(Xây dựng) - Đây là con số ấn tượng được đưa ra tại Lễ ký kết hợp tác chiến lược đào tạo nhân sự giữa 3 đơn vị để phục vụ Sân bay quốc tế Long Thành khi sân bay này dự kiến đi vào hoạt động năm 2026. Đây cũng là số lao động có tay nghề mà UBND tỉnh Đồng Nai kỳ vọng, ưu tiên cho lao động địa phương, con em gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án.
Chiều 27/5, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 ký kết hợp tác chiến lược, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2. |
Theo đó, sẽ có 14.000 lao động cần được đào tạo để phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động năm 2026. 3 lĩnh vực được hợp tác đào tạo gồm: Đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không; gia công, sản xuất vật tư, linh kiện, phụ tùng để đảm bảo công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện trang thiết bị hàng không; xây dựng khu phức hợp với các công năng, phục vụ cho đào tạo, bảo dưỡng sửa chữa, khu vực làm việc cho cán bộ, chuyên gia công tác tại Sân bay Long Thành trong thời gian tới.
Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn cho biết, dự án Sân bay Long Thành là mối quan tâm hàng đầu của ngành hàng không nói riêng, cả nước nói chung. SAGS xác định việc thành công đấu thầu cung cấp dịch vụ mặt đất tại Sân bay Long Thành là mục tiêu mang tính chiến lược của Công ty.
Ông Nguyễn Khánh Cường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 cho hay, trường đã hợp tác đào tạo với nhiều đơn vị, công ty lớn trong nước và quốc tế trong nhiều năm qua và là đơn vị có uy tín hàng đầu Việt Nam trong việc đào tạo nghề chuẩn quốc tế được nhiều hãng nổi tiếng của nước ngoài lựa chọn như Mercedes Benz, Bosch… Nhiều sinh viên của Trường tốt nghiệp đã được các hãng đón qua nước ngoài làm việc. Nhà trường kỳ vọng sẽ nhanh chóng triển khai công việc để kịp tuyển sinh khoá đầu tiên nhân sự phục vụ Sân bay Long Thành vào tháng 9 tới.
Ông Đặng Tuấn Tú - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (bên trái), ông Nguyễn Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ở giữa), ông Nguyễn Khánh Cường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (bên phải) tại Lễ ký kết hợp tác. (Ảnh: Báo Nhân Dân) |
Tham dự lễ ký kết, đại diện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá cao công tác chuẩn bị nguồn nhân sự phục vụ sân bay Long Thành của 3 đơn vị. Ông Hùng tin tưởng với sự hợp tác có chiến lược, bài bản và uy tín về đào tạo, huấn luyện nhân sự của 3 đơn vị, Đồng Nai sẽ có được một lực lượng nhân sự có tay nghề cao, đạt chất lượng, chuẩn quốc tế phục vụ cho sân bay.
Phó Chủ tịch mong rằng ACV, SAGS cung cấp cụ thể số lượng cần phục vụ trong sân bay, từ đó tỉnh sẽ có kế hoạch hỗ trợ, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo con em địa phương của tỉnh khi tham gia chương trình này.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành có công suất thiết kế khi hoàn thiện 3 giai đoạn là 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 sẽ phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa. Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, sân bay giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 14.000 lao động với trình độ học vấn và tay nghề khác nhau từ phổ thông đến đại học, trên đại học.
Lễ ký kết có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định sự quyết tâm của ngành hàng không, của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đối với cam kết thực hiện mục tiêu chính trị, theo Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành kế hoạch xây dựng, đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác đúng tiến độ, dự kiến hoạt động từ năm 2026.
Minh Khôi
Theo