(Xây dựng) – “Ông Thiêm bóng đá – Ông Thiêm bóng chuyền”, vâng đó là cái tên của một người đàn ông mà rất nhiều người ở thành phố miền núi Trung du phía Tây Bắc này biết đến. Bởi người ta coi ông là một thủ lĩnh của phong trào thể dục thể thao quần chúng tại địa phương.
Khai mạc giải bóng đá lão tướng khu dân cư thành phố Yên Bái. |
Rất nhiều người dân và cán bộ công nhân viên, nhất là những thanh niên làm các nghề lao động ngoài xã hội luôn tôn kính ông như người cha, người lãnh đạo. Họ gắn bó với ông như những người thân trong gia đình, họ nghe ông nói một cách tôn trọng và làm theo những điều hay, lẽ phải mà ông hướng cho họ. Một số người ngỡ ngàng đặt ra câu hỏi tại sao ảnh hưởng của ông rất lớn đối với nhiều người như vậy, tại sao cả thành phố với nhiều phong cảnh rất đẹp để vui chơi mà sao cứ mỗi buổi chiều, các ngày nghỉ lễ nhà ông lại có hàng trăm người tụ mặt quây quần hò hét, ca hát và cất lên những tiếng cười sảng khoái trên sân bóng đá, bóng chuyền… được đầu tư từ nguồn kinh phí mà gia đình ông bỏ ra.
Để hiểu hết về người đàn ông này xin ngược dòng thời gian về 20 năm trước ta có thể thấy được những giá trị cốt lõi có được từ một tâm hồn trong sáng, biết hy sinh lợi ích cá nhân của mình, của gia đình mình để làm đẹp cho đời, cho xã hội.
Ông năm nay vừa 70 tuổi, trước đây 20 năm cũng như nhiều người khác, ông là một cán bộ ngành cơ khí được nghỉ hưu sau mấy chục năm công tác. Với đồng lương hưu rất khiêm tốn, không đủ chi phí cho cuộc sống, sinh hoạt bình thường và nuôi con ăn học ông lại lăn lộn vào những công việc mới để kiếm thêm thu nhập qua nghề lao động thủ công, như: Chữa dụng cụ cơ khí, chạy xe ôm, xây dựng… Vợ của ông một người phụ nữ hiền lành chất phác hết lòng thương chồng, thương con, và chia sẻ với niềm đam mê của ông. Bà tần tảo sớm hôm bên chiếc máy may quần áo để kiếm thêm kinh phí cùng chồng mưu sinh cuộc sống và hỗ trợ ông thỏa nguyện niềm đam mê xây dựng đội ngũ vận động viên không chuyên của phố phường và thành phố.
Sân thi đấu bóng chuyền trong nhà của gia đình ông Thiêm. |
Ông bà đã dành phần đất của gia đình và thuê thêm đất của phường để xây dựng một tổ hợp sân bóng chuyền, sân bóng đá, phòng biểu diễn văn nghệ, tổ chức sự kiện cho người dân và các cháu thanh thiếu niên trong xóm phố, nhiều khi mở rộng đến cả các phường trong thành phố, mọi chi phí đầu tư mua sắm, tổ chức đều do ông bà bỏ ra từ nguồn kinh phí hạn hẹp thu được. Cứ như thế suốt 20 năm qua ông vừa là vận động viên, vừa là huấn luyện viên, vừa là nhà tổ chức để huấn luyện các đội bóng đá, bóng chuyền của địa phương, của thành phố. Nhiều khi còn tổ chức huấn luyện cho các vận động viên của các cơ quan, đơn vị và các huyện thị để thi đấu tại cơ sở và tham gia các giải, các đại hội của thành phố, của tỉnh và giao lưu thể thao với các tỉnh bạn ở khắp các tỉnh khu vực miền Bắc.
Chính từ những phong trào thể thao quần chúng tại cơ sở và việc đầu tư kinh phí để đào tạo, huấn luyện, tổ chức thi đấu ông và các vận động viên đã giành được những thành tích đáng kể trong các sự kiện thể thao của thành phố và của tỉnh.
Năm 2020, do các con của ông đã trưởng thành cần có những nơi ở, sinh hoạt riêng ông bà lại quyết định mua một nơi ở mới. Thông thường trong cuộc sống, khi con người ta đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” hầu hết có suy nghĩ an phận để toan tính cho những năm tháng còn lại cuối đời, nhưng ông Thiêm bóng đá không nghĩ như vậy. Sau khi xây dựng căn nhà của mình ông đã bỏ tiền ra mua hơn 3.000m2 đất để xây dựng hệ thống đường dây điện và 3 sân bóng chuyền và một sân bóng đá, một sân khấu biểu diễn với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng.
