(Xây dựng) - “Trong vòng 15 - 20 năm tới, khối lượng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất sẽ được xử lý đáng kể (khoảng 80%)”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nêu rõ quan điểm, mục đích cuối cùng của Chương trình Xử lý tro xỉ, thạch cao và phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) trong cuộc họp diễn ra sáng ngày 15/12, tại trụ sở Bộ Xây dựng.
Cần thiết phải biên soạn giáo trình giảng dạy hướng dẫn thi công gạch AAC đối với công nhân kỹ thuật, kỹ sư giám sát dự án của các trường đào tạo.
Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quang Hùng, lãnh đạo các vụ, viện của Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung các cơ chế, chính sách, định mức, tiêu chuẩn, quy chuẩn… liên quan đến quá trình xử lý phát thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất cũng như việc sử dụng VLXKN.
Bổ sung cơ chế, chính sách cho người sử dụng
Nhằm gắn việc triển khai Chương trình Phát triển VLXKN với việc xử lý phát thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở, nền tảng triển khai như: Quyết định 567 ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình Phát triển VLXKN đến năm 2020, Chỉ thị 10 ngày 16/4/2012 về việc tăng cường sử dụng VLXKN và hạn chế sử dụng, sản xuất gạch đất sét nung, Thông tư 09 ngày 28/11/2012 về quy định sử dụng VLXKN trong các công trình, Quyết định 1696 ngày 23/9/2014 về một số giải pháp xử lý tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cần thiết phải bổ sung thêm cơ chế, chính sách cho đối tượng sử dụng sản phẩm VLXKN được sản xuất từ phát thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết, ngay từ lúc xây dựng Quyết định 567, Ban Soạn thảo đã nghiên cứu kỹ chính sách của các nước trên thế giới và dự thảo đề xuất, nếu sử dụng 30% phế thải làm nguyên liệu cho sản xuất VLXD thì được miễn thuế lợi tức, được giảm thuế GTGT (từ 10% xuống còn 5%) và đề xuất 11 cơ chế, chính sách nhằm triển khai tốt chương trình.
Thế nhưng, đề xuất không được thông qua và cũng chỉ có 5 cơ chế, chính sách được phê duyệt. Và trong số 5 cơ chế, chính sách này thì chỉ có 4 cơ chế được triển khai tại 10 tỉnh, còn lại các tỉnh khác thực hiện được không đáng kể. Do đó, cần thiết phải bổ sung thêm cơ chế, chính sách cho các đối tượng sử dụng VLXKN. Ví dụ, có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích các đơn vị sản xuất xi măng sử dụng tro bay làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng, clinker…
Bên cạnh đó, thực tế thời gian qua minh chứng, vấn đề nghiên cứu sử dụng phát thải của các nhà máy nhiệt điện, phân bón hoá chất đã rất đầy đủ, bao phủ trên diện rộng. Tuy nhiên, việc triển khai những nghiên cứu này vào thực tiễn vẫn còn gặp không ít bất cập.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Đức Long, Viện trưởng Viện VLXD (VIBM), ông Phạm Văn Bắc cũng cho rằng, cần thiết phải đầu tư để xây dựng các đề án thử nghiệm thực tế; đồng thời đưa ra tỷ lệ phối liệu cụ thể cho từng chủng loại sản phẩm. Ví dụ, hiện nay tại nhiều địa phương như Nam Định, Thái Bình, nhiều nhà máy sản xuất gạch nung đã sản xuất thử nghiệm và thành công trong việc sử dụng phát thải của các nhà máy nhiệt điện để sản xuất gạch đỏ. Còn lại một số vật liệu khác, địa phương khác chưa dùng hoặc dùng không đáng kể. Do đó, cần thiết phải có sự đầu tư, nghiên cứu của cơ quan quản lý nhà nước nhằm đưa ra tỷ lệ phối liệu cụ thể ứng dụng cho sản xuất các loại vật liệu khác nhau, để các địa phương sử dụng nhiều hơn.
Bổ sung định mức, hướng dẫn thi công
Việc bổ sung định mức, hướng dẫn thi công và nghiệm thu đối với nhiều sản phẩm VLXKN cũng được các cơ quan Bộ Xây dựng đề xuất, nêu rõ quan điểm.
Số liệu báo cáo của các địa phương và số liệu khảo sát của Vụ Vật liệu xây dựng cho thấy, có 25/63 tỉnh, thành phố ban hành chỉ thị phát triển VLXKN, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, 50/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng lộ trình, kế hoạch xoá bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch (quy định của Chính phủ là hết năm 2018 đối với các tỉnh đồng bằng, hết năm 2020 đối với các tỉnh miền núi).
Ông Phạm Văn Bắc cho biết, có gần 200 dây chuyền sản xuất gạch xi măng cốt liệu từ 10 triệu viên/năm trở lên, hơn 1.000 dây chuyền công suất từ vài trăm đến vài triệu viên/năm và 13 dây chuyền bê tông khí chưng áp (AAC) với tổng công suất 1,1 tỷ viên/năm (công suất thiết kế của các dây chuyền từ 70.000 - 350.000) nhưng thực tế chỉ có 2 đơn vị chạy được 90% công suất thiết kế, một đơn vị chạy được 60% công suất, còn lại chỉ chạy 20 - 30% công suất thiết kế, có đơn vị chạy thử xong là đóng cửa.
Tuy nhiên, mặc dù tiêu chuẩn cho sản phẩm đã hoàn thiện từ năm 2011, nhưng trong quá trình sản xuất phát sinh thêm nhiều vấn đề về kỹ thuật, về sự đa dạng hoá của sản phẩm theo cơ chế thị trường… Do đó, cần thiết phải ban hành thêm tiêu chuẩn về gạch bê tông khí chưng áp, bê tông bọt, gạch bê tông, định mức kinh tế, hướng dẫn thi công và nghiệm thu, đối với các loại VLXKN khác.
Ông Trần Bá Việt, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ xây dựng (IBST) cho biết, trong khi dây chuyền sản xuất gạch AAC thì được đầu tư nhiều nhưng việc sử dụng gạch AAC tại Việt Nam rất ít mặc dù hướng dẫn thi công, tiêu chuẩn gạch, tiêu chuẩn vữa đã có. Vấn đề bất cập hiện nay nằm ở khâu thi công và quản lý dự án. Do đó, cần thiết phải biên soạn bài giảng theo giáo trình đối với công nhân kỹ thuật của các trường đào tạo và các ban quản lý đặc biệt là kỹ sư quản lý, kỹ sư thi công.
Ông Trần Bá Việt cũng đề xuất, bổ sung hướng dẫn thi công các loại gạch block trên nền cốt liệu xi măng, tiêu chuẩn hướng dẫn san lấp…
Thanh Nga
Theo