thang cho người bị bệnh, tuy nhiên tiền hỗ trợ vẫn còn chưa đến được với một số trẻ em - thế hệ thứ ba bị nhiễm chất độc dioxin ở A Lưới, do thủ tục còn thiếu.
Cô Lê Thị Ngoan (thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới) chia sẻ: “Giấy tờ gửi đi nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy hỗ trợ tới”. Cô có hai người con là Hồ Ngọc Thụy (15 tuổi) và Hồ Ngọc Vân Đại Thắng (5 tuổi) đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ ông ngoại. Thoạt nhìn, cả hai anh em có vẻ bình thường, nhưng người em có phần xương ngực bị lồi lên bất thường, còn người anh cả xương khớp yếu nên không làm được việc nặng.
“Nó không làm được gì, chỉ đi được xe máy thôi” - cô Lê Thị Ngoan nói về người con lớn Hồ Ngọc Thụy với giọng đùa nhưng đượm buồn.
Đa số trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở A Lưới dù nặng hay nhẹ đều được bố mẹ giữ ở nhà. Lí do một phần sợ con cái bị trêu trọc, nhưng phần còn lại là do điều kiện gia đình khó khăn và đường xá xa xôi nên không thể đưa con đến những trung tâm, trường học dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Ngày nay, khi khoa học công nghệ phát triển, một vài tác động xấu của chất độc da cam có thể cải thiện bằng cách phẫu thuật, sử dụng thuốc hoặc vật lí trị liệu phục hồi chức năng nếu được phát hiện sớm. Trong khi số lượng trẻ em sinh ra ở A Lưới mang trong mình bệnh tật do chất độc da cam không có dấu hiệu giảm đi vậy nên sự có mặt của những trung tâm đặc biệt để chăm sóc, dạy dỗ các em là điều rất cần thiết. Hơn bao giờ hết ,những “mầm non” tương lai ở A Lưới cần có sự quan tâm không chỉ từ gia đình mà còn từ các chính sách xã hội, cộng đồng để giảm thiểu những thiệt thòi và có kĩ năng cần thiết tự lo cho cuộc sống của mình.
Ngọc Quỳnh
Theo