Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng mang tầm chân lý, một chân lý bất hủ có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc.
Trên đường đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã khái quát chân lý bất di, bất dịch về quyền cơ bản của các dân tộc: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Trong ảnh: Tháng 12/1920, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Người ủng hộ Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Từ ngày 6/1-7/2/1930, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam họp ở bán đảo Cửu Long, thuộc Hong Kong (Trung Quốc) dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt cho Quốc tế Cộng sản. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng cũng như trong Lời kêu gọi sau khi thành lập Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khởi thảo, xác định mục tiêu chính trị của Đảng là: Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến tay sai, giành độc lập dân tộc ''để đi tới xã hội cộng sản''. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát) |
Ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định trước quốc dân đồng bào và trước toàn thế giới rằng: ''Nước Việt Nam có quyền hưởng tự và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy''. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Ngày 26/9/1945, tại ga Hàng Cỏ, đoàn quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội vào chi viện cho miền Nam, mở đầu cho phong trào Nam tiến, cả nước sát cánh cùng đồng bào Nam bộ và Nam Trung bộ đánh giặc cứu nước. Phong trào Nam tiến là hình ảnh của cả nước ra quân, phản ánh ý chí ''nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một'', ''Nước còn giặc còn đi đánh giặc'' và ''Đâu có giặc là ta cứ đi''. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Cuối tháng 7/1945, trong lần ốm nặng nằm tại lán Nà Lừa, Bác Hồ nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: ''Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập''. Những lời dặn dò của Người, khẳng định quyết tâm và tấm lòng khao khát giành độc lập dân tộc khi thời cơ chín muồi. Đó là kết tinh ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập của cả dân tộc. Và tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, quần chúng cách mạng đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Ngày 6/3/1946, tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và J. Sainteny - đại diện 2 Chính phủ ký ''Hiệp định Sơ bộ'', tạm hòa hoãn với Pháp để gạt quân Tưởng ra khỏi đất nước, tránh đối phó cùng lúc nhiều kẻ thù nguy hiểm, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/TTXVN phát) |
Ngày 14/9/1946, tại Paris, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Pháp bản Tạm ước, tiếp tục nhượng bộ một số quyền lợi kinh tế, văn hóa ở Việt Nam để có thời gian xây dựng và củng cổ lực lượng, tạo thêm thời gian hòa hoãn quý báu cho chính quyền cách mạng non trẻ chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát) |
Tháng 12/1946, trước dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động toàn quốc kháng chiến, kêu gọi toàn dân tộc Việt Nam nhất tề đứng lên kháng chiến với quyết tâm ''Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'', ''thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ''. (Ảnh: Nguyễn Bá Khoản/Tư liệu TTXVN) |
Theo (TTXVN/Vietnam+)