Với việc đầu tư hoàn chỉnh từ lưới bóng, mặt sân, hệ thống điện chiếu sáng, bãi xe, quạt mát, sân khấu biểu diễn… Ngày nào cũng vậy sau thời gian làm việc vào các buổi chiều, các ngày nghỉ lễ cả khu vực thể thao ngõ 75B phố Phúc Tân, phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái tập trung hàng trăm người dân lao động và cán bộ công nhân viên ở các nơi đến luyện tập và thi đấu thể thao tạo nên không khí sôi động cả xóm phố.
Không một chút toan tính, không một mảy may danh lợi cả hai ông bà đều rất vui khi được làm những việc rất đẹp cho cuộc sống, nhiều lần sau khi tổ chức xong một giải thi đấu nào đó ông bà còn vui vẻ tổ chức liên hoan cho các đội cùng với những bó hoa và phần thưởng được chi ra từ túi tiền của gia đình để động viên phong trào.
Tâm sự với chúng tôi ông bộc bạch: “Tôi yêu thể thao lắm vì thể thao mà tôi có sức khỏe tốt đến bây giờ. Trong điều kiện kinh tế của địa phương còn hạn hẹp việc đầu tư các thiết chế thể dục thể thao chưa đáp ứng hết nhu cầu của nhân dân nhất là thế hệ trẻ. Bởi vậy, nếu có sân chơi phù hợp, bổ ích để rèn luyện sức khỏe, duy trì cuộc sống, giúp người ta làm việc hiệu quả, đồng thời tránh xa những tệ nạn xã hội”.
Ông nói vui với chúng tôi: “Tôi lớn tuổi rồi đi, ở lúc nào bây giờ tùy thuộc vào ông trời. Tôi đã dặn lại con cái và bà vợ của tôi những khu thể dục thể thao mà tôi xây dựng lên bằng nguồn kinh phí của gia đình và vay một số của ngân hàng, nếu chẳng may có sự kiện gì thì vợ con cũng không được chuyển nhượng khu vui chơi thể thao cho bất cứ ai, mà phải để lại cho bà con nhân dân có nơi tụ họp. Bởi đó là nguyện vọng lớn nhất còn lại của cuộc đời tôi”.
Những lời tâm sự của ông làm chúng tôi hết sức cảm động và trân trọng, thầm nghĩ nếu ở đâu cũng có những con người như vậy thì chắc hẳn phòng trào thể dục thể thao và văn hoá quần chúng sẽ phát triển rất tốt. Con người ấy đã tận tụy và tâm huyết mang sức khỏe và niềm vui cho mọi người mà chẳng mong được tặng thưởng một tấm giấy khen một chiếc kỷ niệm chương
Những việc làm và nghĩa cử cao đẹp của ông Đặng Xuân Thiêm đáng để chúng ta trân trọng và suy ngẫm, bởi đâu đó trên đất nước này còn có những đơn vị, cá nhân được Nhà nước phân công nhiệm vụ làm công tác phát triển phong trào thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ và đền ơn đáp nghĩa. Do họ không được đào tạo chuyên môn cơ bản nên thiếu năng động, hiểu biết hạn chế nên họ luôn lung túng, thụ động, thiếu sáng tạo, không hội tụ được sức mạnh của cấp dưới, không bám sát được cơ sở nên không phát hiện được nhân tài từ phong trào quần chúng. Cá biệt có những cán bộ ở một số ít các cơ quan đơn vị cấm các đoàn thể không được làm văn bản đề nghị để xin kinh phí phục vụ cho một phong trào nào đó, mặc dù việc đề nghị đó có lợi cho tập thể. Đôi khi có những bài diễn văn của họ được đọc trong một sự kiện chính trị nghe rất hay rất kêu khi họ nhắc đến việc làm theo lời của lãnh tụ, nhưng thực chất bản thân họ có làm theo những lời ấy đâu. Cũng bởi sự hiểu biết và tầm nhìn xã hội của họ còn ở mức độ, hoặc vì họ được giao nhiệm vụ quá khả năng chuyên môn nên họ không đam mê và chia sẻ với mong muốn của số đông. Đó cũng là nguyên nhân của phong trào ở một vài nơi đang có chiều hướng đi ngang thậm chí có một số bộ môn tiến theo “hướng củ mài” – như ngôn từ mà người dân miền núi hay dùng.
Qua bài viết này điều mà nhiều người dân cùng chúng tôi mong mỏi những đơn vị, địa phương hay giành thời gian đến thăm, cổ vũ động viên để làm cơ sở xây dựng, phát triển những mô hình thể dục thể thao, văn nghệ như những gì mà gia đình ông Đặng Xuân Thiêm đã làm. Để phong trào từ cơ sở ngày càng được phát triển đáp ứng với nguyện vọng chính đáng của nhân dân và thế hệ trẻ. Góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng theo đường lối chủ trương của Đảng và Chính phủ.
Sơn Lâm
Theo