(Xây dựng) - Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam, hòa bình thống nhất đất nước và Hội chợ Sách quốc gia online đầu tiên, Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và Câu lạc bộ “Trái tim người lính” xuất bản bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”.
Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm “Nhật ký thời chiến Việt Nam” nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách, với 30 tác phẩm của 30 tác giả. |
Được Hội đồng Quản lý "Quỹ mãi mãi tuổi 20" giao trách nhiệm chính việc tổ chức sưu tầm và biên soạn bộ sách quý “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, phải mất 16 năm (2004 - 2020) nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này. Bạn đọc cả trong và ngoài nước đã biết đến 2 cuốn nhật ký lừng danh, với hàng triệu bản in đã được phát hành, được dịch ra nhiều thứ tiếng: “Mãi mãi tuổi 20” của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của Anh hùng, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm.
Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm “Nhật ký thời chiến Việt Nam” nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách, với 30 tác phẩm của 30 tác giả. Không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thủy Trâm”; mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác, nhiều bạn chưa được đọc như: “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sỹ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Minh Sơn); đặc biệt, là những trang viết của các văn nghệ sỹ nổi tiếng: “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sỹ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường" của liệt sỹ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký vượt Trường Sơn” của TS. Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc”của nhà văn, TS. Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B”của cố nhà văn Triệu Bôn.
Ngoài ra, bạn đọc còn được tiếp cận những trang viết hiếm hoi mang đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký “Trở về trong giấc mơ”của liệt sỹ Trần Minh Tiến – Chàng cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẫm nước mắt với cô Văn công xung kích xứ Hà Đông xưa; hoặc nhật ký “Tài hoa ra trận” đầy chất văn chương lãng mạn của liệt sỹ Hoàng Thượng Lân – Chàng họa sỹ đẹp trai (bạn cùng lứa của 2 người nổi tiếng là họa sỹ Thành Chương và họa sỹ Lê Trí Dũng)…
Trung tướng TS KHQS, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4) Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đánh giá: “Đây là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" như một tượng đài Di sản phi vật thể, mà các Anh hùng - Liệt sỹ, các cựu chiến binh đã để lại dấu ấn của tâm hồn mình cho thế hệ sau".
Chủ biên của bộ sách, nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng đã thay mặt nhóm sưu tầm, biên soạn và thực hiện cho biết: "Nhật ký là những trang viết đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô tháp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật.
Không ai có thể buộc được người ta phải nói thật suy nghĩ của lòng mình, nhất là sự ấm ức, bất công và nỗi buồn nản trong cuộc đời; kể cả tâm trạng “sống trong sợ hãi” tại chiến trường. Nhưng với nhật ký, thì người viết “tự nguyện” nói ra tất cả điều ấy…
Chỉ với 4 tập đầu tiên mà bộ sách đã có dung lượng hơn 4.000 trang khổ lớn. Điều đặc biệt là 2/3 tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Nhiều anh chị đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương và vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về. Ngoài sổ tay nhật ký (bản chính hoặc bản sao) mà thân nhân của các anh, chị đã tin tưởng, trân trọng chuyển cho chúng tôi, còn có cả những di ảnh, di bút của người đã khuất. Đó là những di vật thiêng liêng của gia đình..."
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi) khẳng định: “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn những trang nhật ký của những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, với quê hương họ. Họ viết trong đói khát, trong bom đạn, trong chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho đất nước.
Bộ sách “Nhật ký chiến tranh Việt Nam” mang một giá trị lớn lao mà ngay lúc này chúng ta cũng chưa thể nhận ra hết giá trị của những trang nhật ký ấy. Nhiều năm sau chiến tranh Việt Nam, các nhà nghiên cứu chiến tranh của Mỹ đã khẳng định: phát hiện lớn nhất của người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam là phát hiện ra nền văn hóa Việt Nam.
Hạ Ly
Theo