Thứ sáu 27/12/2024 02:46 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Khoa học - Công nghệ /

AI không thể thay thế nhà báo

22:25 | 27/03/2023

(Xây dựng) – Chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến trải nghiệm mới cho bạn đọc, thông qua ứng dụng công nghệ số.

AI không thể thay thế nhà báo

Nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản và phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn.

Trên thế giới, nhiều tòa sọan đã sử dụng AI để sản xuất nội dung báo chí nhanh hơn, giảm tải khối lượng công việc cho phóng viên. Trước mắt, phần mềm chatbot ChatGPT đã có thể viết được các tin bài theo cấu trúc kim tự tháp ngược (nhất là tiếng Anh), nhưng các dạng bài phức tạp hơn theo cấu trúc đồng hồ cát thì chưa làm được.

Trí tuệ nhân tạo (AI) không thể thay thế nhà báo nhưng người làm báo cần học cách làm chủ công nghệ để nâng cao hiệu suất làm việc.

Mới đây, nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) đã thử nghiệm ChatGPT sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí. Từ thử nghiệm này, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng ChatGPT có khả năng định hướng chủ đề và bố cục bài viết tương đương một sinh viên mới ra trường đi làm được khoảng 1-2 năm. Thậm chí, ChatGPT chỉ mất 8 phút để hoàn thành một bài viết 4 phần dài khoảng 2.000 chữ.

Tuy nhiên, tác phẩm báo chí của ChatGPT vẫn còn nhiều “hạt sạn” như: Tác phẩm chưa có điểm nhấn, chưa có yếu tố con người, yếu tố nghệ thuật và còn nhiều từ ngữ chưa hợp với phóng sự, sử dụng danh từ còn cứng, do máy tính tổng hợp đề xuất. Nhóm nghiên cứu phải hỏi đến 8 câu thì AI mới hiểu chính xác ý muốn của người biên tập. Như vậy, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong các sản phẩm báo chí, nhưng AI không có yếu tố này nên cũng không thể mang đến cảm xúc, sự sáng tạo, nghiệp vụ, tính cách mạng và tính dàn dựng.

AI chắc chắn không thể thay thế người làm báo, nhà báo biết cách sử dụng AI hợp lý có thể thay thế các nhà báo không sử dụng AI.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, công chúng của báo chí là con người nên dù công nghệ có phát triển đến đâu thì báo chí vẫn có chỗ dựa vững chắc, đó là công chúng. Mạng xã hội có thể cung cấp thông tin nhanh chóng nhưng tính chính xác, đạo đức và nhân văn không thể so với báo chí, AI cũng như vậy. Do đó, báo chí vẫn sẽ là chỗ dựa để mang lại thông tin chính xác nhất và nhân văn nhất cho công chúng.

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà báo và các cơ quan quản lý báo chí. Cụ thể, việc sử dụng AI tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp... từ đó dẫn đến sự cạnh tranh về lòng tin giữa báo chí truyền thông và AI.

Đặc biệt, ứng dụng AI có thể thay thế một số công việc của phóng viên, nhà báo và khiến nhiều người bị mất công ăn việc làm. Theo nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, AI đang đe dọa nguồn thu nhập của báo chí và đây là vấn đề sống còn đối với các cơ quan báo chí tại Việt Nam. Mặc dù vậy, nhà báo Lê Quốc Minh cũng khẳng định việc đầu tư ứng dụng AI vào sáng tạo nội dung trong báo chí là cực kỳ cần thiết, nếu bây giờ còn ai nói không nên đầu tư vào AI thì thật sự rất tụt hậu. Việc đầu tư vào AI không đơn giản chỉ là có công cụ để viết bài mà còn có thể mang đến nhiều tiện ích khác.

Hữu Mạnh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load