Thứ sáu 13/12/2024 21:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Định hướng xây dựng, phát triển đất nước - lý luận và thực tiễn

Giai đoạn nước rút tiến vào kỷ nguyên mới

14:51 | 18/11/2024

Việc Trung ương xác định và sử dụng khái niệm kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, có thể xem như một thông điệp mạnh mẽ về một thời kỳ phát triển mới của nước ta, nhấn mạnh quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước, tạo bước ngoặt lịch sử mở ra một thời kỳ phát triển mới của quốc gia-dân tộc.

Giai đoạn nước rút tiến vào kỷ nguyên mới
Ảnh minh họa: Dây chuyền lắp ráp, sản xuất ô-tô của Kim Long motor tại tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: CÔNG HẬU - QUANG QUÝ)

Thế và lực của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, thời cơ, thuận lợi mới, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng... là những điều kiện cần thiết đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Trong các bài viết gần đây về xây dựng Đảng vững mạnh, nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; về chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới; về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, và bài phát biểu tại Đại học Columbia (Mỹ) ngày 23/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII cũng thống nhất khẳng định về quyết sách đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết thống nhất cao của Trung ương, góp phần quan trọng củng cố, phát huy những kết quả, thành tích mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, góp phần tạo khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp tiếp tục đổi mới đồng bộ và toàn diện; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều chuyển động mang tính thời đại, tác động đến an ninh và phát triển của tất cả các quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra một thời đại kinh tế mới, kinh tế số, toàn cầu hóa, phát triển bền vững, trí tuệ nhân tạo... Điều này đòi hỏi kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam phải được xây dựng và triển khai trên những nền tảng thực tiễn của thế giới và Việt Nam để xác định đúng đắn mục tiêu, định hướng và phương thức thực hiện.

Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mục tiêu tổng quát của kỷ nguyên mới chính là: Phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, là cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng; tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số; chống lãng phí;... Đây là giai đoạn nước rút để hiện thực hóa các mục tiêu vào năm 2030 và 2045, kiến tạo kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thể hiện yêu cầu mới về chất trong phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vấn đề đặt ra là phải kịp thời có các chiến lược khả thi. Trước hết là chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chiến lược phát triển nhanh và bền vững. Tiếp tục cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ phải trên cơ sở làm chủ công nghệ và chủ động, tích cực hội nhập, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế. Đột phá về kết cấu hạ tầng gắn với chuyển đổi số, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo để hướng tới nền kinh tế tri thức là một trong những ưu tiên hàng đầu. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần tập trung cao nhất cho đột phá về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mạnh mẽ trong xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.

Những yêu cầu về đổi mới thể chế, nhất là hoàn thiện các quy định của pháp luật, là điều mà người dân và cộng đồng doanh nghiệp đều hết sức kỳ vọng. Tập trung đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn từ thể chế - “nút thắt của nút thắt”, cải cách môi trường kinh doanh là những yếu tố tạo đà để Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển bền vững, khai thác những tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Trong đó, trọng tâm là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật gắn với nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tương xứng với tính chất là một trong ba khâu đột phá chiến lược.

Đồng thời, cần tập trung phát triển hạ tầng chiến lược (trọng điểm là hạ tầng giao thông, hạ tầng số và hạ tầng năng lượng); đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển, có cơ chế tập trung định hướng vào công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi...

Theo đó, Trung ương thống nhất xác định, Đại hội XIV của Đảng cần đề ra định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam với những giải pháp, biện pháp, “đúng”, “trúng” và có tính đột phá. Quyết tâm chính trị rất cao, tâm thế chủ động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước những nhiệm vụ, mục tiêu đầy thách thức đã truyền cảm hứng cho cả hệ thống chính trị và nhân dân, để đồng tâm, hiệp lực hướng tới mục tiêu đã định.

Thống nhất nhận thức và hành động trong “kỷ nguyên mới của dân tộc” chính là cam kết chính trị mà Đảng đã công bố. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là đòi hỏi tất yếu, khách quan và là kết quả tất yếu của những thành công trước đây mở ra cho dân tộc.

Đây cũng là “con đường ngắn nhất”, mang tầm chiến lược, đánh dấu mốc quan trọng đặc biệt, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới ở thời khắc lịch sử, là một bước ngoặt trong chặng đường phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đánh dấu thời kỳ mới, phù hợp với quy luật khách quan, phù hợp với yêu cầu của thời đại, với tiến trình phát triển chung. Điều này càng đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc và vì những mục tiêu cao cả của nhân loại.

Theo Trần Tuấn Thiện/nhandan.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load